Bí ẩn của giấc ngủ và giấc mơ

Trừ những trường hợp rất hiếm, hầu như tất cả mọi người đều cần có giấc ngủ. Đó là khoảng thời gian cần thiết để tái tạo lại mọi hoạt động sống cho con người.

Cơn mơ và ác mộng xuất hiện trong giấc ngủ từ xưa đến nay luôn mang màu sắc của sự bí ẩn mà nhiều khi không thể nào giải thích được.

Các giai đoạn của giấc ngủ

Muốn mơ phải… ngủ. Không ngủ thì đừng có mà… mơ! Giấc ngủ của con người và nhiều loài động vật diễn ra theo các giai đoạn khác nhau. Giấc mơ xem vào giữa các giai đoạn ấy. Nó thoáng qua nhẹ nhàng hoặc đọng lại dư âm…

Người ta có câu: “Ngủ một mạch”. Nhưng thật ra, giấc ngủ chẳng liền một mạch chút nào. Qua nghiên cứu, các nhà khoa học kết luận giấc ngủ con người diễn ra thành 4 giai đoạn. Các giai đoạn trong chu kỳ giấc ngủ được “thiết kế” bởi những thay đổi trong hoạt động của não bộ. Bốn giai đoạn của giấc ngủ bao gồm:

- Giai đoạn 1: Là một giấc ngủ nhẹ. Trong giai đoạn này, các cơ bắp thư giãn. Thân nhiệt hạ. Nhịp tim và nhịp thở chậm lại. Các cơ quan khác giảm tối đa sự hoạt động. Hai mắt chuyển động từ từ. Lúc này, cơ thể đang chuẩn bị chuyển sang giấc ngủ sâu của giai đoạn 2.

- Giai đoạn 2: Là một giấc ngủ sâu. Con người dường như “chìm” vào giấc ngủ, mắt chuyển động chậm. Trong giai đoạn này, các cơ ngừng hoạt động, nhiệt độ cơ thể tiếp tục sụt giảm. Hệ thống miễn dịch bước vào hoạt động phục hồi năng lượng tiêu hao trong ngày. Các tuyến nội tiết chế tạo hormone được tăng cường và máu được bơm đến các cơ.

- Giai đoạn 3: Tiếp tục giấc ngủ sâu với mắt chuyển động chậm. Giấc ngủ càng “chìm” sâu hơn. Mức độ trao đổi chất của các tế bào diễn ra rất chậm.

- Giai đoạn 4: Là giấc ngủ mắt chuyển động nhanh. Giai đoạn này diễn ra khoảng 90 phút sau khi giấc ngủ nhẹ bắt đầu. Lúc này tuy mi mắt vẫn nhắm, nhưng nhãn cầu bên dưới di chuyển rất nhanh theo các hướng.

Nhịp thở, nhịp tim, huyết áp và hoạt động của não bộ cũng tăng nhanh. Các cơ cánh tay và chân, tạm thời bị tê liệt. Trong khi đó, thông tin được phục hồi và sắp xếp trở lại. Đưa thông tin từ bộ nhớ tạm thời, ngắn hạn vào khu vực lâu bền, dài hạn. Tâm trí được hồi sinh, cảm xúc được điều chỉnh tốt.

Hầu hết các giấc mơ đều diễn ra trong giai đoạn này. Nếu kịp thời thức giấc, có thể nhớ rất rõ ràng những gì đã mơ.

Các giai đoạn của giấc ngủ lặp đi, lặp lại theo chu kỳ suốt đêm tới sáng. Khi chu kỳ lặp lại, các giai đoạn 1, 2 và 3 diễn ra nhanh hơn, thời gian của giấc được “ưu tiên” cho giai đoạn 4. Nhờ đó, giấc mơ có thêm nhiều thời gian để xuất hiện. Do vậy, một người có thể gặp từ 1 đến vài cơn mơ trong đêm, tối đa là 7 cơn mơ như các nghiên cứu đã xác định.
Khái niệm về giấc mơ

Mơ (dream) hay mộng, giấc mơ hay giấc mộng, cơn mơ hay cơn mộng còn gọi là chiêm bao hay giấc chiêm bao. Về bản chất, đây chính là sự áo tưởng và trải nghiệm của trí óc con người hoặc các loài động vật trong khi đang ngủ say sưa.

