Berlin trước nguy cơ châu Âu thực hiện các dự án quốc phòng 'không cần Đức'

Việc nước Đức gần đây quyết định hạn chế xuất khẩu vũ khí có khả năng sẽ biến Berlin thành kẻ ngoài cuộc trong nền công nghiệp quốc phòng của châu Âu, đe dọa tới sự hợp tác trong tương lai trong lĩnh vực phát triển vũ khí và tham vọng của chính Berlin về việc thúc đẩy một chính sách quốc phòng chung cho châu Âu.

Quyết định của Đức về việc đơn phương cấm bán các thiết bị quân sự cho Saudi Arabia vào tháng 11 năm ngoái, sau vụ việc nhà báo Jamal Khashoggi bị sát hại, đã khiến những bất đồng dai dẳng giữa Berlin và các đối tác châu Âu về vấn đề kiểm soát vũ khí bị đẩy lên mức cao nhất.

Động thái này của Đức đã đặt ra dấu hỏi về các hợp đồng mua bán vũ khí trị giá hàng tỷ euro, bao gồm thỏa thuận bán 48 máy bay tiêm kích Eurofighter Typhoon cho Riyadh trị giá 10 tỷ bảng Anh, và khiến một số hãng như Airbus phải loải bỏ các chi tiết do Đức sản xuất ra khỏi một số các sản phẩm của họ.

Mẫu xe tăng của Đức được giới thiệu tại một triển lãm ở Indonesia. (Nguồn: AFP)

Trong bối cảnh nhà thầu quốc phòng Anh BAE Systems - công ty cung cấp Eurofighter Typhoon cảnh báo rằng lệnh cấm vận của Đức sẽ khiến công ty này chịu nhiều thiệt hại về tài chính, London và Paris đang nhanh chóng tìm cách thuyết phục Berlin gỡ bỏ lệnh cấm này. Đảng Dân chủ Xã hội (SPD) - đảng đối tác trong chính phủ liên minh của Thủ tướng Angela Merkel muốn duy trì lệnh cấm bán vũ khí đối với Saudi Arabia và đạt được thỏa thuận về một chính sách xuất khẩu vũ khí đặt ra nhiều hạn chế hơn. Lý do bởi SPD muốn tránh bị mất thêm phiếu bầu của các cử tri Đức muốn thận trọng về các hoạt động mua bán vũ khí.

Những người bảo thủ trong chính phủ của bà Merkel, vốn mong muốn xoa dịu rạn nứt với Pháp và Anh, đang gây sức ép đối với SPD bằng cách cáo buộc đảng này gây nguy hiểm cho nền công nghiệp và việc làm của Đức. Tuy nhiên SPD nhấn mạnh rằng các đảng trong liên minh cầm quyền hồi năm ngoái đã nhất trí dừng các hoạt động mua bán vũ khí với bất kể quốc gia nào có liên quan tới cuộc xung đột ở Yemen, trong đó có Saudi Arabia.

Bị tệ liệt vì những tranh cãi chính trị ở trong nước, ngày 2/3, Berlin đã hoãn đưa ra quyết định về việc kéo dài các lệnh trừng phạt sau thời hạn chót là ngày 9/3 cho tới cuối tháng này, làm dấy lên nhiều lo ngại cho các đồng minh và nền công nghiệp quốc phòng của châu Âu. Một quan chức trong ngành công nghiệp quốc phòng của châu Âu nói: "Chúng tôi nhận thấy không có cách nào giải quyết được vấn đề này ở thời điểm hiện tại. Hiện vấn đề đã bị đình trệ hoàn toàn".

Quan hệ đối tác với Pháp

Đức, quốc gia thắt chặt kiểm soát các hoạt động mua bán vũ khí trong những năm gần đây, chỉ chiếm chưa đến 2% tổng số thiết bị quân sự bán cho Saudi Arabia. Tuy nhiên, vai trò của Đức trong việc sản xuất các linh kiện cho các mặt hàng xuất khẩu của các nước khác khiến Berlin vẫn có thể gây ảnh hưởng tới các dự án sinh lời của châu Âu.

