Beria và bi kịch của một nhà lãnh đạo

Cách đây 65 năm, vào ngày 23/12/1953, theo bản án của Tòa án Tối cao Liên Xô, Lavrenti Beria, nguyên Phó Chủ tịch Thứ nhất Hội đồng Bộ trưởng, nguyên Bộ trưởng Nội vụ, người đứng đầu Ủy ban đặc biệt chuyên trách việc nghiên cứu và sản xuất tên lửa hạt nhân, đã bị tử hình. Trước đó, vào ngày 26/6/1953, người ta đã bắt ông ngay trong cuộc họp của Đoàn Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô. Cho tới hôm nay, về nhân vật bí hiểm này vẫn còn có khá nhiều cách đánh giá khác nhau.

Vụ bắt giữ bất ngờ

Theo lời kể của nguyên soái Kirill Moskalenko, người từng chỉ huy nhóm sĩ quan tiến hành vụ bắt giữ Beria (khi ấy, ông này còn là Thượng tướng, Tư lệnh Phòng không Quân khu Moskva), trước đó một ngày, Nikita Khrushchev (khi đó mới chỉ đang là Bí thư Trung ương Đảng nhưng đầy triển vọng để trở thành người sẽ nắm vai trò chính yếu trong bộ máy lãnh đạo đất nước) đã gọi điện thoại cho ông theo đường dây đặc biệt của Điện Kremli và hỏi: “Trong đội hình của đồng chí có được những người trung thành với Đảng y hệt đồng chí hay không?”. Sau đấy, Khrushchev đã đề nghị Moskalenko cùng nhóm người này tới gặp Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (HĐBT) Malenkov tại căn phòng trước đây từng là phòng làm việc của lãnh tụ vừa qua đời Yosif Stalin. “Và đồng chí nhớ mang theo cả bản đồ, kế hoạch phòng không và cả thuốc lá nữa nhé”. “Sao lại thuốc lá, tôi đã bỏ thuốc từ năm 1944 cơ mà?” - tướng Moskalenko kinh ngạc. Khrushchev bật cười khanh khách: “Đó không phải là thứ thuốc lá mà đồng chí đang nghĩ đâu”. Ngay lập tức, ông tướng sáng dạ đoán ngay ra là ông cần phải mang theo vũ khí để thực thi một nhiệm vụ quan trọng. Cuối cùng, Khrushchev bảo rằng ông sẽ gọi điện cho Bộ trưởng Quốc phòng Bulganin để ông này điều hành mọi việc.

Lát sau, nguyên soái Bulganin gọi điện cho tướng Moskalenko và yêu cầu tới chỗ ông trước khi tới chỗ Khrushchev. Tướng Moskalenko lập tức cùng đội tinh tuyển của mình lên văn phòng Bộ trưởng Quốc phòng. Bulganin chỉ tiếp có mình ông tướng phòng không và thông báo: “Đồng chí Khrushchev gọi điện cho tôi, yêu cầu bàn bạc với anh, cần phải bắt khẩn cấp Beria… Anh có bao nhiêu người?”. “Ít lắm!”. “Theo anh, có thể triệu tập ai ngay lập tức được?” “Thưa, nguyên soái Vasilievsky, Thứ trưởng của chúng ta”. “Không được!” - Bulganin lắc đầu ngay. Tướng Moskalenko hỏi, liệu có nhân vật nào nổi bật đang có mặt tại Bộ Quốc phòng? “Zhukov!” - Bulganin trả lời. Thế là ông tướng phòng không đề nghị mời luôn cả Zhukov đi cùng. Bộ trưởng Quốc phòng đồng ý nhưng yêu cầu không để Zhukov mang vũ khí theo người.

Thế là đúng 11h ngày 26/6/1953, chiếc xe chở Bộ trưởng Quốc phòng cùng đội “đặc nhiệm” của tướng Moskalenko đi vào Điện Kremli. Theo sau họ là xe chở nguyên soái Georgi Zhukov, Leonid Brezhnev (lúc này mới chỉ mang quân hàm thiếu tướng)... Họ cùng vào phòng đợi trước văn phòng của Chủ tịch HĐBT và lát sau, họ được tiếp xúc với những vị lãnh đạo quốc gia cao nhất lúc đó là Khrushchev, Malenkov, Molotov... Theo lời kể của các vị này, kể từ khi lãnh tụ Stalin qua đời, Beria, ỷ thế mình vốn từng là một trùm cơ quan an ninh, nắm trong tay nhiều quyền lực, đã tỏ thái độ coi thường các ủy viên Đoàn Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Đảng, ra lệnh nghe trộm điện thoại và theo dõi họ... Vì vậy, cần phải bắt Beria ngay trong cuộc họp sắp tới, khi có hiệu lệnh cần thiết.

