Bernard Hogan-Howe: Cảnh sát Hiệp sĩ

Sir Bernard Hogan-Howe là Cảnh sát trưởng thủ đô London từ năm 2011 đến 2017. Trong thời gian công tác trong lực lượng Cảnh sát Anh, ông đã được Nữ hoàng Anh phong tước hiệu Hiệp sĩ vì những cống hiến của mình cho đất nước và nhân dân.

Từ cậu bé nhút nhát

Bernard Hogan-Howe sinh ngày 25-10-1957 tại Sheffield, nước Anh. Cha ông là Bernard Howe, một nhân viên quản lý nhà máy thép. Còn mẹ là bà Cecilia Hogan, nhân viên văn phòng. Cha bỏ hai mẹ con từ lúc ông còn nhỏ, một mình bà Cecilia Hogan đã bươn chải để nuôi Hogan-Howe ăn học nên người. Năm 18 tuổi, Hogan-Howe đã đổi lại tên giấy khai sinh của mình và ghép họ của mẹ vào tên, nên ông có cái tên lạ lẫm là Hogan-Howe. Đây cũng là một cách ông thể hiện lòng biết ơn đối với người mẹ đơn thân tần tảo nuôi mình.

Theo bà con và những người hàng xóm, lúc nhỏ Hogan-Howe là một cậu bé rất nhút nhát, ít nói. Không ai có thể ngờ rằng, khi lớn lên Hogan-Howe lại trở thành Cảnh sát trưởng thủ đô London, gặt hái nhiều thành công và danh tiếng như vậy trong sự nghiệp.

Tốt nghiệp trung học, Hogan-Howe không thi vào đại học mà xin vào làm tại Phòng thí nghiệm Dịch vụ Y tế Quốc gia. Và sự yêu thích phục vụ cộng đồng làm thay đổi cuộc đời của Hogan-Howe, ông đã nộp đơn gia nhập cảnh sát.

Năm 1979, Hogan-Howe gia nhập lực lượng Cảnh sát Nam Yorkshire. Ông từng trải qua một số công việc như cảnh sát giao thông, thám tử, cảnh sát khu vực. Năm 1997, Hogan-Howe chuyển sang công tác trong lực lượng Cảnh sát thành phố Merseyside và làm trợ lý Cảnh sát trưởng phụ trách các vấn đề cộng đồng, ông công tác ở đây cho đến năm 1999. Sau đó, ông được điều chuyển sang Cảnh sát thủ đô London và làm Trợ lý Cảnh sát trưởng phụ trách công tác nhân sự từ tháng 7-2001 đến 2004.

Đến Cảnh sát trưởng Merseyside

Từ năm 2005 đến 2009, ông được bổ nhiệm làm Cảnh sát trưởng thành phố Merseyside. Thời gian này Hogan-Howe đã đưa ra kế hoạch "cuộc chiến tổng lực chống tội phạm", và ông cho rằng an toàn của người dân phải được ưu tiên hàng đầu, bọn tội phạm phải bị trấn áp.

Đồng thời, ông đã cho cắt giảm quân số văn phòng xuống và tăng quân số cảnh sát làm việc ngoài đường phố lên 9%, tức tăng lực lượng này lên 360 nhân viên. Hogan-Howe đã thu hồi được 20 triệu bảng Anh từ bọn tội phạm bị đưa ra xét xử trước tòa án, đây là con số cao nhất cho lực lượng cảnh sát ngoài London.

Hogan-Howe đã giải quyết dứt điểm 2 vụ án lớn ở thành phố Merseyside và nhận được sự hoan nghênh của dân chúng lúc bấy giờ - đó là nạn phân biệt chủng tộc, súng đạn và băng đảng. Vụ án thứ nhất, đã bắt được thủ phạm vụ giết người vì phân biệt chủng tộc, nạn nhân là thiếu niên da đen Anthony Walker, vụ án đã gây hoang mang dư luận nước này trong suốt 10 năm.