Các sự việc trong giấc mơ thường trái ngược với thực tế và ngoài tầm kiểm soát của người mơ. Ngoại trừ trường hợp mà các nhà chuyên môn gọi là “giấc mơ tỉnh táo” hay “giấc mơ sáng suốt”.

Trong trường hợp này, người mơ “nhận thức” được rằng họ đang… mơ và đôi khi có thể thay đổi thực tại giấc mơ. Người mơ nhiều khi trải qua những cảm xúc dạt dào, mãnh liệt. Đặc biệt ở các văn nghệ sĩ, tạo ra cảm hứng sáng tác.

Tiêu biểu như một thành viên của một Ban nhạc Anh lừng danh The Beatles (1960 - 1970) là Paul McCartney (sinh 1942), vừa là ca sĩ, vừa là người viết nhạc, sau một giấc ngủ sâu và… mơ, lúc tỉnh dậy bài hát có tên Yesterday đã được hình dung trong đầu và anh chỉ còn việc lấy giấy bút để chép lại mà thôi.

Hoặc chuyện nữ văn sĩ người Anh là Mary Shelley (1797 - 1851) trong mơ thấy một nhà khoa học sử dụng máy móc tạo ra loài sinh vật mới, thức giấc bà xây dựng nhân vật Frankenstein đã tạo ra một loài quái vật khủng khiếp…

Không phải ai và lần nào mơ cũng đều nhớ những gì đã diễn ra trong giấc mơ. Đôi khi, biết là mình mơ, nhưng cố gắng nhớ nội dung đã mơ thì không cách nào nhớ ra cho được. Bộ não của con người có những điều thật là kỳ lạ vậy.

Hình ảnh, âm thanh, mùi vị, cảm giác… tất cả đều hiện hữu trong giấc mơ. Như vậy, trong mơ, tất cả các giác quan con người đều được huy động góp mặt. Có người, giấc mơ cứ lặp đi lặp lại cùng một nội dung, thường là khó chịu, thậm chí là khủng khiếp. Và người ta gọi đó là “cơn ác mộng” (nightmare).

Bản chất của giấc mơ

Hiện tượng mơ đã được con người quan tâm nghiên cứu giải mã từ thời xa xưa. Hiện nay, bí ẩn của giấc mơ vẫn còn đang tiếp tục được nghiên cứu. Và tất nhiên, những hiểu biết về giấc mơ mỗi thời một
khác nhau.

Trong các sách cổ của Hy Lạp và La Mã, người ta cho rằng, giấc mơ là thông điệp của các Thần linh gởi đến con người. Chính vì thế, người ta tìm cách “giải mộng”, tức là đoán nội dung của giấc mơ để biết những điều đã xảy ra, hay dự kiến những điều đang đến (sự ước đoán đôi khi lại đúng do yếu tố trùng hợp ngẫu nhiên của hiện tượng và sự vật).

Những người có khả năng “đọc ra” giấc mơ được mọi người tôn kính như là những người có khả năng siêu phàm. Thậm chí đến vua chúa cũng trọng dụng, nể vì. Các nhà hiền triết của nhiều dân tộc khác nhau thì cho rằng mơ là sống với một thế giới khác thế giới của chúng ta.

Đến đầu thế kỷ 20, một bác sĩ thần kinh, tâm lý học người Áo nổi tiếng là Sigmund Freud (1856 -1939) giải thích giấc mơ là sự mong muốn những điều không thể có và không thể đạt được của con người trong cuộc sống thực tại.

Trong khi đó, chuyên gia Tâm thần học Thụy Sĩ là Carl Jung (1875 - 1961) cho rằng giấc mơ “mách bảo” cho chúng ta hiểu về bản thân và mối liên hệ với những người xung quanh. Đồng thời giấc mơ cũng gợi lên cách giải quyết vấn đề khi thức dậy, như nhiều HS, SV chia sẻ là giải được một bài toán khó sau một giấc ngủ ngon.

Với sự tiến bộ của khoa học, ngày nay người ta đã chụp được hoạt động của não bộ trong khi một con người đang thả giấc ngủ trôi bồng bềnh theo cơn mơ.

Cơn mơ diễn ra cùng với một giai đoạn hoạt động của mắt trong khi ngủ gọi là REM (rapid eye movement: Chuyển động mắt nhanh). Ngày nay, bí mật của giấc mơ vẫn còn đang tiếp tục được các nhà khoa học nghiên cứu và vận dụng.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/suc-khoe/bi-an-cua-giac-ngu-va-giac-mo-l6l07OxMg.html