Một tiếng đồng hồ sau đó, vào khoảng 13h, theo mật lệnh, nhóm 6 người, trong đó có nguyên soái Zhukov, đã đột ngột bước vào phòng họp của Đoàn Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Chủ tịch HĐBT Malenkov ra lệnh: “Nhân danh luật pháp Xôviết, bắt ngay Beria!”. 5 quân nhân có vũ khí chĩa súng tức thì vào Beria, buộc phải giơ tay lên, còn nguyên soái Zhukov trực tiếp khám xét người ông này. Rồi đội đặc nhiệm dẫn giải Beria về nơi giam giữ đặc biệt của Quân khu Moskva... Tiếp theo, Beria được đưa về một phòng giam đặc biệt trong hầm ngầm dưới trụ sở Bộ Nội vụ.

Theo lời kể về sau của Khrushchev, trong cuộc họp trên, người ta đã không cho Beria phát biểu câu nào trước khi ông bị bắt. Trong phần đầu cuộc họp, tất cả các ủy viên Đoàn Chủ tịch BCHTƯ đều được đưa ra ý kiến rồi ngay lập tức Malenkov bấm nút gọi các quân nhân vào phòng họp. Tuy nhiên, hai nhà lãnh đạo khác là Molotov và Kaganovich lại khẳng định rằng, sau khi các ủy viên Đoàn Chủ tịch BCHTƯ đưa ra những lời buộc tội đối với Beria thì ông này đã đứng lên bác bỏ tất cả những lời buộc tội đó…

Theo những thông tin chính thức, tháng 12-1953, một phiên tòa đặc biệt đã được mở ra dưới sự chủ tọa của nguyên soái Ivan Konev để xem xét “vụ án Beria”. Những lời buộc tội đối với cựu lãnh đạo Bộ Nội vụ Liên Xô cũng không có gì khác so với thời kỳ trước. Beria bị buộc tội làm gián điệp cho cơ quan tình báo Anh, lạm dụng chức vụ quyền lực và cưỡng bức tình dục nhiều người… Những lời buộc tội này, như hiện nay đã thấy, cách xa với thực tế hoạt động của Beria. Phiên tòa đó trong con mắt hậu thế được coi là một phiên tòa với “án bỏ túi”.

Ngày 23/12/1953, Beria đã bị xử bắn trong hầm ngầm tại trụ sở Bộ Nội vụ với sự chứng kiến của viện trưởng Viện công tố Rudenko. Đêm hôm ấy, xác tử tù đã được vào nhà xác số 1 của Moskva và được hỏa táng. Tro của nhà cố lãnh đạo đã được rắc xuống sông Moskva.

Của đáng tội, cho tới hôm nay vẫn tồn tại một giả thuyết khác về những ngày cuối cùng của Beria. Theo lời kể của con trai ông, ông Sergo Lavrentievich, cũng như của con gái lãnh tụ Stalin là bà Svetlana Alliluieva, đã không hề có một cuộc họp nào của Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô ngày 26/6/1953. Beria đã bị sát hại trong một cuộc đấu súng tại chính nhà mình, căn biệt thự số 28 phố Kachalov (nay là Malaya Nikitskaya), khi những người âm mưu định tới để bắt ông…

Mấy chục năm trôi qua, hầu như ít ai ở Liên Xô trước đây và Liên bang Nga hiện nay giở lại những tập hồ sơ cũ để tìm hiểu nguyên nhân cụ thể đã dẫn tới cái chết thảm thương của một trong những rường cột quốc gia suốt một thời gian dài khi lãnh tụ Stalin còn điều hành quốc gia. Thời gian gần đây nhiều tài liệu đã được giải mật nhưng nhìn chung, vẫn chưa có được những đánh giá thống nhất và chuẩn xác về Beria với tư cách một con người và một nhà lãnh đạo quốc gia.

Beria và Stalin.

