Bí ẩn đảo cự thạch Taulas, Tây Ban Nha

Dù Menorca chỉ là một đốm đảo trong vùng biển bao la, nhưng nó đã thu hút sự chú ý của nhiều nhà khảo cổ học vì sự hiện diện của 35 khối đá cự thạch huyền bí nằm rải rác trên hòn đảo. Những khối cự thạch được gọi chung bằng cái tên 'Taulas', nhìn bề ngoài trông rất quen thuộc.

Lịch sử đá cự thạch Taulas ở Menorca

Hòn đảo Menorca nằm ở phía Tây biển Địa Trung Hải và là đảo cực Đông của nhóm đảo Balearic (Tây Ban Nha). Menorca là một hòn đảo tương đối nhỏ. Đảo đá này ước rộng 50km. Dù Menorca chỉ là một đốm đảo trong vùng biển bao la, nhưng nó đã thu hút sự chú ý của nhiều nhà khảo cổ học vì sự hiện diện của 35 khối đá cự thạch huyền bí nằm rải rác trên hòn đảo. Những khối cự thạch được gọi chung bằng cái tên “Taulas”, nhìn bề ngoài trông rất quen thuộc.

Taulas ở Menorca nhìn hao hao như Stonehenge của Anh và ngôi đền đá lâu đời nhất thế giới Gobekli Tepe ở Thổ Nhĩ Kỳ. Con người có lẽ đã tồn tại ở Menorca ít nhất là vào năm 2000 trước Công Nguyên (TCN), hay có lẽ sớm hơn. Một số chuyên gia cho rằng những người đi biển đầu tiên đã đến phía Đông Địa Trung Hải như người Minos ở Crete. Họ đã định hình nên một nền văn hóa rực rỡ được biết đến với tên gọi “Thời kỳ Talayot ở Menorca”.

Đảo Menorca ở Tây Ban Nha, nơi có hoạt động du lịch sầm uất cùng những giá trị lịch sử vô giá.

Thời kỳ Talayot hưng thịnh trong suốt hàng ngàn năm cho đến khi xuất hiện người La Mã vào năm 123 TCN. Mục đích tạo dựng nên các khối cự thạch của người Talayot còn chưa được nhắc đến trong lịch sử khi họ rời đi. Bây giờ, sau hàng ngàn năm, các nhà nghiên cứu và giới khảo cổ đang cố gắng lần hiểu vì sao người Talayot lại cất công dựng nên những khối cự thạch đồ sộ này?

“Taulus” ở Menorca theo tiếng địa phương có nghĩa là “những cái bàn” (ngôn ngữ Catalan). Đó là những khối đá có đầu bằng phẳng nằm nhô lên mặt đất. Nhiều khối cự thạch được chôn vùi đã lâu, một số được khai quật và chúng vẫn còn bảo quản nguyên vẹn như thuở ban đầu. Trong đó khối Taulus của Torralba den Salort là một trong 13 khối cự thạch được bảo quản nguyên vẹn nhất ở Menorca, và cũng là khối đá nguyên vẹn nhất trên hòn đảo này.

Màu nâu đỏ của cự thạch Torralba den Salort taula vẫn còn bám vào cốt đá. Từ vết bẩn cho thấy độ sâu của khối đá khi nó được chôn vùi. Về cơ bản các khối cự thạch Menorca đều giống nhau: chúng đều được bao quanh bởi một bức tường đá hình móng ngựa. Lối vào của nó nằm đối diện với mặt trước của một tượng đài bằng đá. Tất cả các khối cự thạch nằm xoay mặt về hướng Nam như không bị cản phá bởi đường chân trời.

Ngoài ra, tính độc đáo của những khối cự thạch này chỉ ở trên đảo Menorca mà không xuất hiện ở bất kỳ nơi nào khác trên quần đảo Balearic.

Ngôi đền của bò thần

Không có bất kỳ hồ sơ nào nói về nghi thức thực hành tôn giáo của những người đã dày công dựng nên các khối cự thạch. Một giả thuyết cho rằng các khối cự thạch Taulus là một đại diện cho vị thần của họ, có vẻ hao hao giống với đạo Ki Tô. Cự thạch Torralba den Salort được bao bọc kín bởi một bức tường ngoại trừ một chỗ mở cho lối vào. Những hốc kệ hình chữ nhật nằm trong những đoạn tường bao có thể là khi xưa chúng dùng để an trí tượng các vị thần của dân đảo Menorca.

