Bí ẩn cuộc săn lùng 'cú vàng' ở Pháp

Năm 1993, một người đàn ông có tên là Max Valentin tuyên bố rằng, ông ta có một bức tượng con cú được làm bằng vàng bị mất tích ở một miền quê nào đó tại nước Pháp. Max Valentin cũng ra giá 1 triệu francs cho bất kỳ ai tìm lại được con cú bị mất này. Phần thưởng khổng lồ của Max ngay lập tức khiến hàng trăm nghìn người lao vào cuộc truy tìm 'cú vàng'.

Trò chơi có thưởng

Thực ra, đây là trò chơi câu đố được phổ biến ở Pháp, song lại là trò chơi có phần thưởng lớn, những 1 triệu francs thời kỳ đó.

Theo tờ Liberation, đêm 23, rạng sáng 24-4-1993, một người tự gọi mình là Max Valentin đã chôn một cái hộp có chứa tượng con cú ở một nơi nào đó trên lãnh thổ Pháp. Như lời mô tả của Max Valentin, con cú được làm bằng vàng, bạc, gắn đá hồng ngọc và những viên kim cương lớn. Giá mà Max Valentin đưa ra để tìm được con cú này là 1 triệu francs.

Max Valentin - Régis Hauser, tác giả trò chơi câu đố có thưởng “Theo dấu vết của Cú vàng”. Ảnh: Getty.

Để hỗ trợ người chơi, người ra câu đố đã cho xuất bản cuốn sách “Theo dấu vết của Cú vàng” ra mắt công chúng lần đầu tiên vào ngày 15-5-1993. Ngay lập tức, một cuộc chạy đua săn tìm cú vàng đã diễn ra không chỉ ở Pháp mà còn ở nhiều nước trên thế giới. Thế nhưng, trong suốt một phần tư thế kỷ qua, không ai tìm ra lời giải cho 11 câu đố bí ẩn trong cuốn sách trên. Con cú vàng ở đâu, đến nay vẫn là một câu hỏi chưa có lời giải đáp. Đôi lúc, người chơi cũng không dám chắc, liệu kho báu này có thật hay chỉ là trò đùa của Max Valentin.

Vậy Max Valentin là ai?

Bộ não của trò chơi này chính là Max Valentin, có tên thật là Régis Hauser. Régis Hauser là chuyên gia tư vấn tiếp thị, nhà hoạt động chuyên nghiệp trong lĩnh vực truyền thông, đồng tác giả cuốn sách “Cách diễn đạt và viết thư hiệu quả”. Ngay từ những năm 1970, ông đã tưởng tượng ra cuộc săn lùng kho báu kỳ bí này. Khi ông trò chuyện với nghệ sĩ Michel Becker khoảng hơn mười năm sau đó, ông nhận được sự tán thưởng nhiệt tình và quyết định bắt đầu cuộc chơi săn tìm kho báu. Valentin là người duy nhất biết vị trí con cú được giấu ở đâu. Còn Becker chịu trách nhiệm thiết kế kho báu: hậu duệ của dòng họ Chouans. Do vậy, Becker đã chọn biểu tượng của Chouans, chính là con cú.

Sau khi xuất bản 50.000 bản “Theo dấu vết của Cú vàng”, một máy chủ Minitel được thiết lập. Max Valentin sẽ trả lời trực tiếp cho hàng ngàn câu hỏi từ “những người săn cú” (sau này gọi là chouetteurs hoặc chouetteuses).

Để đi tìm Cú vàng, các chouetteurs phải tìm được câu trả lời của 11 câu đố khó hiểu, ví dụ như: “Nơi bạn muốn đến là nơi có người độc ác và huấn luyện viên”, hay “Nơi bạn phải đến phải có la bàn và đôi chân”…. Bây giờ, câu trả lời có thể tìm thấy trên mạng Internet với các văn bản, số liệu và hình minh họa. Thế nhưng, đó chưa phải là điểm cuối cùng. Còn câu đố thứ 12 - một "thủ thuật" tập hợp tất cả các câu đố khác, Max Valentin từng tiết lộ như vậy.

Tháng 9-1993, nhà báo Florence Aubenas đã theo dõi trên tờ Libération những người tìm kiếm “Cú vàng” trong cuộc thám hiểm trên toàn nước Pháp. "Những con người có cái đầu của cú” là bài viết đầu tiên của ông Aubenas trong một loạt bài báo dành cho "những người tìm kiếm kho báu" - các chouetteurs đăng tải trên các phương tiện truyền thông. Đó là những người chung mục đích: đam mê tìm kiếm những cái mà họ nghĩ là họ biết song họ không thể tìm thấy.

