Bếp TK90, 'bạn' của người nghèo

Gặp ông Lê Hồng ở khu 11, thị trấn Thanh Ba, huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ vào những ngày cuối năm 2019, cũng là lúc ông vừa mới hoàn thành bàn giao những chiếc bếp TK90 cuối cùng trong tổng số 28.000 bếp mà ông đã ký kết với Công ty TNHH Quản lý Carbon Hàn Quốc thông qua Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Phú Thọ để phát miễn phí ở các huyện: Thanh Ba, Phù Ninh, Hạ Hòa, Thị xã Phú Thọ, Cẩm Khê.

Ông Lê Hồng (thứ 2 từ trái sang) đang giới thiệu với đoàn khảo sát của tỉnh Phú Thọ về việc sản xuất cho dự án phát bếp miễn phí cho người nghèo. Ảnh: Nam Dũng

Ông Lê Hồng (thứ 2 từ trái sang) đang giới thiệu với đoàn khảo sát của tỉnh Phú Thọ về việc sản xuất cho dự án phát bếp miễn phí cho người nghèo. Ảnh: Nam Dũng

30 năm bếp TK90 đồng hành với người nghèo

Theo ông Lê Hồng, bếp đun cải tiến với tên gọi TK90 tiết kiệm năng lượng được ông thiết kế từ năm 1985. Sau nhiều lần cải tiến, hiện nay bếp có 4 phiên bản với nhiều mẫu mã, kiểu dáng khác nhau, đáp ứng nhu cầu sử dụng của khách hàng từ nông thôn đến thành thị, từ hộ gia đình đến bếp ăn tập thể.

Phiên bản đầu tiên bếp có hình vuông, xây cố định một chỗ bằng các loại vật liệu xây dựng. Sau khi đưa vào sử dụng, ông nhận thấy thời gian đun nấu nhanh, tiết kiệm được chất đốt và tiện lợi cho người dùng. Năm 1990, ông tham gia “Hội thi sáng tạo kỹ năng toàn quốc” với sản phẩm bếp đun tiết kiệm năng lượng và giành giải nhất. Từ đó, bếp tiết kiệm năng lượng chính thức được công nhận và nhân rộng trong các gia đình ở nông thôn.

“Ở vùng quê nơi tôi sinh sống ngày ấy thiếu thốn chất đốt, đun nấu bằng rơm rạ, củi, lá cây… mất nhiều thời gian và gây khói bụi. Tôi đã nảy ra ý tưởng sáng chế một chiếc bếp dễ nhóm, đun nhanh, ít khói, giảm lượng khí thải và tiết kiệm nhiên liệu. Không ngờ đến tận bây giờ vẫn được mọi người ưa chuộng đến vậy.” Đó là những chia sẻ của ông “vua bếp” Lê Hồng khi nói về ý tưởng sản xuất ra bếp TK90 của mình.

Từng học tại trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, Khoa Động lực học năm 1970. Sau khi tốt nghiệp, ông trở thành giáo viên giảng dạy ở các trường dạy nghề như Trung cấp Cơ khí động lực (Cơ khí 2), Trường Quản lí xí nghiệp 1 thuộc Tổng cục Hậu cần, trường Công nhân Kỹ thuật Việt Đức, Kỹ thuật 1…

Từ niềm đam mê muốn giúp đỡ cho quê hương, cho người nghèo, ông Hồng đã chế tạo thành công bếp đun cải tiến TK90 tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường.