Và vụ án thứ hai, cậu bé Rhys Jones 11 tuổi bị bắn chết bên ngoài Liverpool khi đang trên đường về nhà từ nơi tập đá bóng. Vụ giết người gây phẫn nộ khắp nước Anh và giới truyền thông trong nước đã chỉ trích cảnh sát đã không bắt giữ hung thủ ngay lập tức. Nhưng vào tháng 12-2008, Cảnh sát trưởng Hogan-Howe đã tóm cổ được hung thủ Sean Mercer, 18 tuổi và đồng bọn của hắn. Sean Mercer sau đó bị tuyên án tù chung thân.

Cũng trong năm 2008, Hogan-Howe đã buộc tội một số thẩm phán đã có sự khoan dung đối với bọn tội phạm sử dụng súng khi họ bỏ qua án tù 5 năm bắt buộc dành cho tội sở hữu súng. Trong 5 năm công tác tại Cảnh sát Merseyside, Hogan-Howe đã tạo được dấu ấn là một lãnh đạo cảnh sát cứng rắn và hiệu quả, tỷ lệ tội phạm giảm 29%, các hành vi chống phá xã hội giảm 25%.

Khi ông rời vị trí lãnh đạo Cảnh sát Merseyside vào năm 2009, ông đã để lại một lực lượng cảnh sát tốt nhất nước Anh, bảng đánh giá xếp hạng niềm tin đối với Cảnh sát Merseyside đã tăng lên vị trí số 1, đây là một thành tích đáng nể và cũng là tiền đề để ông được thăng chức Cảnh sát trưởng thủ đô London sau này. Hogan-Howe đã được đề bạt làm Phó Cảnh sát trưởng thủ đô London, trước khi được chính thức bổ nhiệm làm Cảnh sát trưởng thủ đô vào tháng 9-2011.

Và Cảnh sát trưởng London

Tháng 8-2011, Hogan-Howe đã ứng tuyển vào chức vụ Cảnh sát trưởng thủ đô London vào cùng với các ứng cử viên khác. Ông đã vượt qua 3 lãnh đạo cảnh sát khác là Huge Orde, Chủ tịch Hiệp hội Các cảnh sát trưởng (ACPO); Tim Godwin, quyền Cảnh sát trưởng London và Stephen House, Cảnh sát trưởng Sở Cảnh sát Strathclyde. Ngày 26-9-2011, ông đã được Nữ hoàng bổ nhiệm chính thức và trở thành Cảnh sát trưởng của thủ đô London.

Hogan-Howe đảm nhiệm chức vụ trong giai đoạn cực kỳ khó khăn, ngân sách của Cảnh sát thủ đô trong năm 2011 bị cắt giảm còn 33 triệu bảng Anh, hơn 1.000 công việc văn phòng cũng bị cắt giảm; số sĩ quan cảnh sát tuần tra ngoài đường phố cũng giảm còn 455 người trong 3 năm tiếp theo. Lập tức, Hogan-Howe đã vạch ra kế hoạch tầm nhìn “Tổng lực cảnh sát”, tìm cách thúc đẩy tính chuyên nghiệp trong lực lượng cảnh sát, tổng tấn công tội phạm và tổng chăm lo cho các nạn nhân. Kế hoạch này cũng hướng đến các trang bị công nghệ hiện đại nhất cho lực lượng cảnh sát, giúp họ làm việc tốt hơn, hiệu quả hơn.

Sự kiện thể thao Olympics London 2012 là chiến dịch an ninh lớn nhất trong lịch sử Cảnh sát thủ đô London. Khoảng 12.000 cảnh sát nhận nhiệm vụ bảo đảm an ninh cho các vận động viên, khán giả và khách mời. Với hàng triệu người theo dõi Olympics London 2012 trên toàn thế giới, lo ngại đây sẽ là mục tiêu của những kẻ khủng bố là vấn đề đặt ra với Cảnh sát London. Nhưng với tài năng chỉ huy của Cảnh sát trưởng Hogan-Howe, Olympics London 2012 đã thành công tốt đẹp.

