Bí ẩn chưa thể giải đáp về bạch tuộc ma Casper

Loài bạch tuộc có hình dáng như ma - tên gọi Casper - lần đầu xuất hiện ở Hawaii năm 2016 đến nay vẫn ẩn chứa nhiều bí ẩn.

Năm 2016, sinh vật này được phát hiện lần đầu ở vùng biển ngoài khơi Hawaii ở độ sâu 4 km dưới biển. Khi đó, các nhà khoa học khẳng định nó gần như chắn chắn là một loài mới. Bạch tuộc Casper được đặt theo tên một nhân vật ma trong phim hoạt hình.

Bạch tuộc Casper màu trắng sáng, không vây, các xúc tu ngắn và dày. Đây là loài động vật chân đầu (cephalopods) duy nhất được camera của robot lặn quay lại ở độ sâu như vậy.

 Loài bạch tuộc Casper có xúc tu ngắn gây khó hiểu. Ảnh: NOAA Office of Ocean Exploration and Research.

Loài bạch tuộc Casper có xúc tu ngắn gây khó hiểu. Ảnh: NOAA Office of Ocean Exploration and Research.

Trước đó, loài động vật chân đầu duy nhất được phát hiện ở độ sâu tương tự là bạch tuộc Dumbo - đặt theo tên một nhân vật hoạt hình khác. Nó được tìm thấy ở độ sâu khoảng 7 km, đầu có hình thù kỳ lạ, hai vây nhô ra trên đầu như tai voi, theo Guardian.

Bắt gặp Casper là khoảnh khắc khó quên đối với bà Janet Voight - người phụ trách mảng động vật không xương sống của Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Field ở Chicago (Mỹ). “Điều này hoàn toàn mới và khác lạ”, bà nói.

Casper mang đến nhiều điều bí ẩn. Ví dụ, vì sao màu sắc của nó lại nhạt như thế, trong khi hầu hết bạch tuộc được xem là loài động vật ngụy trang tốt nhất dưới đáy đại dương nhờ khả năng đổi màu cơ thể giống với môi trường xung quanh.

Ngay cả những loài bạch tuộc dưới biển sâu cũng có thể mang màu sắc sặc sỡ, như Graneledone màu tím. Một số loài có sắc tố da sẫm màu để ẩn trốn trước con mồi phát sáng. Bà Voight đoán rằng màu sắc nhợt nhạt của Casper có thể do thức ăn của nó thiếu sắc tố.

Một bí ẩn khác là các xúc tu của Casper đều ngắn, dù không phải do phạm vi tiếp cận của nó hạn chế. “Đáng nhẽ (bạch tuộc) sống ở độ sâu nông hơn và ở môi trường nhiệt đới hơn thì xúc tu càng phải dài và mỏng hơn”.

Theo bà Janet Voight, xu hướng phát triển này chưa có lời giải thích rõ ràng. Bà lý giải, thay vì duỗi ra để lấy thức ăn, bạch tuộc Casper đã sử dụng chiến thuật thay thế là xoay người sang xung quanh để miệng của nó, ở mặt dưới cơ thể, tiếp xúc trực tiếp với thức ăn.

Các nhà khoa học tìm hiểu thêm về Casper bằng cách thu thập các cảnh quay dưới biển sâu Thái Bình Dương trong 5 năm. Qua đó, họ phát hiện thêm hàng chục con giống bạch tuộc Casper dưới đáy biển xuất phát từ 2 loài khác biệt.

“Có thể là chúng khá phổ biến”, bà Voight nói. “Đó chỉ là dấu hiệu cho thấy chúng ta biết rất ít về những gì ở dưới đó”.

Bạch tuộc Casper đẻ trứng trên hải miên. Ảnh: Monterey Bay Aquarium Research Institute.

Đối với bà, điều đặc biệt thú vị là Casper sử dụng xúc tu để quấn lấy những quả trứng bị mắc vào hải miên (sinh vật xốp dưới biển). Chúng dường như đẻ trứng trên các hải miên, thay vì đá.

Hiện tại, loài bạch tuộc Casper nhợt nhạt và bí ẩn này vẫn chưa được đặt tên chính thức, vì mọi điều chúng ta biết về chúng chỉ qua hình ảnh. Chưa có ai thu thập được mẫu vật để nghiên cứu chi tiết.

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/bi-an-chua-the-giai-dap-ve-bach-tuoc-ma-casper-post1343537.html