Bí ẩn di tích khảo cổ Gò Cây Thị

Tại huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang, có nhiều địa điểm khai quật để tìm kiếm cổ vật cùng các tư liệu có liên quan đến văn hóa Óc Eo, trong đó phải kể đến di tích khảo cổ rất quan trọng là Gò Cây Thị (tại thị trấn Óc Eo).

Di tích khảo cổ quý hiếm đất Thoại Sơn

Ông Chau Thuôn, 90 tuổi ngụ thị trấn Óc Eo cho biết, “nghe ông bà tôi kể lại, sở dĩ có tên Gò Cây Thị vì trên gò đất này có trồng rất nhiều cây thị cho trái quanh năm, trái thơm, to, vàng ươm, vị ngọt nhưng người dân không dám ăn vì sợ thần linh quở phạt. Nhiều cư dân cố cựu khác cho rằng sở dĩ có tên Gò Cây Thị là do người Pháp xưa đóng quân tại vùng đất này đặt tên.

Bảo tàng văn hóa Óc Eo bên cạnh Gò Cây Thị

Bảo tàng văn hóa Óc Eo bên cạnh Gò Cây Thị

Đây là khu di tích nằm trong quần thể được khai quật có liên quan đến nền văn hóa Óc Eo tại tỉnh An Giang lần đầu tiên vào năm 1944 do nhà khảo cổ học người Pháp tên Lonis Malaret thực hiện. Sau năm 1975, khu di tích còn được khai quật thêm nhiều lần và đã tìm được nhiều sự kiện có liên quan đến các khu mộ cổ thời kỳ văn hóa Óc Eo. Năm 2004, di tích Gò Cây Thị đã được Bộ VHTTDL công nhận Di tích khảo cổ cấp quốc gia, năm 2013 được công nhận là Di tích đặc biệt cấp quốc gia.

Về vị trí địa lý, khu di tích Gò Cây Thị nằm trên cánh đồng cạnh chân núi Ba Thê là 1 trong 7 ngọn núi liên hoàn ở An Giang, cách chân núi Ba Thê khoảng 1.500m về phía Tây. Khu di tích quay mặt về hướng Đông, kiến trúc có dạng gần vuông được chia thành 2 phần hình chữ nhật. Phần chính diện ở phía Tây và phần tiền diện ở phía Đông, có diện tích gần 489m2. Toàn bộ kiến trúc được xây dựng trên 1 nền đá khối rất lớn, mỗi viên đá có đường kính từ 40 – 50cm đặt trên lớp đất sét nền, bên trên là những tảng đá nhỏ trộn lẫn với gạch vỡ tạo thành nền tảng của nền bên dưới. Cấu trúc Gò Cây Thị gồm 36 đường tường móng gạch tạo thành nhiều cấu trúc bên trong gồm: Tiền diện, chính diện, các ô ngăn lớn và nhỏ... Tiền diện dài 16,8m rộng 7,4m, mặt tiền của tiền diện mang biểu tượng của bánh xe hay tia nắng mặt trời. Chính diện nằm ở phía Tây dài 22m rộng 16,4m, ở phần giữa chính diện có 4 ngăn hình chữ nhật, mỗi ô có cạnh dài khoảng 4m rộng 2,3m. Qua khai quật, các nhà khảo cổ đã tìm thấy nhiều loại hình di tích và di vật, một số tượng Phật bằng đồng, một số di tích kiến trúc mộ hỏa táng được xây bằng gạch và đá.

Những câu chuyện huyền thoại

Nhiều người dân địa phương kể rằng, nơi đây rất huyền bí linh thiêng, người đến đây phải ăn mặc chỉnh tề, không chửi thề, phát ngôn thô tục, không nói lớn… nếu không sẽ bị thần linh quở phạt.

Ông Chau Xom, ngụ thị trấn Óc Eo, huyện Thoại Sơn kể thêm, “trước ngày miền Nam giải phóng, KDT là nơi trú ẩn rất an toàn của nhiều cán bộ cách mạng do bọn địch rất sợ chuyện càn quét vào đây sẽ bị thần linh báo ứng. Đây là di tích rất đặc biệt, quý hiếm mà cả vùng ĐBSCL rất khó tìm thấy”.

Một góc di tích đã được khai quật

Du khách đến thị trấn Óc Eo, sau khi tham quan những cổ vật văn hóa được trưng bày trong bảo tàng văn hóa Óc Eo An Giang sẽ được hướng dẫn tham quan khu di tích khảo cổ đặc biệt này. Về với KDT Gò Cây Thị hôm nay, du khách tha hồ ngắm nhiều cảnh đẹp thiên nhiên từ núi Ba Thê cao lừng lững luôn mênh mang lộng gió với nhiều cảnh đẹp như chùa Đại Đao, chùa Sơn Tiên…; ngắm bạt ngàn đồng lúa dưới những chân đồi. Du khách còn được nghe kể rất nhiều cầu chuyện của người xưa luôn “giữ của thiêng” qua những câu chuyện kỳ bí. Những ai quan tâm đến lịch sử, khảo cổ học, lĩnh vực nghệ thuật kiến trúc sẽ có dịp biết thêm và hiểu thêm về một nền văn hóa Óc Eo xưa mà ngày nay, nhiều người vẫn đang tìm tòi, khám phá.

Theo Phan Thị Anh Thư/Báo Du lịch

Nguồn Doanh Nghiệp: http://doanhnghiepvn.vn/kham-pha/bi-an-di-tich-khao-co-go-cay-thi/20201210080147206