BHXH TP Hà Nội: Nỗ lực chăm sóc sức khỏe toàn dân

Với tổng điểm kết nối khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) là 692 điểm bao gồm cả các trạm y tế xã phường tham gia khám chữa bệnh BHYT, TP Hà Nội là nơi tập trung nhiều bệnh viện tuyến trung ương với nhiều chuyên khoa đầu ngành, tuyến cuối của cả nước. Do đó, công tác khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho người dân trên địa bàn Thủ đô được đặc biệt quan tâm.

Ông Nguyễn Đức Hòa – Giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) TP Hà Nội cho biết: Tính đến 25/6/2018, số người tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) trên địa bàn Thành phố là 6.367.422 người, đạt tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 84,4%, tăng 482.404 đối tượng tham gia BHYT và tăng 8,1% so cùng kỳ 2017.

Cháu Phạm Hoàng Minh (8 tuổi) bị bệnh tan máu bẩm sinh điều trị BHYT tại Viện Huyết học truyền máu trung ương.

Đến nay, tổng thẻ BHYT đăng ký ban đầu tại các trạm y tế xã, phòng khám đa khoa khu vực và bệnh viện đa khoa tuyến huyện là 3.213.813 thẻ, chiếm 50,5%. Hiện nay, BHXH Thành phố đang lập hồ sơ quản lý sức khỏe của từng người dân tại 30 quận, huyện, thị xã.

Cũng theo báo cáo của BHXH TP Hà Nội, tính đến tháng 6/2018, BHXH Thành phố đã khai thác, phát triển được 7.400 đơn vị mới với 23.560 người tham gia BHXH, BHYT; số đơn vị, doanh nghiệp hiện tham gia BHXH, BHYT là 63.480 đơn vị. BHXH TP Hà Nội đã ký hợp đồng khám chữa bệnh BHYT với 200 cơ sở y tế.

Theo đó, trên địa bàn TP Hà Nội, y tế tuyến cơ sở tính từ tuyến huyện trở xuống có 87 cơ sở y tế tuyến huyện và 477 cơ sở y tế tuyến xã, phường tham gia khám chữa bệnh BHYT, nâng tổng số tuyến cơ sở khám chữa bệnh BHYT là 564 cơ sở.

Thông tin về chi phí khám chữa bệnh BHYT, Giám đốc BHXH TP Hà Nội cho biết: Năm 2017, các cơ sở khám chữa bệnh BHYT đề nghị thanh toán với 10.056.657 lượt với tổng chi phí là 18.655,8 tỷ đồng, số đề nghị BHXH thanh toán là 16.312 tỷ đồng. Chi phí bình quân ngoại trú là 540.284 đồng, chi phí bình quân nội trú là 9.004.299 đồng; ngày điều trị bình quân là 8,1 ngày.

BHXH Thành phố đã thanh toán tại tuyến huyện 3.319.341 lượt khám chữa bệnh với tổng chi BHYT 851,8 tỷ đồng, chi phí bình quân đợt điều trị nội trú là 2.043.956 đồng, chi phí bình quân ngoại trú là 160.195 đồng. Riêng 6 tháng đầu năm 2018, tổng số lượt khám chữa bệnh là 4.341.309 lượt người với tổng chi phí khám chữa bệnh là 7.869 tỷ đồng, tăng 10,1% so với cùng kỳ năm 2017.

Với trách nhiệm của ngành và nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe toàn dân, BHXH Thành phố tích cực tham gia đấu thầu thuốc tập trung theo chỉ đạo của UBND Thành phố, phấn đấu giảm giá thuốc 10%-15% theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ: Không đưa các thuốc có hàm lượng, dạng bào chế, quy cách đóng gói ít cạnh tranh giá cao trong kế hoạch thầu, phối hợp với Sở Y tế Hà Nội chỉ đạo các cơ sở y tế chuyển các biệt dược gốc hết hạn bảo hộ sang thuốc nhóm 1 generic có từ 2 số đăng ký trở lên, kết quả giảm được 695,7 tỷ đồng.

