Bệnh Whitmore dễ mắc phải ở những đối tượng nào?

Thời gian gần đây liên tiếp ghi nhận nhiều trường hợp mắc bệnh Whitmore khiến căn bệnh này trở thành nỗi lo sợ của rất nhiều người.

Bệnh Whitmore là gì?

Whitmore (hay còn gọi là bệnh melioidosis) là bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm do loài vi khuẩn Burkholderia pseudomallei gây nên. Vi khuẩn này có trong đất, bùn và đường lây nhiễm chủ yếu do vùng da tổn thương tiếp xúc trực tiếp với vi khuẩn hoặc hít phải các hạt bụi đất chứa vi khuẩn này.

Các bác sĩ khuyến cáo, bệnh whitore có xu hướng gia tăng cao điểm vào mùa mưa, tập trung từ tháng 7-11.

Bệnh nhi mắc bệnh Whitmore

Bệnh nhi mắc bệnh Whitmore

Con đường lấy nhiễm của bệnh Whitmore

- Hít phải các hạt bụi có chứa vi khuẩn.

- Lây nhiễm qua đường ăn uống khi thức ăn nhiễm khuẩn.

- Tiếp xúc trực tiếp các vết xước trầy da với đất hoặc nước nhiễm khuẩn.

- Vi khuẩn có thể truyền từ mẹ sang con qua tuyến sữa khi người mẹ bị áp xe tuyến vú do vi khuẩn B. pseudomallei.

- Tiếp xúc vết xước trầy da với động vật chết do nhiễm bệnh whitmore như chó, mèo...

Những ai dễ lây nhiễm Whitmore nhất?

Những đối tượng có nguy cơ mắc bệnh Whitmore cao là những người mắc một số bệnh mạn tính, suy giảm miễn dịch như: tiểu đường, viêm thận mạn, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, xơ gan, nghiện rượu, sử dụng thuốc corticoid dài ngày ...., sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn và diễn biến bệnh phức tạp, nặng nề hơn, có thể gây tử vong nếu không được chẩn đoán và điều trị kháng sinh phù hợp. Bên cạnh đó, những người làm nghề nông, thường xuyên tiếp xúc trực tiếp với đất, nước, sống ở vùng dịch có vi khuẩn Whitmore lưu hành cũng rất dễ bị nhiễm bệnh.

Những người thường xuyên tiếp xúc với moi trường đất và nước thường có nguy cơ cao mắc Whitmore

(Ảnh minh họa)

PGS. Bùi Vũ Huy, trưởng khoa nhi, bệnh viện Nhiệt đới TƯ cho biết, whitmore là căn bệnh nhiễm trùng cơ hội, không dễ mắc, ít gặp ở người có sức khỏe bình thường. Bệnh không dễ dàng lây lan, không trực tiếp lây từ người qua người. Vì thế người dân không nên quá lo lắng.

Nếu người khỏe mạnh không may mắc phải nhưng được phát hiện, điều trị hợp lý sẽ điều trị khỏi, không để lại di chứng. Nhưng nếu bệnh rơi vào những người già, yếu, miễn dịch suy giảm, đang mắc các bệnh mạn tính thì sẽ có nhiều nguy cơ hơn, diễn tiến phức tạp hơn, khó chữa hơn.

Biện pháp ngăn ngừa bệnh Whitmore

Hiện nay bệnh Whitmore vẫn chưa có vắc xin để phòng ngừa, cao điểm của bệnh thường tập trung vào mùa mưa từ tháng 7-11, vì vậy những người sống trong môi trường đất, nước phải có phương tiện bảo hộ lao động đầy đủ và nếu có bị trầy xước ngoài da thì cần được điều trị sớm và triệt để.

Để phòng tránh bệnh whitmore, các chuyên gia khuyến cáo người dân hạn chế tiếp xúc với bùn, đất hoặc các vùng nước có khả năng bị ô nhiễm. Tăng cường các biện phá bảo vệ che chắn khi đi ngoài môi trường khói bụi. Bên cạnh đó phải đảm bảo vệ sinh thân thể sạch sẽ; rửa tay, chân thường xuyên, đặc biệt sau khi đi ra ngoài về. Khi có các triệu chứng như sốt cao, viêm phổi, viêm da..., nên đến cơ sở y tế để được thăm khám và tư vấn kịp thời.

Xem thêm: Bệnh nhân hát vang trong khi tiến hành phẫu thuật não

Nguồn Gia Đình VN: https://giadinhvietnam.com/benh-whitmore-de-mac-phai-o-nhung-doi-tuong-nao-d148051.html