Tháng 9-2012, Hogan-Howe đã yêu cầu một ủy ban độc lập do Lord Adebowale đứng đầu đánh giá các trường hợp những người bị bệnh tâm thần đã chết hoặc bị tổn hại sau khi tiếp xúc với cảnh sát. Dựa trên số liệu này, Cảnh sát trưởng Hogan-Howe có những chỉ đạo phù hợp để giúp đỡ những người bị bệnh tâm thần.

Ngày 11-8-2014, khi đang thực hiện cuộc phỏng vấn với phóng viên Eddie Nester Đài BBC London 94.9 tại Tottenham, Hogan-Howe đã bỏ ngang cuộc phỏng vấn để đuổi bắt 4 gã đàn ông đi taxi nhưng không chịu trả tiền cho tài xế. Hogan-Howe nhảy vào xe tuần tra với một sĩ quan khác và theo đuổi 4 tên ăn quỵt tiền xe này. Cuối cùng, ông đã tóm được một tên, hắn khai ra các tên đồng bọn và ông đã thu tiền trả lại cho tài xế taxi.

Hogan-Howe thể hiện quan điểm khác biệt về những người ủng hộ Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) và đã bị chỉ trích dữ dội vào năm 2015, sau khi một người cha và đứa con gái nhỏ của ông ta lang thang tại Quảng trường Quốc hội với lá cờ IS trên tay. Hogan-Howe đã ủng hộ các sĩ quan cảnh sát của mình sau khi họ không bắt giữ hai cha con ủng hộ IS này.

Hogan-Howe nói rằng những người mang theo một lá cờ IS thì “không phải là điều tồi tệ nhất trên thế giới” và không nên bắt giữ người dân một cách máy móc. Sau vụ này, ông được Thị trưởng London, Boris Johnson nhiệt liệt ủng hộ. Thị trưởng nói rằng “chúng ta đang sống trong một đất nước tự do” và rằng ông không ủng hộ việc cấm sử dụng biểu tượng liên kết với nhóm cực đoan.

Tháng 2-2017, Hogan-Howe nghỉ hưu sau nhiều năm phục vụ trong lực lượng Cảnh sát nước Anh.

Trở thành Hiệp sĩ

Năm 2003, Hogan-Howe được nhận Huy chương Cảnh sát Nữ hoàng. Đặc biệt, ngày 21-5-2013, ông được Nữ hoàng Anh phong tước hiệu Hiệp sĩ vì những cống hiến của mình cho đất nước và nhân dân. Năm 2008, Hogan-Howe làm đám cưới với Marion White - cô là trợ lý cho Crown Equerry - người chịu trách nhiệm về ngựa và xe ngựa của Hoàng gia tại Cung điện Buckingham. Lúc này, Hogan-Howe cũng đã 51 tuổi.

Hogan-Howe có gắng phấn đấu trong học tập và đã có những thành công rất đáng tự hào. Ông nhận bằng Thạc sĩ Luật tại Đại học Oxford năm 28 tuổi. Sau đó lấy bằng Thạc sĩ về Tội phạm học của Đại học Cambridge và bằng Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh (MBA) của Đại học Sheffield. Ngày 14-11-2012, ông nhận bằng Tiến sĩ danh dự của Đại học Sheffield Hallam. Và ngày 15-7-2013, Hogan-Howe tiếp tục "rinh" bằng Tiến sĩ danh dự về Luật học của Đại học Sheffield.

Hoa Nam (tổng hợp)

Nguồn CSTC: http://cstc.cand.com.vn/anh-hung-mac-thuong-phuc/bernard-hogan-howe-canh-sat-hiep-si-523131/