FED tăng lãi suất: Chứng khoán Việt vẫn 'vững bước' bởi các yếu tốt nội tại tích cực

Về lý thuyết, FED tăng lãi suất USD, thị trường chứng khoán Việt Nam cũng sẽ chịu áp lực về dòng vốn nước ngoài rút khỏi thị trường. Tuy nhiên trong giai đoạn 2013 – 2014, khi FED thắt chặt chính sách tiền tệ, chứng khoán Việt vẫn tăng trưởng. Thị trường Việt Nam hiện vẫn được hỗ trợ bởi nhiều yếu tố từ nội tại.

Đây là đánh giá về tác động thông tin xung quanh việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất đến thị trường chứng khoán Việt Nam của bà Trần Thị Khánh Hiền - Giám đốc Khối Phân tích, Công ty Chứng khoán VNDIRECT, khi trao đổi với phóng viên TBTCVN.

*PV: Thưa bà, vậy là sau nhiều tháng dự báo, FED đã chính thức tăng lãi suất USD thêm 0,25%. Bà đánh giá thế nào về thông tin này?

Bà Trần Thị Khánh Hiền: Xung đột ở Ukraine ít có khả năng đẩy nền kinh tế toàn cầu vào suy thoái. Tuy nhiên, sự kết hợp của “cú sốc” giá hàng hóa và nguy cơ xung đột tiếp tục leo thang gây ra rủi ro “suy yếu tăng trưởng” ngày càng rõ nét, đặc biệt là ở châu Âu và Mỹ. Do đó, các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới, bao gồm FED và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), phải đối mặt với những lựa chọn khó khăn, một mặt là kiềm chế lạm phát cao hiện nay, mặt khác, phải hỗ trợ nền kinh tế chống lại những tác động tiêu cực của xung đột Nga - Ukraine.

Tuy nhiên, đi kèm với việc nâng lãi suất thêm 0,25% lần đầu tiên kể từ năm 2018, FED cũng đưa ra một thông điệp chưa lo lắng về khả năng xảy ra lạm phát đình trệ (stagflation) hay suy thoái trong tương lai. Đồng thời, FED cũng đưa ra nhiều tín hiệu về lộ trình tăng lãi suất 6 lần trong năm nay. Nhiều dự báo khả năng lãi suất USD sẽ tăng lên mức 2% vào cuối năm 2022. Phản ứng tích cực với thông điệp của FED, các chỉ số Dow Jown, S&P 500 đều bật tăng trong phiên ngày hôm qua.

Bà Trần Thị Khánh Hiền - Giám đốc Khối Phân tích, Công ty Chứng khoán VNDIRECT.

*PV: Trên thị trường chứng khoán Mỹ, Dow Jones và Nasdaq Composite đều tăng tốt sau khi quyết định của FED được đưa ra. Bà đánh giá thế nào về việc FED tăng lãi suất tới thị trường chứng khoán Việt Nam, trong ngắn và cả trung hạn?

Bà Trần Thị Khánh Hiền: Tương tự như các thị trường chứng khoán mới nổi khác, về lý thuyết, Việt Nam cũng sẽ chịu áp lực về dòng vốn nước ngoài rút khỏi thị trường chứng khoán khi lãi suất đồng USD tăng lên.

"Từ những phân tích trên cho thấy, của việc FED nâng lãi suất sẽ không có tác động tích cực hoặc tiêu cực cụ thể đến nhóm ngành cổ phiếu nào niêm yết trên thị trường chứng khoán. Nếu có, chỉ có một số doanh nghiệp thuộc lĩnh vực xuất khẩu sẽ được hưởng lợi nhẹ khi đồng USD mạnh lên" - Bà Trần Thị Khánh Hiền.

Tuy nhiên theo như chúng tôi quan sát, trong giai đoạn 2013 – 2014, khi FED thắt chặt chính sách tiền tệ, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn đạt được mức tăng trưởng đáng kể.

Bên cạnh đó, khối ngoại liên tục bán ròng trên thị trường chứng khoán Việt Nam trong 2 năm trở lại đây nên tác động của việc dòng vốn ngoại rút ra, (nếu có) sẽ ở mức vừa phải do thị trường đã có sự chuẩn bị từ trước.

Thị trường chứng khoán của Việt Nam vẫn được hỗ trợ bởi nhiều yếu tố. Thứ nhất, chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ vẫn đang ở trạng thái linh hoạt để ưu tiên hỗ trợ sự phục hồi kinh tế. Thứ hai, dòng vốn trong nước, đặc biệt là của các nhà đầu tư cá nhân vẫn đang là điểm tựa vững chắc hỗ trợ cho thị trường chứng khoán. Thứ ba, tôi cho rằng một số thông tin IPO của các doanh nghiệp lớn giàu tiềm năng, hoặc các thương vụ thoái vốn nhà nước hấp dẫn, thậm chí sẽ thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư nước ngoài đến thị trường Việt Nam.

Bên cạnh đó, nhiều khả năng Việt Nam sẽ được xem xét nâng hạng lên thị trường chứng khoán mới nổi của FTSE trong kỳ đánh giá tháng 9 năm nay. Điều này cũng củng cố thêm uy tín của thị trường chứng khoán Việt Nam khi dòng vốn nước ngoài lựa chọn đầu tư vào các thị trường mới nổi.

