Bí ẩn chiếc quan tài dựng đứng của kẻ tay sai khét tiếng tàn ác (P1)

Trong khu đất Thánh của ngôi nhà thờ cổ Cái Bè (thị trấn Cái Bè, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang) có ngôi mộ lớn bằng đá trắng, chôn quan tài dựng đứng.

Người đó là Tổng đốc Trần Bá Lộc, khét tiếng tàn ác. Sử sách ghi nhận, cuộc đời Trần Bá Lộc gắn liền với các vụ tàn sát đẫm máu liên quan đến những cuộc khởi nghĩa chống Pháp xâm lược ở Nam Kỳ. Cho đến khi chết, viên Tổng đốc này vẫn ngông cuồng đến mức bắt buộc mọi người phải chôn quan tài ông ta theo tư thế đứng, làm dấy lên rất nhiều thắc mắc suốt hơn 120 năm qua.

Chân dung Tổng đốc Trần Bá Lộc

Chân dung Tổng đốc Trần Bá Lộc

Đến với người Pháp để leo lên đỉnh cao quyền lực

Tháng 2/1839, trên cù lao Giêng giữa sông Tiền (thuộc huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang), bà Nguyễn Thị Ở, con gái của Phó Quản cơ Nguyễn Văn Thắng, vợ của ông Tú tài Trần Bá Phước, hạ sinh 1 người con trai đặt tên là Trần Bá Lộc. Các tài liệu lịch sử cho biết, Tú tài Trần Bá Phướclà người quê ở Quảng Bình. Do có sự bất hòa với gia tộc Trần Bá nên ông Phước khăn gói lưu lạc vào miền Nam, lấy nghề dạy học làm kế mưu sinh. Lúc mới vào miền Nam, ông Phước mở trường dạy học tại Cái Nhum Rau Má (thuộc tỉnh Vĩnh Long). Nhưng do sự kỳ thị của người dân sở tại đối với người Đàng Ngoài, ông Phước lại khăn gói đi ngược dòng sông Tiền.

Năm 1829, khi đến cù lao Giêng, ông Phước gặp được nhiều người Đàng Ngoài vào lập nghiệp, mừng rỡ nhận đồng hương và ở lại cù lao Giêng mở trường dạy học, cưới vợ là bà Ở. Cù lao Giêng lúc đó tồn tại nhiều xứ đạo, ảnh hưởng rất lớn đến tư duy, hành xử của Trần Bá Lộc sau này. Trần Bá Lộc chào đời cuối đời vua Minh Mạng, lúc các xứ đạo ở cù lao rất thịnh vượng. Nhưng khi Trần Bá Lộc trưởng thành, triều đình Huế thi hành chính sách cấm đạo rất khắt khe. Ngoài việc bắt giam các cố đạo, quan quân nhà Nguyễn thẳng tay đàn áp, bắt bớ, giết chóc nhiều giáo dân của nhà thờ để ép buộc họ phải bỏ đạo, nếu không bị giết thì cũng bị lưu đày khổ sai.

Ông Lộc ban đầu là người bán cá- Ảnh: Thanh Anh (chụp lại)

Năm Trần Bá Lộc 16 tuổi, ông Tú tài Phước bị quan quân nhà Nguyễn bắt giam tại Châu Đốc vì là giáo dân, rồi lưu đày đi Bình Định. Nhìn cảnh người cha và các giáo dân bị đàn áp, bắt bớ, đánh đập, giết chóc tù đày, tất cả thù hận Trần Bá Lộc đều đổ trút lên đầu quan lại địa phương và triều đình Huế. Khi được giáo hội cù lao Giêng tiếp tục nuôi nấng dạy dỗ, Lộc cố gắng học thật giỏi, thường tỏ ra thông minh, có chí khí, luôn có cảm tình với người Pháp. Lộc càng thân cận với người Pháp sau khi ông ta bị quan quân địa phương bắt giam, đánh đập tra khảo dã man lúc vừa cưới vợ được 1 năm.