Ngoài hợp đồng bán máy bay tiêm kích Eurofighter Typhoon, lệnh cấm bán vũ khí cho Saudi Arabia của Đức còn làm đình trệ việc chuyển giao cho Saudi Arabia các tên lửa không đối không Meteor được phát triển bởi tập đoàn MBDA (thuộc sở hữu chung của Airbus, BAE Systems và Leonardo của Italy), bởi đầu đạn và động cơ đẩy của các tên lửa này do Đức chế tạo.

Hai nguồn thạo tin cho biết các bên có thể nhất trí gỡ bỏ một phần lệnh cấm vận của Đức đối với một số tàu tuần tra đang được công ty tư nhân Luerssen xây dựng cho Saudi Arabia, và các tên lửa Meteor, vì hai hệ thống này không được sử dụng trong cuộc chiến ở Yemen. Tuy nhiên, vẫn chưa có quyết định nào được đưa ra, và hợp đồng bán Eurofighter vẫn chưa rõ sẽ ra sao.

Xuất khẩu vũ khí của Đức đang có dấu hiệu giảm mạnh. (Nguồn: military-today)

Tất cả các thỏa thuận có liên quan tới Eurofighter và tên lửa Meteor đều nhằm mục đích ngăn chặn bất kỳ quốc gia nào đơn phương chấm dứt việc xuất khẩu các loại vũ khí này, tuy nhiên các thỏa thuận này chỉ ở dưới dạng biên bản ghi nhớ chứ không phải các hiệp ước chính thức có tính ràng buộc.

Tuy nhiên, việc Berlin không bị ràng buộc bởi những thỏa thuận như vậy và thiếu sự hợp tác với Pháp khi áp đặt các lệnh cấm vận vũ khí đối với Saudi Arabai đã khiến Paris tin rằng họ cần một thỏa thuận có tính ràng buộc trước khi thực hiện bất kỳ chương trình phát triển vũ khí chung nào với Đức có giá trị hàng chục tỷ euro trong những thập niên sắp tới.

Paris và Berlin đã soạn thỏa một thỏa thuận chung, trong đó tuyên bố rằng hai nước sẽ chỉ ngăn chặn hoạt động xuất khẩu của bên kia khi "những lợi ích trực tiếp hay an ninh quốc gia bị đe dọa", nhưng không đề cập tới những vấn đề như vụ việc nhà báo Khashoggi bị sát hại. Tuy nhiên, hai nguồn thạo tin cho biết xích mích trong nội bộ liên minh cầm quyền của Đức đã khiến thỏa thuận này không được hoàn thành. Hiện cũng chưa rõ liệu thỏa thuận song phương này có cần sự chấp thuận của Quốc hội Đức hay không.

SPD không bình luận về vấn đề này, song tháng trước, lãnh đạo đảng Andrea Nahles đã tuyên bố rằng đảng của bà sẽ chỉ ủng hộ thỏa thuận mà trong đó yêu cầu thắt chặt các quy định xuất khẩu của Đức, trước khi tiến tới các vấn đề khác như hợp tác quốc phòng Đức-Pháp.

Dirk Hoke, người đứng đầu công ty Quốc phòng và Không gian của Airbus nói rằng một thỏa thuận là điều bắt buộc phải có trước khi hai nước tiến tới hợp tác sản xuất các máy bay chiến đấu mới hay kí một hợp đồng phát triển máy bay không người lái mới của châu Âu vào cuối năm nay như mong đợi. Ông nói: "Điều này sẽ gây tổn hại tới mối quan hệ đối tác lâu dài của Đức với Pháp nếu không tìm ra giải pháp nghiêm túc và dài hạn nào".