Trong số những người mà Aubenas đề cập tới có Mickey, người đến nay vẫn miệt mài đi tìm cú vàng. Theo Mickey, lời giải cho câu đố 12 nằm ở ngôi làng nhỏ Dabo, ở Moselle. "Tôi đã từng bỏ cuộc sau 4-5 năm nghiên cứu và gần đây tôi lại quay trở lại tìm”, ông nói. “Dựa vào các bản đồ và sử dụng các công nghệ mới không có sẵn vào năm 1993, tôi đã khám phá ra một địa điểm "hợp lý" mới trong khu vực Dabo. Tôi đang đào chỗ này”, ông nói.

Cho đến nay, có tới 200.000 người đã tham gia vào cuộc săn lùng kho báu của Max Valentin. Một tổ chức những người nghiên cứu cú vàng cũng được thành lập, lấy tên gọi là Hiệp hội các nhà nghiên cứu cú vàng (A2CO) với 165 thành viên. Nhưng theo Gérard Simon, Chủ tịch A2CO, có nhiều "chouetteurs" vẫn đang hoạt động, bằng chứng cho thấy mỗi ngày có từ 5 đến 10 lượt tải cuốn sách câu đố trên trang web của họ.

Năm 2009, trước khi qua đời, ông Max Valentin để lại đáp án cuối cùng chỉ ra nơi cất giấu kho báu trong một chiếc phong bì và thừa kế lại cho những người trong gia đình ông. Max Valentin qua đời ngày 23-4-2009, đúng tròn 16 năm ra mắt trò chơi săn lùng kho báu, và để lại bao rắc rối cho chính người đồng sáng tạo trò chơi cũng như các "chouetteurs".

Cuộc chiến trên “sân đình”

Rắc rối này do chính Max Valentin tạo ra khi ông bí mật đổi con cú vàng thật bằng một phiên bản cú khác. Trong một lần khám xét trụ sở nhà xuất bản cuốn sách “Theo dấu vết của Cú vàng”, các nhân viên tòa án đã phát hiện và tịch thu bức tượng Cú vàng thật. Và phải đến năm 2009, bức tượng Cú vàng thật mới được trao trả lại cho các nhà tổ chức.

“Cú Vàng” - mục tiêu tìm kiếm của người chơi trong suốt 25 năm qua. Ảnh: Liberation.

Tháng 6-2014, một sự kiện đã gây náo loạn trong giới "chouetteurs" khi họ phát hiện ra rằng, con cú vàng thật đó được đem ra đấu giá ở Drouot bởi chính người tạo ra nó, nghệ sĩ Michel Becker. Lý do đưa ra đấu giá mà ông Becker giải thích trên tờ Buổi sáng (Le Matin) là ông không muốn đưa trách nhiệm giữ bí mật về kho báu cho con cái của mình. Đối với ông, trò chơi kết thúc kể từ sau cái chết của Max Valentin.

Ông khẳng định, cuộc săn lùng đã không còn được đảm bảo. Bất luận ông Becker giải thích như thế nào, những "chouetteurs" cho rằng, việc bán cú vàng phải bị hủy bỏ. Người chơi khẳng định, cú vàng vẫn còn trong trò chơi, người mua tiềm năng phải chấp nhận lấy phiên bản cú bằng đồng nếu như một người chiến thắng tìm được vị trí giấu cú vàng.

Hậu quả là, Hiệp hội A2CO đã kiện Michel Becker ra tòa với lý do con cú vàng phải do tòa giữ chứ không phải là nghệ sĩ trên. A2CO và Becker vẫn trong tình trạng căng thẳng: Các “chouetteurs” không tha thứ cho ông về việc bán con cú đó. Vào tháng 1-2017, Tòa phúc thẩm Paris xác nhận phán quyết của tòa án kháng cáo của Versailles năm 2009: Michel Becker luôn là chủ sở hữu tác phẩm, cho đến khi ai tìm thấy bản sao của con cú mà Max Valentin chôn giấu.

Cuốn sách “Theo dấu vết của Cú vàng” chỉ đường cho người chơi đi tìm kho báu. Ảnh: Liberation.

Điều này đặt ra vấn đề là: Vậy người đào được con cú “phiên bản 2” có được công nhận là người chiến thắng không? Sau 25 năm, nơi cất giấu có bị các công trình xây dựng che phủ không? Thậm chí, có thực sự là con cú đã được chôn giấu hay không? Cả A2CO và Michel Becker đều đặt niềm tin hoàn toàn vào khả năng Max Valentin đã tìm thấy một nơi cất giấu hợp lý cho con cú.