Vai trò phức tạp

Nói một cách công bằng, vai trò của Beria trong lịch sử Nhà nước Xôviết rất phức tạp, không thể nhìn nhận một chiều. Đây là một cán bộ an ninh sẵn sàng “chơi” rất cứng tay với những ai mà lãnh đạo Đảng cho là kẻ thù của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô. Đây cũng là một chính khách, do nhiều lý do khách quan nên bản thân không được đào luyện chu đáo về kiến thức nhưng cũng chính vì thế lại rất trọng trí thức và công tác giáo dục cho tương lai. Ông cũng biết nhìn thực tế một cách tỉnh táo chứ không giáo điều…

Beria sinh ngày 17/3/1899 trong một gia đình nông dân nghèo tại làng Merkheuli, thuộc Abkhazia. Ông là người con thứ ba trong gia đình và cũng là người con khỏe mạnh duy nhất của cha mẹ mình: anh trai ông đã chết vì đau ốm năm mới lên hai, còn chị gái thì bị câm điếc do mắc bệnh hiểm ngay từ bé. Cậu bé Lavrenti từ thuở ấu thơ đã tỏ ra rất ham hiểu biết và chăm chỉ học tập. Cha mẹ ông đã quyết định bán một nửa ngôi nhà để lấy tiền cho con lên Sukhumi ăn học. Năm 16 tuổi (1915), ông vào học ở trường cao đẳng cơ khí kỹ thuật xây dựng Bacu, Azerbajzan. Trong bản tự khai lúc nhập học, ông ghi: “Tôi không có bất cứ thứ gì cả”. Tại sao ông lại chọn trường này? Đó là vì ngay từ bé, Beria đã vẽ tốt và nếu không có những biến động chính trị có lẽ khi lớn lên ông đã trở thành một kiến trúc sư không tồi. Những người từng biết ông khẳng định rằng ông rất nhạy cảm và tinh tế khi nhìn vào cái đẹp và rất mê chụp ảnh… Và cũng từ thời điểm đó, Beria đã lập tức tham gia hoạt động cách mạng ở khu vực Ngoại Cápcadơ. Ông từng bị chính quyền Sa hoàng bỏ tù không chỉ một lần. Trong thời gian đi học ở Bacu, Beria đã mang mẹ và chị gái lên đó luôn để phụng dưỡng vì lúc ấy, ông còn làm thêm tại hãng dầu mỏ của gia tộc Nobel. Năm 1919, Beria đã nhận được bằng tốt nghiệp kỹ sư xây dựng kiến trúc.

Sau khi chính quyền Xôviết được thiết lập, ở tuổi 21, Beria đã tham gia hoạt động trong cơ quan an ninh thời nội chiến CHEKA ở nước cộng hòa Azerbajzan, rồi ở Gruzia. Ông đã từng tham gia vào việc đập tan âm mưu phá hoại của lực lượng phản động và được tặng thưởng huân chương Cờ Đỏ. Năm 1927, Beria trở thành Bộ trưởng Bộ Nội vụ nước cộng hòa Xôviết Gruzia. Năm 1931, ông được bầu làm Bí thư Thứ nhất BCHTƯ Đảng Cộng sản Gruzia, trong thực tế trở thành người có quyền lực nhất nước cộng hòa này. Chính từ thời điểm ấy, Beria đã bị đánh giá theo hai cách khác nhau cùng một lúc. Một mặt, ông bị buộc tội đã khủng bố chống lại những đối thủ chính trị. Mặt khác, ai cũng phải nhận thấy là chính trị gia 32 tuổi này đã thể hiện được rằng mình là một nhà điều hành kinh tế thông minh, có hiệu quả, giúp cho Gruzia nói riêng và cả khu vực Ngoại Cápcadơ phát triển kinh tế một cách mạnh mẽ. Chính nhờ Beria mà ở đây đã xác lập được mức giá cao cho các sản phẩm nông nghiệp như chè, nho, quất. Cũng nhờ thế mà Gruzia đã trở thành một trong những nước cộng hòa có mức sống cao nhất trong Liên bang Xôviết.

Với tư cách là một nhà hoạt động chính trị tích cực và sôi nổi, cũng như trên cương vị một thủ lĩnh ở nước cộng hòa Gruzia, Beria có lẽ không thể không có ít nhiều trách nhiệm trước những vụ đàn áp chính trị diễn ra cuối những năm 1930. Nhưng theo các nhà nghiên cứu sử học nghiêm túc, ông không trực tiếp dính líu tới sự kiện buồn thảm này.