Bếp TK90 gồm có 4 bộ phận chính: Buồng đốt chính, buồng đốt phụ, hệ thống ống khói, giá đỡ bếp. Buồng đốt chính là nơi xảy ra phản ứng cháy giữa nhiên liệu và không khí. Để nhiên liệu cháy kiệt, buồng đốt phải có cấu tạo hợp lý, nguyên vật liệu chế tạo buồng đốt phải có khả năng tích nhiệt, đảm bảo độ bền nhiệt và độ bền cơ học. Buồng tận dụng nhiệt có cấu tạo thành nhiều ngăn thông nhau với mục đích tận dụng nhiệt từ bếp chính để nấu thêm các nồi khác. Ống khói là hệ thống cung cấp gió vào buồng đốt và đưa bụi bẩn và các chất độc hại ra ngoài. Đồng thời cũng là hệ thống cung cấp nhiệt làm ấm nhà vào mùa lạnh.

Chất đốt được đưa vào cửa tiếp nhiên liệu và cháy trong buồng đốt chính. Gió được cung cấp để duy trì sự cháy qua cửa cung cấp không khí nhờ nguyên tắc đối lưu không khí. Phản ứng cháy xảy ra mãnh liệt ở buồng đốt chính, nhiệt tỏa ra một phần cung cấp cho dụng cụ nấu đặt ở trên buồng đốt chính. Nhiệt độ trong buồng đốt càng tăng tốc độ đối lưu không khí càng mạnh, không khí từ ngoài qua cửa vào buồng đốt chính, ngọn lửa từ buồng đốt chính qua cửa thoát nhiệt, tiếp tục cháy ở buồng cháy phụ tỏa nhiệt cung cấp cho dụng cụ nấu. Nhiệt còn lại cùng khói bụi theo ống khói đưa ra ngoài.

“Trước đây, khi chưa biết đến bếp tiết kiệm năng lượng của ông Hồng, trung bình 1 ngày tôi sử dụng hết 11.000 đồng tiền củi, sau khi sử dụng chi phí từ tiền củi giảm xuống còn 4.000 đồng/ngày. Bếp sử dụng rất bền, kích thước nhỏ gọn và mẫu mã đẹp”, một người dân tại huyện Thanh Ba chia sẻ.

Tiếng lành đồn xa…

Bếp TK90 được thiết kế và chế tạo mô phỏng trên cơ sở lý thuyết nhiệt của động cơ đốt trong với hiệu suất nhiệt của bếp từ 34 - 36% (bếp kiềng truyền thống 11 - 12%). So với bếp kiềng, bếp TK90 tiết kiệm được 60 -70% lượng chất đốt, 50% thời gian đun nấu và giảm 70% lượng khí thải độc hại CO, CO2, khói bụi vào môi trường.

Công nghệ sản xuất bếp TK90 là một công nghệ hoàn toàn sạch, không qua nung, rất thân thiện với môi trường. Ông đã nghiên cứu được công thức pha chế nguyên vật liệu chịu nhiệt mà có thể khai thác 80% tại địa phương. Bếp sử dụng được tất cả các phụ phẩm nông, lâm nghiệp như: Củi, cành cây, lá cây, rơm rạ, trấu, mùn cưa, lõi ngô, cây ngô… rất hiệu quả.

Với những tính năng ưu việt của bếp TK90, nhiều năm qua cơ sở sản xuất của ông đã cho ra hàng chục nghìn bếp/năm để phục vụ bà con ở các tỉnh Phú Thọ, Yên Bái, Tuyên Quang, Cao Bằng, Bắc Cạn, Hòa Bình… Nhưng nhu cầu vẫn tăng cao mà ông không thể đáp ứng bởi nhiều nguyên nhân. Đó là điều khiến ông luôn đau đáu, suy nghĩ và tìm lời giải.

Những chiếc bếp TK90 được trao cho người dân huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ. Ảnh: Nam Dũng

“Nhiều bà con trong trong vùng Gia Lai, Kon Tum, TP HCM… gọi điện, gửi thư ra cả ngoài này cho tôi với mong muốn được sử dụng bếp TK90. Nhưng vì bếp làm bằng đất chịu nhiệt, vận chuyển xa rất khó khăn và đội chi phí lên cao, rồi còn phải đảm bảo về kỹ thuật, nên tôi phải từ chối nhiều đơn hàng”, ông Hồng cho biết.

