Bí ẩn cuộc đời nữ điệp viên một chân biệt danh 'Chó sói' khiến Phát xít Đức khiếp sợ

Virginia Hall -nữ điệp viên một chân mang mật danh 'Chó sói'- chính là người từng khiến quân phát xít Đức thất bại ê chề trong nhiều lần vây bắt.

Chiến thắng của quân Đồng minh đã đập tan âm mưu bá chủ của Phát xít Đức. Góp phần không nhỏ cho thắng lợi này không thể không nhắc đến sự cống hiến âm thầm, lặng lẽ của những "bóng hồng" trong làng tình báo. Trong đó nổi tiếng và nổi bật nhất chính là huyền thoại nữ điệp viên “chân gỗ” - Virginia Hall.

Nữ điệp viên Virginia Hall khiến Đức Quốc xã điên đảo.

Nữ điệp viên Virginia Hall khiến Đức Quốc xã điên đảo.

Virginia Hall sinh năm 1906 ở Baltimore (Mỹ) trong một gia đình khá giả. Dù nhận được sự bao bọc che chở của gia đình nhưng bà lại là người hết sức độc lập, mạnh mẽ và tích cực tham gia nhiều hoạt động của nam giới như leo núi, cưỡi ngựa, săn bắn... Trong thời gian học tại trường Quốc gia Roland Park, ngoài vị trí lớp trưởng bà còn là tổng biên tập tờ báo trường và đội trưởng đội khúc côn cầu.

Sau đó, bà theo học tại trường Barnard và Radcliffe, hai trong số những trường nghệ thuật tự do hàng đầu nước Mỹ. Chưa dừng lại, Hall tiếp tục việc học ở nhiều thành phố châu Âu và có trong tay bằng tốt nghiệp về kinh tế, luật pháp quốc tế, đồng thời thành thạo 3 thứ tiếng: Pháp, Ý, Đức.

Với bảng thành tích ấn tượng, Virginia Hall xin làm ở Bộ Ngoại giao Mỹ nhưng không thành công. Do đó, bà chấp nhận vị trí thư ký tại Đại sứ quán Mỹ ở Warsaw, Ba Lan vào năm 1931 trước khi được chuyển đến lãnh sự quán Mỹ tại Izmir, Thổ Nhĩ Kỳ.

Không may, trong một chuyến đi săn, Hall bị ngã và vô tình khiến khẩu súng ngắn cướp cò, bắn thẳng vào chân. Vết thương buộc bà phải cưa bỏ chân trái đến đầu gối. Chính nỗi bất hạnh này đã cướp đi cơ hội để Hall được làm việc trong phái đoàn của Bộ Ngoại giao Mỹ, nơi có các quy tắc nghiêm ngặt về tuyển dụng người khuyết tật.

Không chịu đầu hàng số phận, Hall dần học cách làm quen với chiếc chân gỗ. Năm 1939, Hall trở lại Pháp ngay trước thời điểm quân Đức xâm lược đất nước hình lục lăng vào giữa năm 1940. Với mong muốn góp sức mình vào cuộc chiến chống Phát xít Đức tàn bạo, bà tình nguyện tham gia lái xe cứu thương ở Pháp. Tuy nhiên, bà nhanh chóng phải chạy trốn tới London khi Paris thất thủ trước sức mạnh của quân đội Đức.

Sau 1 năm làm việc tại Tùy viên Quân sự Mỹ tại Anh, bà chuyển sang phục vụ trong SOE (Cơ quan tình báo Anh). Đây là tổ chức chuyên đào tạo những điệp viên có bản lĩnh và năng lực vượt trội để có thể xâm nhập vào sâu trong lòng địch.

Với trí tuệ nhạy bén, bản lĩnh kiên cường, Virginia Hall nhanh chóng nắm vững kỹ năng về vũ khí cũng như hoạt động kháng chiến đã được đào tạo. Kết thúc đợt huấn luyện Hall quay trở lại Pháp hoạt động vào tháng 8/1941 dưới vỏ bọc phóng viên của tờ New York Post. Nhiệm vụ của bà là thu thập thông tin tình báo về các hoạt động của quân Đức, đồng thời giúp tổ chức và vũ trang cho lực lượng kháng chiến Pháp.