Beria có mặt tại Bộ Nội vụ Liên Xô (NKVD) vào tháng 8-1938, khi cuộc khủng bố do Bộ trưởng lúc đó là Nikolai Ezhov tiến hành đã vượt quá “giới hạn đỏ”, làm ban lãnh đạo quốc gia lo lắng. Việc đề cử Beria vào cương vị Bộ trưởng nhằm mục đích giải nhiệt cho tình hình lúc đó. Tháng 11-1938, Beria ở tuổi 39 đã được đưa lên thay Ezhov lãnh đạo NKVD. Hai năm tiếp theo, gần 200 nghìn người đã bị kết án dưới thời Ezhov đã được trả lại tự do.

Trong những năm chiến tranh, Beria không chỉ phụ trách hoạt động của Bộ Nội vụ và Bộ An ninh mà còn là người chịu trách nhiệm về nền công nghiệp quốc phòng và giao thông. Ông đã đóng một vai trò quan trọng trong việc hoàn thành nhiệm vụ dịch chuyển các xí nghiệp công nghiệp về phía đông đất nước.

Năm 1944, trong điều kiện chiến tranh, Beria đã được giao phụ trách dự án “bom hạt nhân Xôviết”. Chính trong công việc này, ông đã thể hiện được những năng lực tổ chức siêu việt mà nhờ thế, tới năm 1929, Moskva đã làm được quả bom hạt nhân đầu tiên của mình, sớm hơn rất nhiều so với suy nghĩ của người Mỹ. (Sau này, khi Beria bị bắt, người ta đã cố gắng thuyết phục viện sĩ Kurchatov để ông khai rằng Beria đã bằng mọi cách cản trở việc nghiên cứu và chế tạo bom nguyên tử. Tuy nhiên, nhà khoa học vĩ đại đã cương quyết từ chối và nói, nếu không có Beria thì chúng tôi đã không thể nào làm ra được bom nguyên tử).

Stalin đánh giá cao Beria nên sau thế chiến thứ hai, tháng 12/1945, đã cho ông rời khỏi vị trí lãnh đạo NKVD và đề cử ông vào vị trí phụ trách Ủy ban đặc biệt về nghiên cứu và sản xuất vũ khí hạt nhân, cơ quan mang tính tối mật cao tới mức ngay cả một số ủy viên Bộ Chính trị cũng không biết tới sự tồn tại của nó. Đồng thời, Beria cũng phải tiếp tục chịu trách nhiệm về hoạt động của ngành công nghiệp nặng và công nghiệp quốc phòng. Các cơ chế an ninh từ đó phụ thuộc trực tiếp vào sự lãnh đạo của Stalin. Chính vì việc này nên cũng có một số người cho rằng, bằng động tác trên, Stalin đã làm giảm bớt vai trò tối thượng của Beria trong việc điều hành các cơ quan an ninh.

Tuy nhiên, những năm tháng lãnh đạo NKVD đã giúp cho Beria có được một uy lực to lớn cả về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, khiến không ít cán bộ đồng cấp phải e ngại. Chính vì thế nên sau khi Stalin qua đời, những người muốn được ngồi vào chỗ thay thế ông đã tìm đủ mọi cách để loại đi một nhân vật có nhiều khả năng cạnh tranh với họ như Beria. Phải tìm lý do gì đây? Để buộc người đứng đầu một ủy ban ít người biết đến như Beria vào tội phản chế độ là việc làm sẽ thu hút được rất ít nhân tâm. Cách còn lại là phải đưa Beria vào một vị trí có vẻ như trọng yếu và rất dễ diễn giải tới những sự nổi loạn vì có trong tay mình đủ loại lực lượng để làm việc này. Theo sự chứng nhận của người con trai duy nhất của Beria, Khrushchev đã cố công thuyết phục Beria nhận chức Bộ trưởng Nội vụ với lý do là ngành này sau khi Stalin mất, có rất nhiều vấn đề phức tạp mà chỉ một “chuyên gia” tầm cỡ như Beria mới có thể đảm đương được. Tất nhiên, lời người sang luôn có gang có thép và Beria đã phải tuân thủ quyết định đó. Tất nhiên, Khrushchev đã kịp cài một nhân vật trung thành với mình là Ivan Serov vào vị trí thứ trưởng để kiềm tỏa Beria. Malenkov cũng không chịu kém cạnh và đưa một chiến hữu thân tín của mình là Sergey Kruglov vào vị trí “phó tướng” cho Bộ trưởng Beria. Trong đội hình lãnh đạo Bộ Nội vụ như thế, ngay cả nếu rất muốn thì Beria cũng không thể làm gì lật ngược lại bàn cờ chính trị quốc gia.

