BHXH Việt Nam đẩy mạnh ứng dụng CNTT mang lại nhiều tiện ích cho người dân

Những đột phá mạnh mẽ về cải cách thủ tục hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội (BHXH) đang ngày càng đáp ứng tốt hơn mục tiêu phục vụ doanh nghiệp, người lao động và nhân dân.

Đẩy mạnh ứng dụng CNTT

Ông Nguyễn Hoàng Phương, Phó giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin (BHXH Việt Nam) cho biết, trước năm 2015, việc ứng dụng CNTT trong ngành BHXH có tính chất phân tán, gây khó khăn cho công tác quản lý. Các giao dịch với người dân và doanh nghiệp đều phải thực hiện thủ công gây tốn thời gian và nhân lực.

Trước thực trạng này, công tác ứng dụng CNTT đã được BHXH Việt Nam đặc biệt quan tâm trong những năm qua. Điều này được thể hiện qua việc xây dựng Hệ thống cơ sở dữ liệu tập trung toàn ngành; Hệ thống cấp số định danh quản lý người tham gia BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp thống nhất trên phạm vi toàn quốc...

BHXH Việt Nam đặt ra 3 trọng tâm đối với hoạt động ứng dụng CNTT: Thứ nhất, tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, triển khai sâu rộng hơn ứng dụng CNTT trong các hoạt động nghiệp vụ; Thứ hai, cung cấp tốt hơn các giải pháp liên quan đến hoạt động phục vụ người dân và doanh nghiệp; Thứ ba, nâng cao năng lực ứng dụng CNTT của cán bộ, trong đó tập trung vào công tác đào tạo.

BHXH Việt Nam đẩy mạnh CNTT, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân và doanh nghiệp.

BHXH Việt Nam đẩy mạnh CNTT, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân và doanh nghiệp.

Đến nay, BHXH Việt Nam đã cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3. Năm 2018, có hơn 47 triệu hồ sơ trong lĩnh vực BHXH, BHYT được thực hiện qua giao dịch điện tử… Toàn bộ ứng dụng CNTT ngành BHXH đã được triển khai theo kiến trúc Chính phủ điện tử được xây dựng theo Khung kiến trúc Chính phủ điện tử do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành.

Trên nền tảng đó, ngành BHXH đang khẩn trương xây dựng "Hệ sinh thái 4.0 ngành BHXH" phục vụ người dân và doanh nghiệp với các dịch vụ tiện ích, hiện đại.

Ngoài dịch vụ tin nhắn tra cứu đã đi vào hoạt động, thời gian tới, BHXH Việt Nam sẽ triển khai tiếp: Dịch vụ thanh toán trực tuyến; Ứng dụng BHXH trên thiết bị di động; Hệ thống Chatbot hỗ trợ khách hàng (trả lời chính sách BHXH, BHYT tự động bằng trí tuệ nhân tạo, tăng tính tương tác cao với người tham gia, cung cấp thông tin đóng, hưởng BHXH, BHYT và dự tính mức hưởng nhằm phục vụ người dân tốt hơn); Phân tích, khai thác dữ liệu trên hệ thống dữ liệu tập trung (BigData); Thiết lập Fanpage truyền thông trên hệ thống mạng xã hội…

BHXH Việt Nam đã đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 hoàn thành việc xây dựng và vận hành cơ sở dữ liệu điện tử về quản lý BHXH liên thông, hiện đại với công nghệ mới nhất. Điều này, hứa hẹn mang lại diện mạo mới cho ngành BHXH trong việc quản lý, cung cấp dịch vụ theo hướng tập trung, nhanh chóng, chính xác; hướng tới sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp, thực hiện mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội bền vững.

Kết quả tích cực từ việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong ngành BHXH

Việc BHXH Việt Nam đẩy mạnh công tác phát triển và ứng dụng CNTT trên tất cả các lĩnh vực đã góp phần tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc. Hơn nữa, điều này còn tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của ngành BHXH Việt Nam.