Trong suốt đợt khai quật cự thạch Torralba den Salort, người ta đã tìm thấy tượng bò bằng đồng có thể là một món đồ thờ để ở một trong số các hốc hình chữ nhật. Một khám phá khác là một cái lư đốt hương bằng đất sét có hình dạng đầu nữ thần.

Khám phá tượng bò đồng hết sức quan trọng vì người dân buổi đầu của Menorca xuất xứ từ Crete. Bò đóng vai trò then chốt với người Minos ở Crete trong suốt thời đại Đồ Đồng. Vào năm 1967, nhà khảo cổ học Tây Ban Nha, ông J. Mascaro Pasarius đưa ra lời gợi ý rằng khối cự thạch là một sự tượng trưng cho “Bò thần”: phiến đá thẳng đứng tượng trưng cho khuôn mặt của bò thần và phiến đá nằm ngang tượng trưng cho sừng bò.

Giả thuyết ngôi đền chữa bệnh

Một giả thuyết khác cho thấy khối cự thạch Torralba den Salort xoay mặt vào chòm sao Nhân Mã bao gồm sao Chữ thập phương Nam và các ngôi sao sáng Beta và Alpha Centauri. Mặc dù những cụm sao này không dễ nhìn thấy bằng mắt thường trên bầu trời đêm ở Menorca, nhưng cách đây 3.000 năm người xưa đã quan sát chúng ở đường chân trời.

Điều đó giải thích lý do tại sao không có khối cự thạch nào nằm đối mặt ra đảo láng giềng Mallorca, vùng núi non này không thể nhìn rõ ràng đường chân trời cho những thị dân đảo sống trên đất liền. Kết nối của cự thạch với chòm sao Nhân Mã đã có nguồn gốc từ một khám phá khác trong lúc các nhà khảo cổ khai quật khối cự thạch. Trong một đợt khảo cổ, một pho tượng Ai Cập có khắc các dòng chữ tượng hình được đọc thành “Ta là Imhotep, Thần y”.

Ngoài ra còn tìm thấy một cái móng ngựa bằng đồng. Bằng cách sử dụng bằng chứng với sự hiểu biết của chúng ta về thần thoại học Hy Lạp, giờ đây chúng ta biết về nam thần y Hy Lạp tên là Asclepius, là giám hộ của sao Nhân Mã.

Thời gian trôi qua, chòm sao Nhân Mã ngày càng trở nên khó nhìn thấy ở bầu trời phương Nam. Vào năm 1000 TCN, cụm sao này rất dễ nhìn thấy, điều này giải thích lý do tại sao quần thể cự thạch đá đã bị bỏ hoang phế. Chòm sao Nhân Mã đã vuột khỏi tầm mắt, người Talayot không tìm thấy thứ liên quan. Các nghi lễ trở nên rời rạc và cuối cùng chấm dứt hoàn toàn. Người Talayot do không nhìn thấy chòm sao Nhân Mã nên đã chôn vùi cả khối cự thạch dưới đất đá.

Giả thuyết mặt trăng Fenn

Năm 1930, nhà khảo cổ học, nhà nghiên cứu kiêm họa sĩ người Đức, Waldemar Fenn, đã đến Menorca để nghiên cứu về lịch sử của hòn đảo này.

Ông Fenn biết thêm rằng 12 trong số 13 cột cự thạch nằm trúng với chuyển động của mặt trăng. Chỉ có ngoại lệ là cự thạch nằm ở phía Bắc của hòn đảo Menorca, đây là cự thạch không đối mặt cùng vị trí như 12 cột cự thạch còn lại. Sự thật này khiến Fenn bối rối và vì thế làm cho giả thuyết của ông không nhận được sự chấp nhận rộng rãi hơn. Nhiều năm sau đó, các nhà nghiên cứu đã tìm ra lối đi vào cự thạch khi nó không nằm với vị trí ban đầu. Có lẽ giả thuyết Fenn có điểm đúng.

Ông Fenn tin rằng khối cự thạch Torralba den Salort là một bộ lịch thời Tiền sử. Người cổ đại trên đảo Menorca đã sáng tạo ra các khối cự thạch cách đây hơn 3.500 năm dựa theo sự chuyển động của mặt trăng và nhật thực âm lịch. Nhưng giả thuyết vẫn là giả thuyết. Có lẽ một ngày nào đó chúng ta sẽ biết rõ hơn về mục đích thật sự của cự thạch trên đảo Menorca và cho đến lúc đó nó vẫn còn là bí ẩn trên hòn đảo đầy mê hoặc này.

Nguyễn Thanh Hải

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/ho-so-mat/bi-an-dao-cu-thach-taulas-tay-ban-nha-498610/