Trốn thoát khỏi nhà giam, hàng ngày Lộc cùng vợ chèo ghe ngược xuôi trên sông Tiền, sông Hậu mua cá bán cho các đồn binh của người Pháp. Vợ chồng Lộc hành nghề mua bán cá trên sông quanh các đồn binh người Pháp trong nhiều năm, chủ yếu để trốn tránh sự truy xét gắt gao của quan quân nhà Nguyễn đối với tên tù vượt ngục theo đạo Công giáo. Khi người Pháp chiếm Nam Kỳ, họ cần người bản xứ có học và hiểu biết ra hợp tác để ổn định tình hình an ninh, trật tự xã hội. Lúc đó theo lời khuyên và sự giới thiệu của giáo hội Cù lao Giêng, Lộc đem gia đình lên Mỹ Tho (Tiền Giang). Tại đây Lộc được 1 cố đạo là cha Marc đứng ra che chở, bảo vệ.

Cha Marc là người đã tiến cử Lộc vào lính mã tà trong quân đội Pháp. Làm lính mã tà, Lộc lập được nhiều thành tích nhờ do thám, điềm chỉ cho quân Pháp bắt các thân hào nhân sĩ ủng hộ nghĩa quân chống Pháp, nên chẳng bao lâu Lộc được thăng chức Cai, rồi lên chức Đội. Năm 1863, Lộc được người Pháp phong lên chức Đội nhì ở Mỹ Tho. Nhờ sự tận tụy phục vụ, đến tháng 3.1864 Lộc được quân Pháp phong chức Đội nhất, được cấp 1 căn nhà lá để sinh sống. Vốn có mối thâm thù sâu nặng với quan quân triều đình Huế, Lộc xem các nhóm nghĩa quân chống lại quân Pháp là những người ủng hộ nhà Nguyễn, nên thẳng tay đàn áp nghĩa quân.

Nhờ lòng trung thành tuyệt đối với người Pháp qua các vụ đánh dẹp, chém giết đồng bào, nghĩa sĩ; lại biết chữ quốc ngữ, chữ Hán và xu nịnh người Pháp, tháng 7.1865 Lộc được bổ nhiệm làm chủ quận Cái Bè lúc mới 26 tuổi. Theo các tài liệu lịch sử, Trần Bá Lộc là người Việt Nam đầu tiên được Pháp cho làm chủ quận tại Nam Kỳ. Ngồi ghế chủ quận, Lộc càng hăng say đàn áp phong trào kháng Pháp để đền ơn cho chính quyền thực dân, nên chỉ 2 năm sau Lộc được người Pháp thăng chức Tri phủ rồi thăng Đốc Phủ Sứ vào năm 1868, lúc mới 29 tuổi.

Nắm giữ chức Đốc phủ sứ, Lộc vừa đóng vai trò võ quan để bình định các cuộc khởi nghĩa chống Pháp ở Nam kỳ, vừa giữ vai trò cố vấn cho người Pháp trong việc thực hiện các chính sách cai trị người bản xứ. Do có nhiều công lao với người Pháp, ngày 24.7.1886 Lộc được thực dân Pháp phong làm Tổng đốc Thuận Khánh. Khi những cuộc khởi nghĩa ở Nam Kỳ và Trung Kỳ đã bị phá tan, Lộc về lại Cái Bè, làm Tổng Đốc danh dự Cái Bè.

Ngôi mộ cao to xây bằng đá trắng chôn quan tài của Tổng đốc Lộc theo tư thế đứng, gây nhiều thắc mắc trong hơn 120 năm qua- Ảnh: Thanh Anh

Trong suốt cuộc đời binh nghiệp phản quốc hại dân, Lộc được chính quyền Pháp tặng thưởng Danh dự Bội tinh bạc vì tham gia đánh bại nghĩa quân Thiên hộ Võ Duy Dương (Tháp Mười, Đồng Tháp) vào tháng 4.1866, Bắc Đẩu Bội tinh đệ tứ đẳng (tháng 8.1868), Bắc Đẩu Bội tinh đệ tam đẳng vào tháng 2.1887.

Bí ẩn ngôi mộ chôn đứng

Do tính tự cao tự đại, hay viết đơn gởi cho Giám đốc Nội vụ Pháp đề nghị thăng cấp cho người Pháp trong quận, nên lúc cuối đời Tổng đốc Lộc bị thất sủng vì lộng quyền. Nhưng Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer rất coi trọng Tổng đốc Lộc vì ông ta có công lớn trong việc giúp Pháp bình định Nam kỳ. Tháng 8.1898, Paul Doumer cử Lộc vào Hội đồng Tối cao Đông Dương, sang năm 1899 cho Lộc tháp tùng thăm vương quốc Xiêm La (Thái Lan).