Năm 2018, ông Lê Hồng được nhận “Giải thưởng khuyến học - Tự học thành tài” của Giải thưởng Nhân tài đất Việt. Giải thưởng này cũng là cơ duyên để "vua bếp" gặp được ông Hoàng Anh Dũng, Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn Đầu tư và Thương mại (Intraco), kiêm Giám đốc Dự án “phân phối bếp đun tiết kiệm nhiên liệu tại tỉnh Phú Thọ - người giúp ông mang bếp ra nước ngoài để đo hiệu suất nhiệt trong phòng thí nghiệm (ở Việt Nam chưa có phòng thí nghiệm kiểu này).

Kết quả ngoài mong đợi, bếp của ông Hồng đã đạt hiệu suất nhiệt là 28,57%, mức nhiệt trung bình của thế giới là 26%.

Sau khi sản phẩm bếp của ông có giấy chứng nhận đạt hiệu suất nhiệt như trên, xưởng sản xuất của ông bắt đầu vang xa. Được sự kết nối của ông Hoàng Anh Dũng, Công ty TNHH Quản lý Carbon Hàn Quốc thông qua Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Phú Thọ đã đặt hàng với ông 1 dự án 28.000 bếp để phát miễn phí cho người nghèo trong tỉnh.

Dự án đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt ngày 18/4/2019 và được UBND tỉnh Phú Thọ ra Quyết định số 1535/QĐ/UBND ngày 28/6/2019 về việc tiếp nhận Chương trình phân phối bếp đun tiết kiệm năng lượng do Công ty Intraco và Công ty TNHH Quản lý Carbon Hàn Quốc (KCM) viện trợ. Dự án được thể hiện ở 80 xã thuộc 13 huyện, thành thị của tỉnh Phú Thọ. Bếp được phát đợt 1 vào tháng 6/2019, đợt 2 từ tháng 10/2019 với tổng giá trị khoản tài trợ 800.000 USD.

Gần 30 năm có mặt trên thị trường, hàng chục nghìn chiếc bếp tiết kiệm năng lượng đã đến tay người tiêu dùng, góp phần làm giảm lượng củi, thời gian đun nấu và bảo vệ sức khỏe người sử dụng.

Để người dân dễ dàng mua, tiếp cận sản phẩm ông Hồng đã liên kết, phân phối sản phẩm với trên 40 đại lý ở nhiều tỉnh thành. Được biết, ông Hồng vẫn còn nhiều trăn trở bởi trọng lượng bếp còn nặng, dao động từ 10 - 30 kg/chiếc nên khó khăn trong việc di chuyển, cước phí vận chuyển cao đối với các tỉnh xa làm tăng giá thành sản phẩm.

Với niềm đam mê sáng chế, ông Hồng đang cố gắng tìm tòi, học hỏi để thay thế nguyên liệu sử dụng bếp nhằm giảm trọng lượng, giảm chi phí nhưng vẫn đảm bảo độ bền và an toàn khi đun nấu.

Với những ý nghĩa về kinh tế, xã hội và môi trường, sản phẩm bếp của ông Lê Hồng đã đạt nhiều giải thưởng như: Giải nhất Cuộc thi sáng tạo kỹ thuật toàn quốc năm 1990; giải nhì Cuộc thi “Phát hiện sáng kiến bảo vệ môi trường” năm 2006; bằng độc quyền giải pháp hữu ích do tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới WIPO trao tặng và đây cũng là sản phẩm điển hình tiên tiến toàn quốc về bảo vệ môi trường năm 2010; năm 2018, ông được nhận “Giải thưởng Khuyến học - Tự học thành tài” của Giải thưởng Nhân tài Đất Việt.

Nam Dũng

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/xa-hoi/doi-song/bep-tk90-ban-cua-nguoi-ngheo_t114c1159n158733