Khi được hỏi liệu chính sách của Berlin có khiến nước này bị cô lập ở châu Âu hay không, người phát ngôn chính phủ Đức Steffen Seibert nói: "Đức hiểu rằng vấn đề này rất được các đồng minh quan trọng nhất của Đức quan tâm và cần phải đưa ra một quyết định. Đó là lý do tại sao chúng tôi đang có những cuộc thảo luận tích cực trong nội bộ chính phủ Đức, và sẽ đưa ra các quyết định trong tháng 3".

"German-free"

Vấn đề làm thế nào để giải quyết những bất đồng liên quan tới việc kiểm soát vũ khí ở châu Âu không phải là điều mới mẻ.

Hiệp ước Pháp-Đức Debre-Schmidt 1972 quy định hai nước cần tham vấn với nhau về các vấn đề liên quan tới xuất khẩu vũ khí, nhằm ngăn chặn một bên đơn phương cấm hoạt động xuất khẩu vũ khí của bên còn lại. Tuy nhiên, theo thời gian, thỏa thuận này bị bóp méo, và một loạt dự án phát triển vũ khí mới đã thúc đẩy nhiều lời kêu gọi cần xem xét lại thỏa thuận này.

Điểm khác biệt ở thời điểm hiện nay là các công ty đang có những động thái nhằm tách họ khỏi các nhà cung cấp Đức. Mặc dù gần như không thể loại bỏ các linh kiện do Đức sản xuất - vốn chiếm khoảng 1/3 - để chế tạo máy bay tiêm kích Eurofighter, song Airbus tuần trước cho biết hãng này đã bắt đầu thiết kế lại máy bay vận tải quân sự C295 để không phải phụ thuộc vào nhà sản xuất Đức nữa.

Một trong số những nguồn tin nói trên cho biết Airbus cũng đang tìm cách thay thế các bộ phận do Đức sản xuất, vốn chiếm khoảng 15% trong toàn bộ máy bay tiếp dầu A330 MRloại máy bay đang được bán cho 12 quốc gia bao gồm cả Saudi Arabia.

Những động thái tương tự cũng đang diễn ra tại Pháp, nơi lệnh cấm xuất khẩu vũ khí của Đức đã khiến một công ty nhỏ hơn Airbus là PME Nicolas Industrie phải sa thải hàng chục nhân viên. Pháp cũng đang phát triển loại tên lửa mới của riêng nước này nhằm thay thế tên lửa dẫn đường chống tăng MILAN mà nước này từng hợp tác sản xuất với Đức trong những năm 70 của thế kỷ XX. Công ty sản xuất xe tải Pháp Arquus cũng bắt đầu giới thiệu cho thị trường Trung Đông một chiếc xe tải "German-free" (ý ám chỉ không cần sử dụng linh kiện nào từ Đức).

Thomas Kleine-Brockhoff, cựu cố vấn của tổng thống Đức, hiện là giám đốc Quỹ Marshall Đức (GMF) ở Berlin cho rằng sự tín nhiệm của Đức đang bị đe dọa. Ông nói: "Hậu quả lâu dài của chính sách cấm xuất khẩu vũ khí hiện nay sẽ là không còn ngành công nghiệp quốc phòng tại Đức".

Theo một nghiên cứu của Bộ Kinh tế Đức, ngành công nghiệp quốc phòng của Đức đã tạo ra 80.000 việc làm và thu về khoảng 25 tỷ euro trong năm 2014, đây chỉ là một phần nhỏ so với 1 triệu việc làm và 370 tỷ euro thu về của ngành công nghiệp ô tô Đức trong cùng năm 2014. Việc thay thế các bộ phận do Đức sản xuất trong các hệ thống vũ khí có thể phải mất 2 tới 3 năm để hoàn thành, và để đảo ngược quá trình này còn lâu hơn thế.

Thu Hiền

(theo Reuters)

Nguồn TG&VN: http://baoquocte.vn/berlin-truoc-nguy-co-chau-au-thuc-hien-cac-du-an-quoc-phong-khong-can-duc-88857.html