Hoạt động dưới nhiều mật danh, bà đã đóng góp thầm lặng cho phe Đồng minh.

Hall là bậc thầy về "lẩn trốn" và "ngụy trang" khi tham gia hoạt động ngầm dưới nhiều mật danh khác nhau như Germaine, Marie, Philomene, Le Contre... Rất nhanh sau đó, Hall đã xây dựng được một mạng lưới bí mật, nơi tập hợp những công dân Pháp trung thành với lực lượng kháng chiến. Chính tổ chức này đã góp công lớn trong việc giúp các phi công Anh bị Đức bắn hạ chạy thoát an toàn, cung cấp nhiều tin tức quý giá cho quân Đồng minh và đưa một số đơn vị SOE mới vào Pháp.

Bản lĩnh và trí tuệ của Hall đã khiến cơ quan mật vụ Gestapo khét tiếng của Phát xít Đức phải cay đắng thừa nhận bà là điệp viên lợi hại và nguy hiểm nhất trong số các nhân viên tình báo của quân Đồng minh.

Tuy nhiên, vì một số sơ suất nhỏ, Mật thám Gestapo đã phát hiện và nắm giữ được các thông tin chỉ điểm về bà. Nữ điệp viên khuyết tật nằm ở đầu danh sách truy nã, thậm chí có cả một chiến dịch quy mô để lùng bắt bằng được bà với lời tuyên bố: "Sẵn sàng đổi mọi thứ để tóm được "con sói cái" Virginia".

Cuối năm 1942, không còn cách nào khác Hall bất chấp khó khăn chạy trốn sang Tây Ban Nha. Nữ điệp viên quả cảm đã phải kéo lê chiếc chân gỗ trên lớp tuyết dày trong hành trình nguy hiểm vượt qua dãy núi Pyrenees (miền Nam nước Pháp) để vào Tây Ban Nha. Tới được Tây Ban Nhan an toàn, nhưng bà bị bắt giữ ngay tại nhà ga và bị giam giữ trong 6 tuần vì tội vượt biên trái phép. Sau đó Hall được giới chức Mỹ tại Barcelona bảo lãnh cho tự do. Vì hoạt động của Hall đã bị lộ, SOE nghĩ rằng quá nguy hiểm nếu đưa bà trở về Pháp. Do đó Hall đã gia nhập Cơ quan Tình báo Chiến lược (OSS), tiền thân của Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA) ngày nay.

Tháng 5/1944, Hall trở lại Pháp dưới vỏ bọc một cô thôn nữ. Bà đã nhuộm tóc, làm lại răng và thay đổi cách đi lại để tránh lộ tung tích. Nhiệm vụ của Hall là truyền tin, hỗ trợ cho các lực lượng chống Đức đồng thời tiếp tục dò la về hoạt động của quân phát xít. Và lần này Virginia Hall đã hoàn thành vượt mức nhiệm vụ được giao. Trong báo cáo cuối cùng gửi về OSS, Hall cho biết bà và đồng đội đã phá hủy nhiều phương tiện giao thông, liên lạc của địch đồng thời bắt sống và tiêu diệt hàng trăm lính Đức.

Virginia Hall là người phụ nữ đầu tiên được tặng danh hiệu chữ Thập cao quý trong Thế chiến 2.

Những đóng góp ấy đã giúp bà trở thành người phụ nữ đầu tiên được tặng danh hiệu chữ Thập cao quý trong Thế chiến 2 vào năm 1945. Sau chiến tranh, Chính phủ Anh, Pháp và Mỹ tiếp tục trao tặng Hall nhiều huân chương cao quý vì những cống hiến không ngừng nghỉ trong quãng đời hoạt động tình báo của mình.

Với kinh nghiệm, kỹ năng của một điệp viên lão luyện, bà tiếp tục công tác tại CIA với tư cách là nhà phân tích. Sau khi nghỉ hưu vào năm 1966, bà trở về sống ở nông trại tại bang Maryland và qua đời vào năm 1982 ở tuổi 76.

Minh Hoa (t/h)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/bi-an-cuoc-doi-nu-diep-vien-mot-chan-biet-danh-cho-soi-khien-phat-xit-duc-khiep-so-a483165.html