*PV: Theo Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) của FED, cơ quan này dự kiến sẽ tăng lãi suất 6 lần, do đó, việc lãi suất tăng gần như chắc chắn chỉ tùy thuộc vào liều lượng. Vậy điều này ảnh hưởng thế nào tới tỷ giá VND/USD, hoặc tình hình xuất nhập khẩu hay tăng trưởng kinh tế nói chung của Việt Nam trong thời gian tới?

Bà Trần Thị Khánh Hiền: Tôi cho rằng, tiền đồng đứng trước áp lực mất giá nhẹ so với đồng USD trong ngắn hạn. Trong bối cảnh đồng USD tăng giá trên thị toàn cầu, tỷ giá USD/VND cũng tăng từ tháng 2 cho đến nay. Tuy nhiên, các yếu tố cơ bản để giữ cho Đồng Việt Nam ổn định trong những năm gần đây vẫn còn đó và thậm chí được củng cố tốt hơn. Các yếu tố này bao gồm thặng dư tài khoản vãng lai và dự trữ ngoại hối tiếp tục cải thiện.

Theo ước tính của của VNDIRECT Research, thặng dư tài khoản vãng lai sẽ tăng lên 2,0% GDP vào năm 2022 từ mức thâm hụt dự kiến là 0,3% GDP vào năm 2021. Dự trữ ngoại hối của Việt Nam cũng tăng lên mức kỷ lục 110 tỷ USD, đây là “bộ đệm” tốt hỗ trợ cho đồng Việt Nam ổn định hoặc dao động trong biên độ hẹp khoảng 22.600 - 23.050 đồng/USD so với đồng USD trong năm 2022.

Về hoạt động xuất nhập khẩu, tỷ lệ tiêm chủng cao cho phép Việt Nam duy trì và tăng cường năng lực sản xuất, điều này giúp Việt Nam giành được thêm nhiều đơn đặt hàng mới khi nhu cầu toàn cầu duy trì đà phục hồi sau đại dịch.

Theo dữ liệu của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu của Việt Nam tăng 10,2% so với cùng kỳ lên 53,8 tỷ USD. Đặc biệt, trong 2 tháng đầu năm, các mặt hàng chủ lực của Việt Nam, ngoại trừ điện thoại, đều ghi nhận mức tăng trưởng dương như điện tử, máy móc thiết bị, dệt may.

Tôi kỳ vọng xuất khẩu điện thoại sẽ phục hồi kể từ tháng 2/2022 sau khi Samsung ra mắt dòng điện thoại Galaxy S22 vào ngày 9/2/2022, dự kiến sẽ giao cho khách hàng toàn cầu vào cuối quý I/2022. Tuy nhiên, các nhà sản xuất Việt Nam trong thời gian tới sẽ chịu tác động bởi giá cả nguyên vật liệu đầu vào tăng mạnh, cũng như đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu. Đặc biệt việc Trung Quốc vẫn duy trì chính sách khắt khe với Covid-19 cũng sẽ tác động đến chuỗi cung ứng trong ngắn hạn. Nhưng mặt tích cực vẫn nhiều hơn, tôi cho rằng, xuất khẩu của Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì tăng trưởng hai chữ số trong năm 2022.

*PV: Mặc dù tình hình căng thẳng Nga – Ukraine vẫn chưa giải quyết xong, nhưng thông tin chính thức FED tăng lãi suất được công bố đã phần nào giảm bớt gánh nặng tâm lý cho nhà đầu tư. Bà dự báo thế nào về diễn biến của thị trường chứng khoán thời gian tới? Đâu là các yếu tố cần theo dõi để đầu tư có hiệu quả?

Bà Trần Thị Khánh Hiền: Trong 1 tháng gần đây, thị trường chứng khoán chủ yếu giằng co ở biên độ hẹp từ 1.450 – 1.510 điểm với nhiều phiên tăng/giảm đan xen nhau. Điều này ảnh hưởng bởi các yếu tố tích cực và tiêu cực cả trong lẫn ngoài nước.

Các yếu tố tiêu cực bao gồm: căng thẳng Nga - Ukraine, các lệnh trừng phạt kinh tế đối với Nga, việc FED tăng lãi suất nhằm ứng phó với tình trạng lạm phát tăng. Khi các yếu tố tiêu cực được giảm bớt, thì các điểm tích cực của nội tại Việt Nam vẫn còn đó.

Cụ thể như, Việt Nam nới lỏng các hạn chế tần suất bay quốc tế và nới lỏng các quy định để đón khách nước ngoài; các chỉ số vĩ mô vẫn ổn định trong 2 tháng đầu năm; chính sách tài khóa và tiền tệ vẫn duy trì linh hoạt mềm dẻo để hỗ trợ kinh tế.

Bên cạnh đó, Việt Nam đang được cân nhắc nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi thứ cấp trong tháng 9 cũng là một điểm sáng đáng kỳ vọng.

Vì vậy, tôi cho rằng, nhà đầu tư nên chuyển dịch sang các nhóm doanh nghiệp lớn hưởng lợi từ sự mở cửa trở lại của hàng không, du lịch. Đồng thời, nên cân nhắc giảm tỷ trọng các cổ phiếu hưởng lợi từ đà tăng của nguyên vật liệu cơ bản. Các rủi ro cần được theo dõi chặt chẽ bao gồm: lạm phát và dòng tiền đầu tư mới vào thị trường.

*PV: Xin cảm ơn bà!

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/fed-tang-lai-suat-chung-khoan-viet-van-vung-buoc-boi-cac-yeu-tot-noi-tai-tich-cuc-101950.html