Hiện Becker đang đề xuất thành lập một hiệp hội theo thỏa thuận với các nhà nghiên cứu. Hội này sẽ chỉ định một người phụ trách chịu trách nhiệm xác minh rằng kho báu luôn sẽ được tìm thấy tại địa chỉ được giấu trong phong bì. Đối với Chủ tịch Gérard Simon của A2CO, ý tưởng về một người đi kiểm tra tại chỗ và đào lên con cú sẽ là hợp lý nhất nhằm tránh trò chơi đi quá xa. Nhiều "chouetteurs" muốn giữ nguyên hoàn toàn quy định của cuộc săn lùng này: người phát hiện đầu tiên sẽ là người đào nơi chôn giấu con cú.

Tuy nhiên, có những người đã mất niềm tin vào trò chơi tìm kiếm kho báu này. Yvon Crolet, từng là chuyên gia tư pháp nay đã nghỉ hưu, cũng theo đuổi việc tìm kiếm kho báu Cú vàng trong suốt 20 năm. Song đến giờ, ông hoàn toàn thất vọng và có cảm giác bị đánh lừa. “Tôi sẽ kiện những người bày ra trò chơi này vì nó khiến nhiều người mất thời gian và công sức để đi tìm những thứ vô vọng. Trong khi đó, việc bán sách trong suốt 25 năm qua cũng đủ để họ thu lời lớn”, ông Yvon Crolet nói. Có lẽ ngay cả Max Valentin, nếu có sống lại, cũng không thể ngờ tới hậu quả như vậy.

Thế nhưng, những người như Yon Crolet không nhiều. Đến nay, số lượng “chouetteurs” vẫn tiếp tục tăng lên. Nhiều người hằng ngày miệt mài giải câu đố để ước mơ sở hữu 1 triệu francs, nếu tính đến thời điểm này, số tiền trên quả thật ngoài sức tưởng tượng.

Những kho báu tìm mãi không ra

Hiện nay, ngoài kho báu Cú vàng, giới “thợ săn” trên khắp thế giới còn đang mải mê tìm kiếm các kho báu khác như kho vàng của Thomas Beale, hay Những viên đá quý bị mất cắp của Graff Diamonds… TheoThe Richest, Thomas Beale là một người đào vàng sinh sống vào đầu thế kỷ 19. Năm 1816, ông cùng một vài người cộng sự của mình được cho là đã tìm ra một mỏ vàng trị giá đến 63 triệu USD.

Một người đi săn “cú vàng” ở Paris. Ảnh: estrepublicain.fr.

Ly kỳ hơn, nhóm của Thomas Beale đã đem giấu phần lớn kho báu này. Và để đảm bảo rằng, con cháu họ sau này có thể thừa hưởng nó, Thomas Beale đã viết ba đoạn mật mã có chứa vị trí, giá trị của lượng vàng đã được cất giấu, cùng với đó là tên gia đình của những người đã cùng Thomas Beale tìm ra mỏ vàng này.

Các đoạn mật mã sau đó đã được khóa trong một chiếc hộp và đưa cho một người đàn ông có tên là Robert Morris, kèm theo lời nhắn của Thomas Beale rằng, ông sẽ trở lại sau 10 năm để mở chiếc hộp và giải các đoạn mật mã đó. Tuy nhiên, từ đó về sau, Thomas Beale đã mất tích hoàn toàn và kho báu khổng lồ này đến nay vẫn còn là một ẩn số.

Vào thế kỷ 19, bộ đôi cướp biển huyền thoại, Jean Lafitte và Pierre Laffite chính là nỗi khiếp sợ của các tàu buôn ở vịnh Mexico. Trong suốt “sự nghiệp” cướp bóc của mình, hai anh em nhà Lafitte đã tích lũy được một lượng của cải khổng lồ. Số tài sản này lớn đến mức, Jean và Pierre Lafitte không thể chuyển thành tiền mặt hết được mà đành chôn giấu ở một nơi bí mật để truyền lại cho hậu duệ của họ.

Tuy nhiên, cái chết đột ngột của Jean Lafitte và anh trai vào năm 1823, dẫn đến việc không còn một ai biết được vị trí chính xác, nơi số của cải này được chôn, chỉ biết rằng, nó nằm đâu đó ở hồ Borgne, Louisiana.

Yên Bình

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/ho-so-mat/bi-an-cuoc-san-lung-cu-vang-o-phap-492418/