Trước mắt, việc ứng dụng CNTT trong ngành BHXH đã nhận được những phản hồi tích cực của người dân.

Đơn cử, ngày 20/03/2019, một khoản Facebook có tên Hà Phi có đăng tải tấm hình chụp thẻ BHYT mới cấp lại và tấm hình chụp vội một cán bộ cơ quan BHXH với gương mặt niềm nở. Đính kèm hình ảnh, người này thuật lại đoạn hội thoại của mình với cán bộ cơ quan BHXH.

Ảnh chụp từ Facebook Hà Phi của ông Hoàng Trọng Phiến.

Bài chia sẻ trên đã nhận được sự chú ý và có rất nhiều bình luận bày tỏ sự ngạc nhiên: "Ồ nhanh vậy à"; "Sao nhanh vậy"… Chủ tài khoản Facebook Hà Phi đã phải giải thích: "Ai cũng được đối xử như vậy... Việc này không có gì phải nhờ cậy o nờ…/ Cái gì chê thì chê, cái gì khen là khen. Mình là dân... phải công bằng".

Theo tìm hiểu, Hà Phi - là tên tài khoản Facebook, còn tên thật của người kể lại câu chuyện trên là Hoàng Trọng Phiến - cán bộ hưu trí đang sinh sống ở TP. Huế.

Ông Phiến chia sẻ lại câu chuyện được cấp mới thẻ BHYT chỉ trong vòng 03 phút : Tuổi già nên nhiều khi nhớ nhớ quên quên, không rõ để thẻ BHYT ở đâu, đành phải đi làm lại. Nhà cách cơ quan BHXH tỉnh chừng 03 km, cũng cứ nghĩ sẽ phải chờ đợi lâu nên đi từ khá sớm. Nhưng chỉ trong vòng có 03 phút thì nhận lại được tấm thẻ BHYT mới. Hôm đó cũng ít người làm thủ tục, nhưng nhìn ai ra về cũng thấy vui vì giải quyết được việc nhanh chóng. Bất ngờ trước cách làm việc rất nhanh chóng, hiệu quả nên ông viết vài dòng chia sẻ trên Facebook.

Có thể nói, sự ngạc nhiên của cán bộ hưu trí này là điều dễ hiểu, bởi cách đây khoảng 2-3 năm, việc mất thẻ BHYT mà phải đi làm lại, dù cán bộ vẫn nhiệt tình làm, hướng dẫn chi tiết, nhưng thời gian để lấy được thẻ cũng phải qua vài ngày sau mới xử lý xong.

Được biết, để đạt được kết quả giải quyết thủ tục cấp lại thẻ BHYT nhanh chóng và được chính người dân ghi nhận chỉ trong "03 phút" là cả một quá trình nỗ lực, cố gắng của toàn ngành BHXH.

Để có được kho dữ liệu chuẩn về khoảng 83,5 triệu người đang tham gia BHYT, 14,7 triệu người đang tham gia BHXH, trong nhiều năm qua, cán bộ toàn ngành BHXH đã liên tục phải căng mình thực hiện kê khai, rà soát thông tin hộ gia đình tham gia BHYT; rà soát, bàn giao sổ BHXH; đồng bộ, cấp thẻ BHYT theo mã số BHXH…

Khó có thể để hình dung hết bao nhiêu quy mô, khối lượng công việc đã triển khai, nhưng hiệu quả thì đang dần được thể hiện trong thực tế và câu chuyện được chia sẻ từ ông Phiến như vừa nêu trên là một minh chứng cụ thể. Dù vậy, hiện đại hóa bằng CNTT, máy móc là cần thiết, nhưng yếu tố con người vẫn đóng vai trò quan trọng.

PV

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/bhxh-viet-nam-day-manh-ung-dung-cntt-mang-lai-nhieu-tien-ich-cho-nguoi-dan-20190925092113601.htm