Béo phì – kẻ thù làm trái tim suy yếu

Cùng với tăng huyết áp, đái tháo đường, ung thư, thừa cân béo phì hiện đang được xem là một 'đại dịch' mới của thế kỷ 21 bởi những hệ lụy về sức khỏe. Đặc biệt, béo phì đang là một tác nhân lớn khiến bệnh tim mạch gia tăng với những gánh nặng bệnh tật cho nhiều gia đình và quốc gia.

Theo các chuyên gia, bệnh tim mạch rất dễ xảy ra ở người béo phì. Ảnh: TL

Nguyên nhân của rất nhiều loại bệnh nan y

Điều tra gần đây của Hội đồng các nhà khoa học quốc tế do Viện Đánh giá và đo lường sức khỏe (IHME), Đại học Washington nghiên cứu trên 188 quốc gia cảnh báo, Việt Nam là nước có tốc độ gia tăng nhanh chóng về số người thừa cân và béo phì ở tuổi trưởng thành.

Tại Việt Nam, theo điều tra của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, hiện có gần 7 triệu người bị thừa cân, béo phì, chiếm hơn 8% dân số. Tại các thành phố lớn, tình trạng thừa cân, béo phì lên tới 30%. Quan sát một số nhóm đối tượng dân cư, nghề nghiệp có tỷ lệ mắc thừa cân béo phì cao hơn nhiều so với trung bình của quốc gia, lên đến 40%. Điều đáng lo ngại hơn là khi phân tích kết quả các giám sát dinh dưỡng cho thấy, tuổi của người mắc thừa cân béo phì ngày càng trẻ hóa và béo phì mức độ nặng ngày càng gia tăng.

BS Đỗ Thị Ngọc Diệp, Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TPHCM, thừa cân béo phì có thể xảy ra với bất kỳ ai. Thừa cân béo phì là nguyên nhân của rất nhiều loại bệnh tật nan y khó chữa như bệnh rối loạn chuyển hóa mỡ máu, tim mạch, bệnh tiểu đường, bệnh tăng huyết áp, mất trí nhớ (Alzheimer), rối loạn nội tiết, rối loạn tình dục, thoái hóa khớp, bệnh hô hấp, bệnh tiêu hóa, gout, ung thư, giảm tuổi thọ, tổn thương da. Ảnh hưởng về tâm lý, xã hội, lao động, việc làm…

Câu hỏi đặt ra: Tại sao thừa cân béo phì lại gây ra bệnh tim mạch? Cũng theo BS Ngọc Diệp, khi bị thừa cân béo phì thì đồng thời sẽ bị rối loạn chuyển hóa lipid, trong đó có hàm lượng LDL (Low Density Lipoprotein), Triglyxerit, Cholesteron tăng cao. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến xơ mỡ động mạch, trong đó có động mạch vành tim gây chít hẹp động mạch vành dẫn đến thiếu máu cơ tim gây đau thắt ngực và nhồi máu cơ tim. Mặt khác, mỡ ứ đọng bao bọc lấy tim làm giảm khả năng co bóp của tim. Xơ mỡ động mạch còn gây tăng huyết áp dẫn đến suy tim. Tăng trọng lượng cơ thể quá mức làm tăng khối lượng tuần hoàn cũng dẫn đến suy tim. Vì thế, người thừa cân béo phì hoạt động rất hạn chế và hay mệt mỏi do tim không bơm đủ máu đi nuôi cơ thể và chính tim cũng bị thiếu máu. Bệnh nhân có thể tử vong do bị nhồi máu cơ tim cấp.

Cân nặng hợp lý giúp trái tim khỏe mạnh

Những người béo phì tuy thấy vẫn khỏe mạnh bình thường, không có gì phải lo ngại nhưng tình trạng béo phì vẫn âm thầm gây ra những tổn thương tiềm ẩn có thể dẫn đến suy tim. Vậy thế nào là cân nặng hợp lý để có một trái tim khỏe mạnh? Tiến sĩ Louis Ignarro, người từng đạt giải Nobel Y học cho biết, điều này phụ thuộc vào mối tương quan giữa hàm lượng chất béo, chiều cao và cân nặng của cơ thể, được thể hiện thông qua chỉ số khối BMI. Chúng ta thường không thích chất béo nhưng sự thật là một vài chất béo lại có lợi cho cơ thể. Cơ thể khỏe mạnh khi những chất béo này được duy trì ở mức độ hợp lý. Theo Viện Sức khỏe Quốc gia Mỹ (National Institutes of Health), chỉ số khối (BMI - chỉ số căn nặng trên chiều cao) được xem là bình thường khi dao động từ 18,5 đến 24,9. Theo một số nghiên cứu, nguy cơ suy tim tăng thêm 5% ở nam và 7% ở nữ nếu BMI tăng thêm 1kg/m2. Do vậy, bệnh tim mạch rất dễ xảy ra ở người béo phì, nó ảnh hưởng đáng kể tới suy tim, nguy cơ suy tim tăng gần gấp đôi so với những người không béo phì.

