Béo phì đáng báo động, người Mông Cổ nỗ lực cắt giảm khẩu phần ăn

Thiếu cân bằng trong chế độ dinh dưỡng và đặc thù sinh hoạt (theo lối du mục) khiến phần lớn người dân Mông Cổ mắc nhiều bệnh mãn tính như thừa cân, béo phì, đái tháo đường… Chính phủ nước này đã nỗ lực cắt giảm tối đa khẩu phần ăn của người dân để hạn chế tình trạng đó.

Tỷ lệ dân bị mắc bệnh béo phì ở nông thôn và thành thị ngang nhau

Thông tin này vừa được chia sẻ tại phiên họp chuyên đề “Dinh dưỡng và an toàn thực phẩm”, trong khuôn khổ Hội nghị mạng lưới các nhà khoa học nữ Châu Á - Thái Bình Dương ở Hà Nội.

PGS.TS M.Purevjav, Giảng viên Khoa dinh dưỡng, ĐH Khoa học và công nghệ Mông Cổ, đã có phần chia sẻ với nhiều thông tin về dinh dưỡng tại đất nước khu vực Đông Á với đặc thù lối sống du mục này. Vấn đề dinh dưỡng của người dân Mông Cổ, theo bà Purevjav, đang gặp nhiều căn bệnh mãn tính liên quan đến thừa cân, béo phì, đái tháo đường… xuất phát từ thói quen dinh dưỡng thiếu cân bằng.

PGS.TS M.Purevjav chia sẻ về dinh dưỡng của Mông Cổ trong buổi hội thảo chuyên đề APNN tại Hà Nội. Ảnh: D.H

PGS.TS M.Purevjav chia sẻ về dinh dưỡng của Mông Cổ trong buổi hội thảo chuyên đề APNN tại Hà Nội. Ảnh: D.H

“Qua khảo sát, chúng tôi nhận thấy có sự thiếu hụt trong chế độ ăn uống và dinh dưỡng của người dân. Điều này dẫn đến tình trạng phổ biến của các căn bệnh mãn tính, trong đó nổi cộm nhất là các vấn đề về thừa cân, béo phì”, bà Purevjav cho hay.

Tất cả đều xuất phát từ thói quen sinh hoạt thiếu cân bằng, cuộc sống của người dân chủ yếu là du mục, liên tục di chuyển. Đây được coi là quốc gia du mục cuối cùng trên thế giới. Điều đáng nói là tỷ lệ dân bị mắc bệnh béo phì ở nông thôn và thành thị đều ngang nhau.

Từ những năm 1990, quá trình thay đổi kinh tế xã hội gia tăng đã dẫn đến sự di cư lớn từ nông thôn ra thành thị. Tình trạng đô thị hóa tăng, dân số tại thủ đô ngày càng tăng đang trở thành vấn đề lớn trong điều kiện khan hiếm lương thực tại đây.

Tỷ lệ béo phì tăng cao trong dân số Mông Cổ do thói quen ăn uống không lành mạnh. Ảnh minh họa

“Thói quen ăn uống của người dân cũng mắc nhiều sai lầm, dù chúng tôi có nguồn thực phẩm lành mạnh với lợi thế lớn về chăn nuôi gia súc. Các quảng cáo về thực phẩm công nghiệp khiến cho thói quen tiêu thụ thức ăn thiếu lành mạnh gia tăng, đây là điều rất đáng tiếc”, nữ giảng viên chia sẻ.

Có vẻ thói quen ăn đồ ăn nhanh, nhiều đường là câu chuyện không chỉ của riêng Mông Cổ mà hầu như tồn tại ở nhiều quốc gia với sự phát triển chóng mặt của thức ăn công nghiệp. Tại đây, khảo sát cho thấy việc tiêu thụ đồ ăn vặt có hàm lượng clo cao, ít chất dinh dưỡng gần như trở nên phổ biến (99%) đối với trẻ em từ 6 đến 11 tuổi.

Thức ăn vặt được tiêu thụ thường xuyên hơn ở thành thị so với khu vực nông thôn và đạt mức cao nhất ở thủ đô Ulaanbaatar so với các khu vực khác. Riêng tại thủ đô, mức tiêu tụ đồ uống có đường chiếm đến 85% số dân - một con số đáng báo động về thói quen ăn uống không lành mạnh của người dân tại đây.

Một em bé Mông Cổ mũm mĩm. Nguồn ảnh: thetravelwriters.net

Nỗ lực cắt giảm calories trong khẩu phần ăn

PGS.TS M.Purevjav nhấn mạnh rằng, với vấn nạn các bệnh mãn tính gia tăng như béo phì, thừa cân, đái tháo đường…, Chính phủ nước này đang nỗ lực cắt giảm khẩu phần ăn của người dân, tiêu chuẩn dinh dưỡng theo đó cũng được khuyến nghị giảm xuống tối thiếu cùng với việc cắt giảm đường, tinh bột, các chất béo xấu.

“Tỷ lệ suy dinh dưỡng protein và năng lượng ở trẻ em dưới 5 tuổi trong một cuộc khảo sát rất lớn của chúng tôi từ năm 1992 đến năm 2017 đã có dấu hiệu giảm, nhưng tỷ lệ trẻ em thiếu sắt vẫn rất cao, cho thấy việc thay đổi thói quen dinh dưỡng là điều không thể làm được trong ngày một ngày hai”, nữ giảng viên cho biết.

Ảnh minh họa

Trước thực trạng đó, khẩu phần ăn khuyến nghị (RDA) của đất nước này đã được sửa đổi từ năm 1997 và trong quá tình cập nhập calories từ thức ăn hàng ngày đã giảm, lượng calories trung bình là 2.8000Kcal vào năm 1997 đã giảm xuống còn 2.600Kcal năm 2008 và bây giờ đã được đề xuất giảm xuống còn 2.400Kcal vào năm 2017.

“Việc thiết lập chế độ ăn uống lành mạnh và cân bằng trong cuộc đời là một chiến lược y tế công cộng quan trọng của chúng tôi nhằm thúc đẩy sức khỏe chung ở mức tối ưu nhất, giảm nguy cơ bệnh tật. Để đạt được điều này, chúng ta cần cải thiện công tác quản lý dịch vụ cug cấp thực phẩm tại các hệ thống trường học. Hay nói cách khác, cần thực hiện hiệu quả và đồng nhất đối với hệ thống giáo dục dinh dưỡng vì thực tế cho thấy số lượng trẻ đến trường và mẫu giáo đạt tỷ lệ rất cao ở Mông Cổ”, bà M.Purevjav chia sẻ.

Khi được hỏi về việc tỷ lệ calries khuyến cáo trong RDA liệu có khác nhau giữa nông thôn và thành thị, nữ giảng viên khẳng định tỷ lệ này hoàn toàn giống nhau giữa hai khu vực, bởi tỷ lệ béo phì ở nông thôn và thành thị cũng không chênh lệch nhau nhiều. “Chúng tôi đang nỗ lực để giảm thiểu tình trạng này”, bà khẳng định.

Nguồn Phụ Nữ VN: http://phunuvietnam.vn/an-toan-thuc-pham/beo-phi-dang-bao-dong-nguoi-mong-co-no-luc-cat-giam-khau-phan-an-post50070.html