Để người dân trên địa bàn Thủ đô nắm được chính sách BHXH, BHYT, BHXH Thành phố đã triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó phối hợp với các sở, ban, ngành, UBND quận, huyện, thị xã, tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể tổ chức 317 cuộc tuyên truyền, tư vấn, đối thoại trực tiếp với doanh nghiệp, người lao động về chính sách, pháp luật BHXH, BHYT tại BHXH Thành phố và 30 quận, huyện, thị xã với 66.552 lượt người tham dự (tăng 60 hội nghị và tăng hơn 20.000 lượt người tham dự so với năm 2016).

Bên cạnh đó, Sở Y tế Hà Nội đã xây dựng nhiều chương trình, kế hoạch để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh tại tuyến cơ sở: Bố trí nhân lực ít nhất 1 bác sỹ/1 trạm y tế, thường xuyên mở lớp đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn cho các cán bộ y tế. Hiện nay nhiều trạm y tế xã phường đã triển khai quản lý các bệnh mạn tính (tăng huyết áp, đái tháo đường).

Cải tạo và xây mới các trạm y tế đảm bảo cơ sở vật chất và trang thiết bị đạt chuẩn quốc gia, hầu hết các trạm y tế xã phường được trang bị máy siêu âm, các xét nghiệm sinh hóa cơ bản. Sở Y tế TP Hà Nội đã triển khai thực hiện Thông tư số 39/2017/TT-BYT về gói dịch vụ y tế cơ bản, xây dựng triển khai các mô hình hoạt động theo nguyên lý y học gia đình và quản lý các bệnh không lây nhiễm theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế.

Theo BHXH TP Hà Nội, với tổng điểm kết nối khám chữa bệnh BHYT là 692 điểm, ngoài việc đáp ứng cho hơn 6 triệu dân có thẻ BHYT trên địa bàn Thủ đô, hàng năm Hà Nội còn tiếp nhận hơn 2 triệu lượt bệnh nhân tỉnh khác chuyển đến.

Đi liền với đó, các vướng mắc phát sinh tại các bệnh viện trung ương đều là các vấn đề lớn và phức tạp trong bối cảnh chính sách còn nhiều bất cập; vẫn còn tình trạng gia tăng chi phí khám chữa bệnh bất thường, lạm dụng quỹ BHYT nhất là từ khi thực hiện giá viện phí theo Thông tư số 37 đưa tiền lương cán bộ y tế vào giá viện phí.

Bên cạnh đó, BHXH TP Hà Nội cũng gặp khó khăn do số lượng hồ sơ khám chữa bệnh BHYT ngày càng tăng trong khi số giám định viên của BHXH Thành phố còn hạn chế về số lượng.

Trung bình năm 2017, 1 giám định viên phải phụ trách 46.529 hồ sơ khám chữa bệnh BHYT, bình quân 1 giám định viên phải thực hiện giám định 176 hồ sơ/ngày (tính cả lãnh đạo phòng, lãnh đạo phụ trách tại 30 quận, huyện, thị xã và cả các viên chức tổng hợp trên phòng giám định, nếu tính riêng các viên chức thực hiện giám định số hồ sơ lên đến hơn 200 hồ sơ/ngày)...

Mặc dù còn nhiều khó khăn, tuy nhiên những năm qua, được sự quan tâm, chỉ đạo của BHXH Việt Nam, Thành ủy, HĐND, UBND TP Hà Nội trong thực hiện chính sách BHYT trên địa bàn Thủ đô, BHXH TP Hà Nội đã nỗ lực bằng nhiều biện pháp hoàn thành các chỉ tiêu về chính sách BHYT, bảo đảm người dân trên địa bàn Thủ đô đều có thẻ BHYT và được đảm bảo quyền lợi khi đi khám, chữa bệnh.

Bảo Duy

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/bhxh-tp-ha-noi-no-luc-cham-soc-suc-khoe-toan-dan-75573.html