Sau chuyến đi này Tổng đốc Lộc ngã bệnh nặng, rước danh y khắp nơi nhưng không chữa khỏi. Trước khi nhắm mắt xuôi tay, Tổng đốc Lộc căn dặn con cháu phải chôn quan tài ông ta ở tư thế đứng, không được chôn nằm như người bình thường. Tổng đốc Lộc mất ngày 26.10.1899, thọ 60 tuổi. Theo lệnh Toàn quyền Paul Doumer, đám tang Trần Bá Lộc được tổ chức thật lớn, quan tài quàn trong 100 ngày, hàng ngày gia nhân phải giết thịt vô số heo, bò, gà, vịt để làm tiệc thết đãi những người đến viếng tang. Ngày động quan, Toàn quyền Đông Dương ra lệnh cho quân đội phải cử 1 đội lính xếp thành 2 hàng, bồng súng dàn chào quan tài Tổng đốc Lộc rất trang trọng, đưa linh cữu ra tới huyệt mộ trong khu đất thánh của nhà thờ Cái Bè.

Hơn 120 năm qua, dư luận luôn đồn đoán về lý do Tổng đốc Lộc chỉ đạo phải chôn quan tài đứng trong ngôi mộ cao to làm bằng bằng đá trắng, nhưng không ai biết rõ nguyên nhân vì sao. Nhưng theo lời kể của những bậc cao niên ở TT.Cái Bè, sau khi chôn cất Tổng đốc Lộc, gia nhân trong gia đình ông ta tiết lộ: lúc sinh thời Lộc là 1 con người ngạo mạn, tự phụ, xem trời bằng vung, luôn khẳng định bản thân là kẻ oai hùng đầu đội trời, chân đạp đất. Do vậy đến khi chết, ông ta vẫn buộc con cái phải chôn quan tài theo tư thế đứng, để ông ta muôn đời luôn “trên đầu là trời, dưới chân là đất”.

Nhà thờ Cái Bè, nơi sở hữu phần đất thánh có ngôi mộ chôn đứng của Tổng đốc Lộc - Ảnh: Thanh Anh

Một nguyên nhân khác, lúc sinh thời Tổng đốc Lộc cho rằng trên thế gian này không ai có thể tài giỏi sánh bằng ông ta, nên nếu chôn quan tài nằm và xây mộ theo cách bình thường của người đời, thì ngày sau ắt có kẻ tiểu nhân sẽ leo lên mộ ông ta mà đi, đứng, ngồi, nằm, phỉ báng. Vì vậy ông muốn chôn quan tài theo tư thế đứng để ngàn năm sau không thể có kẻ nào leo lên phần mộ của ông ta được.

Những người cao tuổi ở TT.Cái Bè kể, sau khi Tổng đốc Lộc chết, tòa dinh thự đồ sộ nguy nga của ông ta vẫn tồn tại suốt nhiều năm. Đến lúc quân Nhật chiếm Nam Kỳ thì người dân Cái Bè mới kéo nhau phóng hỏa đốt cháy rụi, không còn dấu tích. Tổng đốc Lộc chết, sử sách và dân Nam Kỳ Lục Tỉnh không ai tưởng nhớ, mà chỉ oán hận. Nguyên nhân do lúc sinh thời, ngoài việc tận tụy giúp người Pháp đánh dẹp các phong trào yêu nước kháng chiến, Tổng đốc Lộc còn nổi tiếng là người tàn ác, ra lệnh chém người như chém chuối, đến quan thầy người Pháp cũng phải kinh sợ ông ta.

Xem tiếp: Kẻ trong quan tài dựng đứng và sự hiếu sát tàn ác khi còn sống (P2)

Xem tiếp: Kẻ trong chiếc quan tài dựng đứng ăn mặn, đời con khát nước (P3)

Theo Thanh Anh/Một thế giới

Nguồn Doanh Nghiệp: http://doanhnghiepvn.vn/doi-song/p1-bi-an-chiec-quan-tai-dung-dung-cua-ke-tay-sai-khet-tieng-tan-ac/20210529060759396