Tuy nhiên, do được tiếp xúc với những thông tin tối mật tường tận và chi tiết nên Beria hiểu rõ hơn ai hết thực trạng của xã hội Xôviết và nhu cầu cải cách để tạo sức sống mới cho một mô hình phát triển giàu tính lý tưởng. Ông hiểu ra những thâm trầm trong lịch sử phát triển của nhà nước Xôviết và muốn củng cố mối liên minh các dân tộc trong cơ chế liên bang một cách thực chất và lâu bền hơn. Và trên cương vị Bộ trưởng Nội vụ đầy quyền lực, chỉ trong một thời gian ngắn trên dưới bốn tháng, Beria đã kịp làm khá nhiều việc theo hướng lành mạnh hóa xã hội Xôviết mà có không ít chính khách khi đó coi là đi trước thời đại quá xa và lợi bất cập hại. Trước hết, theo đúng tinh thần chính sách dân tộc mà sinh thời Lênin từng không chỉ một lần nhấn mạnh, Beria muốn siết chặt mối liên kết giữa các nước cộng hòa bằng một chính sách cán bộ thực sự công bằng, đưa đội ngũ lãnh đạo người địa phương lên nắm quyền lực thực chất tại chỗ. Ông muốn trao trả quyền tự chủ đối với đại đa số các cơ sở vật chất cho người địa phương và tôn vinh ngôn ngữ dân tộc ở các nước cộng hòa trên lãnh thổ của họ. Mùa hè năm 1953, tại các kỳ thi tuyển sinh vào đại học, thí sinh tại các nước cộng hòa lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng của chế độ Xôviết đã trả thi bằng ngôn ngữ của dân tộc mình. Beria chủ trương cải cách hành chính để giảm những công đoạn thừa trong bộ máy công chức, làm lợi thì ít, cản trở việc tốt thì nhiều. Ông cũng đề nghị ân xá cho hàng triệu tù nhân bị đưa vào nhà đá vì những tội nhỏ, thí dụ như ăn cắp vài ba ôm lúa trên cánh đồng nông trang hay bỏ bễ việc làm. Theo sáng kiến của Beria, cần phải ngừng thi công những công trình tuy được danh tuyên truyền nhưng lại không có lợi về kinh tế và môi trường. Beria cũng đã ngừng việc hạn chế hộ khẩu ở các thành phố lớn như Moskva hay Leningrad. Trong đối ngoại, ông chủ trương không ép buộc các nước Đông Âu, đặc biệt là CHDC Đức, phải nhất nhất áp dụng mô hình phát triển Xôviết một cách khiên cưỡng... Ông cũng đề nghị thương lượng với các quốc gia láng giềng về những vùng lãnh thổ đang tranh chấp trên cơ sở biết rõ và tôn trọng lợi ích dân tộc thực sự của nhau...

Trong bối cảnh Liên Xô những năm giữa thập niên thứ năm của thế kỷ XX, những sáng kiến của Beria bị không chỉ một người đánh giá là quá đà, không hợp thời điểm, mặc dù sau đó hơn ba mươi năm, đây chính là những ý tưởng chính của công cuộc cải tổ. Cầm đèn chạy trước ôtô luôn là việc nguy hiểm và hiển nhiên là Beria càng bị những nhà lãnh đạo “trung kiên” như Khrushchev, Malenkov... coi là mối nguy cơ đối với sự tồn vong của chế độ. Và để bảo vệ thực chất là vị trí của cá nhân mình, họ đã quyết định loại Beria một cách thẳng tay và nhanh chóng. Tuy nhiên, vụ việc này không ngăn cản Khrushchev khi lên nắm quyền lực tối thượng ở Liên Xô cũng đã sử dụng một số sáng kiến mà Beria từng đưa ra để lấy lòng bộ phận cấp tiến trong xã hội Xôviết. Thật trớ trêu thay, chỉ sau có một vài năm thôi mà cách nhìn của đại bộ phận xã hội đã thay đổi.

Trung Hiếu

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tinh-hoa-viet/beria-va-bi-kich-cua-motnha-lanh-dao-tintuc427865