BHXH Việt Nam quyết liệt triển khai nhiệm vụ cuối năm

Báo cáo của Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam cho thấy, tính đến hết tháng 11/2018, tổng số nợ BHXH bằng 3,2% so kế hoạch giao thu năm 2018; tình trạng trốn đóng, nợ đọng BHXH, số doanh nghiệp phá sản, ngừng hoạt động có chiều hướng tăng... Hiện BHXH Việt Nam đang gấp rút triển khai các hoạt động thanh tra, kiểm tra chuyên ngành; đồng thời yêu cầu BHXH nhiều địa phương chủ động công bố danh sách các DN nợ và chuyển hồ sơ đề nghị cơ quan Công an điều tra xử lý.

Hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch

Theo BHXH Việt Nam, đến tháng 11/2018, tổng số người tham gia BHXH là 14,56 triệu người; Bảo hiểm thất nghiệp 12,24 triệu người, đạt 95,2% kế hoạch năm; Bảo hiểm y tế (BHYT) 82,38 triệu người, đạt tỷ lệ bao phủ 87,7% dân số. Tổng số thu là 294.221 tỷ đồng, đạt 89,2% kế hoạch năm; tăng 15% so với cùng kỳ năm 2017. Tổng số nợ BHXH bằng 3,2% so với kế hoạch giao thu năm 2018.

Số người đã được cấp sổ BHXH là 14,47 triệu người, đạt 99,35% so với số người tham gia BHXH; số người được cấp thẻ BHYT 82,36 triệu; số người được cấp thẻ BHYT theo mã số BHXH 79,37 triệu người, đạt 98,5% tổng số người tham gia có mã số BHXH. Đặc biệt, tính đến ngày 20/11, cả nước đã rà soát, bàn giao được 13.128.858 sổ BHXH cho người lao động đang tham gia, đạt 99,66% trên tổng số lao động đang tham gia BHXH.

Cùng đó, BHXH Việt Nam đã phối hợp với ngành Lao động, Thương binh và Xã hội giải quyết cho 710.380 người hưởng chế độ trợ cấp thất nghiệp; 35.032 người hưởng kinh phí hỗ trợ học nghề; giải quyết 161,14 triệu lượt người khám chữa bệnh BHYT, tăng 4% so với cùng kỳ năm 2017.

Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh cho biết: Từ nay đến cuối năm toàn ngành tập trung vào các công tác: Thu, giảm nợ; trả sổ BHXH cho người lao động; rà soát cơ sở hộ dữ liệu hộ gia đình; chi khám chữa bệnh BHYT; nâng cao kỷ luật, kỷ cương hành chính; ứng dụng CNTT trong các hoạt động nghiệp vụ; giải quyết thủ tục hành chính… BHXH các tỉnh, TP cần tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm trọng điểm, giải quyết các vướng mắc, bàn các giải pháp để hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao.

Quyết liệt truy thu nợ đọng

Báo cáo của BHXH thành phố Hà Nội cho biết đến hết quý III/2018, số tiền nợ BHXH của Hà Nội giảm được 423 tỷ đồng tương đương 19,9% so cùng kỳ năm 2017. Tuy nhiên, so với toàn quốc, nợ BHXH ở Hà Nội vẫn cao hơn mức trung bình, ảnh hưởng đến chế độ BHXH, BHYT của hơn 300 nghìn lao động trên địa bàn. Trong đó, BHXH quận Hà Ðông là đơn vị có tỷ lệ nợ BHXH cao so với bình quân của thành phố, hiện còn tới 2.174 đơn vị nợ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp, với số tiền phải tính lãi gần 100 tỷ đồng, bằng 7,07% so với kế hoạch thu (giảm 5,4% so năm 2017).

Trước tình hình đó, BHXH quận Hà Ðông kiến nghị thành phố có biện pháp thu hồi nợ BHXH đối với Công ty cổ phần Ðầu tư và Phát triển công nghệ cao Minh Quân, nợ số tiền 14,3 tỷ đồng, nhằm bảo đảm quyền lợi cho hơn 600 lao động của doanh nghiệp. Ðồng thời, đề nghị đưa danh sách những đơn vị có số nợ kéo dài, không có khả năng trả nợ, cơ quan thuế đang cưỡng chế hóa đơn vào danh sách riêng để có biện pháp bảo đảm quyền lợi cho người lao động.

Ðể đạt mục tiêu giảm tỷ lệ nợ xuống dưới 3%, ngoài giải pháp đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, BHXH thành phố Hà Nội đang tích cực đối thoại với người lao động và các doanh nghiệp về vấn đề BHXH. Giám đốc BHXH thành phố Hà Nội Nguyễn Ðức Hòa cho biết, để đạt được mục tiêu này, BHXH thành phố đã yêu cầu cán bộ trực tiếp đôn đốc thu BHXH, BHYT tại các doanh nghiệp nợ, không để phát sinh nợ mới; tăng cường thanh tra chuyên ngành đột xuất và xử phạt vi phạm hành chính. BHXH thành phố cũng chủ động gửi thông báo kế hoạch kiểm tra, thanh tra đến các đơn vị, doanh nghiệp nợ BHXH, BHYT để khắc phục nợ trước khi ban hành quyết định thanh tra, kiểm tra. Ðồng thời, thực hiện phân tích, phân loại nợ BHXH, BHYT gửi các sở, ngành làm cơ sở phối hợp tăng cường thanh tra, kiểm tra liên ngành về việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT.

Cùng với đó, để nâng cao nhận thức của các doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động, BHXH thành phố Hà Nội liên tục tổ chức các cuộc đối thoại với doanh nghiệp và người lao động. Được biết, việc tăng cường đối thoại với doanh nghiệp và người lao động, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về BHXH, BHYT cho người lao động đối với chủ doanh nghiệp cũng đang là cách làm phổ biến của nhiều địa phương.

HUYỀN THANH

Nguồn Tuổi Trẻ TĐ: https://tuoitrethudo.com.vn/bhxh-viet-nam-quyet-liet-trien-khai-nhiem-vu-cuoi-nam-d2059613.html