Tuy nhiên, tại nước ta, quan niệm về thừa cân béo phì còn rất mơ hồ trong nhiều người dân. Do đó, xem ra việc thừa cân béo phì vẫn chưa phải là một bệnh đáng quan tâm. Theo thống kê tại Việt Nam, số trẻ em thừa cân béo phì đã tăng gấp 4 lần trong 10 năm (kể từ năm 2007). Hiện nay, hầu như các bà mẹ chỉ quan tâm tới sự tăng cân của trẻ chứ không quan tâm đến sự tăng cân quá mức, thậm chí còn áp dụng một cách máy móc tiêu chuẩn của trẻ. Hiện nay, một số bệnh trước đây rất hiếm gặp ở trẻ em thì bây giờ có xu hướng tăng lên như viêm loét dạ dày, tiểu đường, ung thư, tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, thiếu máu cơ tim…

Để chứng tỏ bệnh tim mạch rất dễ xảy ra ở người béo phì, trong hàng loạt nghiên cứu của các chuyên gia tại Đại học Queensland (Australia) đã theo dõi 33 người có cân nặng bình thường, 26 người hơi mập, 37 người béo phì nhẹ và 46 người cực béo. Những người này không có tiền sử bệnh tim mạch, tiểu đường và huyết áp cao. Sử dụng kỹ thuật siêu âm tiên tiến, các nhà khoa học Australia phát hiện thấy khả năng co bóp của tâm thất trái ở những người cực béo bị suy giảm đáng kể so với người bình thường. Các chuyên gia ở đây nhận thấy có một mối liên hệ trực tiếp giữa mức độ béo phì và mức độ suy yếu khả năng bơm máu của tim. Bằng chứng là, ở những người béo phì nhẹ, khả năng co bóp của tim cũng suy giảm, với mức độ nhỏ hơn so với người béo phì nghiêm trọng.

Một điều đáng lưu ý giúp phát hiện sớm các biểu hiện của cơn đau tim nữa là khác với ở nam giới, các cơn đau tim ở phụ nữ thường không đi kèm biểu hiện đau ngực điển hình. Các dấu hiệu hay gặp là ợ nóng, buồn nôn, khó thở, đổ mồ hôi, mệt lả. Đáng tiếc là sau khi xuất hiện những triệu chứng kể trên, rất nhiều nạn nhân đợi hàng giờ rồi mới tìm tới bác sĩ. Lúc này, trái tim họ đã bị tổn thương nặng nề. Để tránh tình trạng nói trên, tốt nhất là hãy gọi xe cấp cứu ngay lập tức nếu bạn nghi mình hoặc người thân có biểu hiện của cơn nhồi máu cơ tim.

Luôn kiểm soát cân nặng trong giới hạn cho phép bằng chỉ số BMI.

- Có lối sống điều độ cân bằng giữa lao động tay chân, hoạt động thể dục thể thao với năng lượng đưa vào.

- Chế độ ăn theo khuyến cáo của tháp dinh dưỡng.

- Hạn chế các loại thực phẩm ăn nhanh, chiên rán, thực phẩm chế biến sẵn, bánh kẹo nước ngọt.

- Giữ cuộc sống thăng bằng về tâm lý, vui vẻ tránh mọi stress tiêu cực.

- Khám bệnh định kỳ để phát hiện những bệnh tiềm ẩn như tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, tiểu đường…

Các biểu hiện của cơn đau tim

Cơn đau tim với biểu hiện đau hoặc khó chịu ở ngực. Triệu chứng đau ngực thường rất mơ hồ, mờ nhạt và được người bệnh mô tả như cảm giác nằng nặng, tưng tức hoặc co thắt ở ngực. Trong một số trường hợp, cảm giác đau hoặc khó chịu ở ngực có thể lan tới tận cổ, lưng, hàm, tay và vai.

Các cơn đau tim xuất hiện nhiều nhất vào khoảng 4 - 10h sáng, thời điểm mà tuyến thượng thận giải phóng vào máu một lượng lớn adrenaline. Khoảng 1/4 các cơn đau tim diễn ra một cách thầm lặng, không có biểu hiện đau ngực. Ở bệnh nhân tiểu đường, tỷ lệ cơn đau tim thầm lặng có thể còn cao hơn nhiều.

Ngoài triệu chứng đau ngực, người bệnh có thể cảm thấy: Đột nhiên bị tê hoặc yếu ở mặt, cánh tay hoặc chân, nhất là nếu chúng xuất hiện ở cùng một bên. Đột nhiên bị lẫn, không nói được hoặc không hiểu điều người khác nói. Đột nhiên nhìn mờ ở một hoặc cả 2 mắt. Đột nhiên không bước đi được, chóng mặt, mất thăng bằng hoặc mất khả năng thực hiện các động tác. Đột nhiên bị đau đầu dữ dội, không rõ lý do. Bị ợ, buồn nôn hoặc nôn, khó thở, đổ mồ hôi, mệt lả, thậm chí là ngất (những triệu chứng này có thể tồn tại dai dẳng hoặc lúc có lúc không).

Mai Anh

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/song-khoe/beo-phi-ke-thu-lam-trai-tim-suy-yeu-20180424082815918.htm