Bệnh viện Việt Đức: Không tiếp tay cho 'cò máu'

'Không có cá nhân hay tổ chức nào trong bệnh viện mưu lợi hay tiếp tay cho những trường hợp cò máu', GS.TS Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, khẳng định trước thông tin phản ánh về tình trạng 'cò máu' diễn ra tại Bệnh viện Việt Đức thời gian qua.

Mỗi ngày, BV Việt Đức mổ trung bình 150 ca mổ phiên, hơn 30 ca mổ cấp cứu.

Mỗi ngày, BV Việt Đức mổ trung bình 150 ca mổ phiên, hơn 30 ca mổ cấp cứu.

NDĐT - “Không có cá nhân hay tổ chức nào trong bệnh viện mưu lợi hay tiếp tay cho những trường hợp cò máu”, GS.TS Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, khẳng định trước thông tin phản ánh về tình trạng “cò máu” diễn ra tại Bệnh viện Việt Đức thời gian qua.

Thực trạng “cò máu” tại bệnh viện

Năm 2017, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức thực hiện hơn 65 nghìn ca phẫu thuật, mỗi năm, số lượng ca mổ lại tăng lên 10%. Vì thế, lượng máu sử dụng trong phẫu thuật tại bệnh viện ngoại khoa đầu ngành này luôn đòi hỏi ở mức độ khá lớn.

GS.TS Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện (BV) Việt Đức cho biết, hiện nay việc huy động máu phục vụ điều trị của BV đến từ các nguồn chính: tiếp nhận máu từ những người hiến máu tình nguyện trong cộng đồng, chiếm tỷ lệ cao, tới 83% vào năm 2017. Bệnh viện cũng tiếp nhận máu từ Viện Huyết học truyền máu Trung ương nhưng chiếm tỷ trọng rất ít so với nhu cầu của bệnh viện. Năm 2017, BV chỉ tiếp nhận từ Viện Huyết học hơn 16% và chín tháng đầu năm 2018 là hơn 13%.

Ngoài ra, BV cũng triển khai tiếp nhận máu tại điểm hiến máu cố định trong bệnh viện từ cán bộ y tế, nhân dân quanh khu vực và từ người nhà bệnh nhân. Việc duy trì điểm hiến máu cố định này nhằm mục đích vận động người dân nâng cao ý thức trách nhiệm với xã hội, giải quyết nguồn khan hiếm máu vào những thời điểm thiếu máu cục bộ; vận động và tiếp nhận máu trong những trường hợp người bệnh có nhóm máu hiếm Rh(-) hay nhóm máu AB mà không có được sự hỗ trợ từ Viện Huyết học Truyền máu Trung ương.

Mỗi ngày, bệnh viện mổ trung bình 150 ca mổ phiên, hơn 30 ca mổ cấp cứu hầu hết đều phải truyền máu. BV Việt Đức thường thông qua lịch mổ vào sáng thứ 6 hằng tuần. Sau đó, các Khoa công khai lịch mổ cùng thông tin dự trù số lượng máu cho bệnh nhân mổ ở bảng treo tại Văn phòng Khoa. Lợi dụng việc này, nhiều “cò máu” nắm được lịch mổ, nhu cầu cần truyền máu, giả làm người nhà bệnh nhân tiếp cận với người nhà người bệnh để gạ bán máu. Một số gia đình, vì lý do cá nhân không muốn hiến hoặc gia đình ở xa, nghe lời gạ gẫm sẽ lựa chọn cách mua máu này.

Trước sự dễ dàng của việc hiến máu tình nguyện, các thủ tục tiếp nhận máu rất đơn giản, do đó, BV không thể biết được người đến hiến máu là người nhà bệnh nhân, hay là người “đóng thế”.

Không mưu lợi, tiếp tay cho cò máu

Hiện nay, Trung tâm Truyền máu Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức là một trong số ít đơn vị trong cả nước thực hiện đồng thời các nhiệm vụ, lấy, chiết tách các thành phần máu, lưu trữ bảo quản và cung cấp máu, các chế phẩm máu phục vụ kịp thời điều trị bệnh nhân. Trung tâm cũng đã cung cấp được máu cho các trường hợp nhóm máu hiếm, đặc biệt có những bệnh nhân bị đa chấn thương nặng như bệnh nhân Phan Văn Kh (mổ ngày 13-10-2018) bị vỡ tạng đặc gan, thận, lách… phải sử dụng liên tục gần 50 đơn vị máu và chế phẩm từ máu.

Trước thông tin về vấn nạn "cò máu" tại BV hay việc người nhà phải hiến máu, bệnh nhân mới được phẫu thuật, GS.TS Trần Bình Giang khẳng định, không có trường hợp bệnh nhân nào không được phẫu thuật nếu không có người nhà hiến máu tình nguyện. “Chúng tôi không có chủ trương, quy định nào về việc người nhà bệnh nhân phải cho máu mới được phẫu thuật. Cũng không có cá nhân hay tổ chức nào trong bệnh viện mưu lợi hay tiếp tay cho những trường hợp cò máu. Tất cả những trường hợp cò máu khi bệnh viện phát hiện được đều đã tiến hành giao cho cơ quan công an để xử lý theo pháp luật”.

Ông Giang nhấn mạnh thêm, có những loại máu và thời điểm không đủ cung cấp, bệnh viện vận động người nhà người bệnh, người dân và cả cán bộ y tế của bệnh viện hiến máu để truyền cho người bệnh.Việc người nhà bệnh nhân cho máu chỉ cần thiết trong trường hợp cần nhóm máu hiếm, đòi hỏi phải cùng huyết thống hoặc người nhà tình nguyện hiến máu khi nguồn cung không đủ. Tuy nhiên, số lượng này chiếm tỷ trọng rất ít trong tổng số máu truyền tại bệnh viện.

Để dẹp nạn “cò máu”, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức cho biết đã yêu cầu bảo vệ và lực lượng công an ngăn không cho cò máu tiếp cận người nhà người bệnh. Ban Giám đốc yêu cầu các khoa điều trị phối hợp vận động người nhà người bệnh hiến máu đồng thời yêu cầu người nhà không tiếp xúc với các đối tượng "cò". Trung tâm Truyền máu xây dựng quy trình duyệt máu, giảm thiểu các thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người nhà người bệnh khi làm thủ tục dự trù và lĩnh máu. “Chúng tôi sẽ đặt nhiều nhiều cảnh báo bằng âm thanh, biển báo, tờ rơi để cảnh báo cho người nhà người bệnh về tình trạng lừa đảo của cò máu”, BS Giang nói.

Trong năm 2019, bệnh viện sẽ phối hợp với các đơn vị như Học viện An ninh nhân dân, Học viện Cảnh sát nhân dân, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh TP Hà Nội, Hội Chữ thập đỏ TP Hà Nội, Hải Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Nam, Ninh Bình… tích cực vận động hiến máu, dự kiến thu khoảng 60 nghìn đơn vị máu, cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu truyền máu trong bệnh viện.

THIÊN LAM

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/suckhoe/tieu-diem/item/38018202-benh-vien-viet-duc-khong-tiep-tay-cho-co-mau.html