Bệnh viện TW Huế khai trương Trung tâm tư vấn khám chữa bệnh từ xa

Chương trình được kết nối tại các đầu cầu gồm đầu cầu chính Bệnh viện Trung ương Huế, đầu cầu Bộ Y tế và 100 đầu cầu khác là các đơn vị y tế trong khu vực miền Trung-Tây Nguyên.

Cắt băng khánh thành Trung tâm tư vấn khám, chữa bệnh của bệnh viện Trung ương Huế. (Ảnh: Mai Trang/TTXVN)

Cắt băng khánh thành Trung tâm tư vấn khám, chữa bệnh của bệnh viện Trung ương Huế. (Ảnh: Mai Trang/TTXVN)

Chiều 1/9, Bệnh viện Trung ương Huế (Thừa Thiên-Huế) tổ chức khai trương và đưa vào hoạt động Trung tâm tư vấn, khám chữa bệnh từ xa (Telehealth) theo Đề án “Khám chữa bệnh từ xa” giai đoạn 2020-2025 của Bộ Y tế.

Chương trình được kết nối tại các đầu cầu gồm đầu cầu chính Bệnh viện Trung ương Huế, đầu cầu Bộ Y tế và 100 đầu cầu khác là các đơn vị y tế trong khu vực miền Trung-Tây Nguyên.

Tại buổi lễ, Phó Giáo sư-Tiến sỹ Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), đánh giá cao nỗ lực của tỉnh Thừa Thiên-Huế, đặc biệt là Bệnh viện Trung ương Huế trong công tác phòng, chống dịch thời gian qua, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi dịch COVID-19 ở Việt Nam.

Nhờ sự chuẩn bị khẩn trương và giúp sức của các sở, ban, ngành, địa phương, Bệnh viện Trung ương Huế đã sớm hoàn thành Trung tâm tư vấn, khám chữa bệnh từ xa, hướng tới mục tiêu 1.000 điểm cầu trong cả nước thực hiện khám, chữa bệnh từ xa.

Lãnh đạo Bộ Y tế tin tưởng các thầy thuốc Bệnh viện Trung ương Huế sẽ hỗ trợ chuyên môn liên tục cho các bệnh viện tuyến dướihỗ trợ y tế thường xuyên cho người dân khu vực miền Trung.

Dịp này, các chuyên gia về tim mạch, ngoại tiêu hóa, ung bướu của Bệnh viện Trung ương Huế đã hội chẩn và đưa ra kết luận chẩn đoán giải pháp điều trị cho 7 ca bệnh khó từ đầu cầu một số bệnh viện trong khu vực miền Trung-Tây Nguyên.

Điển hình, bệnh nhân nam (73 tuổi, tỉnh Hà Tĩnh) đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh có chẩn đoán hẹp van động mạch chủ khít, hở van động mạch chủ vừa-nhiều, hở van 2 lá nhiều do sa lá trước van 2 lá, hở van 3 lá nhiều, tăng áp động mạch phổi nhiều và suy tim.

Sau khi trao đổi, thảo luận, các bác sỹ Bệnh viện Trung ương Huế đã giải đáp, hướng dẫn các thắc mắc từ Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh.

Toàn cảnh buổi lễ. (Ảnh: Mai Trang/TTXVN)

Theo Giáo sư-Tiến sỹ Nguyễn Tá Đông, Trưởng khoa Nội Tim mạch, Bệnh viện Trung ương Huế, có thể dùng thuốc kháng thụ thể vasopressin (Tolvaptan) và không nên tăng thêm liều lợi tiểu đối với trường hợp này.

Bên cạnh đó, vì đã cao tuổi nên phải phẫu thuật càng sớm càng tốt cho bệnh nhân. Nếu cấp thiết, bệnh nhân có thể được đưa vào Bệnh viện Trung ương Huế để xem xét thêm và đánh giá lại tình hình sức khỏe; từ đó đưa ra phương án điều trị hiệu quả nhất.

Đồng ý với ý kiến trên, Tiến sỹ Hồ Anh Bình, Trưởng khoa Cấp cứu tim mạch can thiệp, Bệnh viện Trung ương Huế, cho rằng việc điều trị nội khoa cho ca bệnh sẽ không đáp ứng được lâu dài. Bệnh nhân nếu không được phẫu thuật kịp thời sẽ bị suy tim nặng.

Ngoài ra, một bệnh nhân nam khác (54 tuổi, Hà Tĩnh) cũng được hội chẩn trong dịp này. Đây là trường hợp bệnh được Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh chẩn đoán nhiễm khuẩn huyết Whitmore/áp xe phổi trái, đái tháo đường type 2. Hiện bệnh nhân đang được điều trị kháng sinh, insulin, bù dịch theo điện giải đồ, giảm đau và nâng đỡ thể trạng.

Với trường hợp này, Phó Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế, Trưởng khoa Nội tiết-Thần kinh-Hô hấp, bác sỹ chuyên khoa 2 Hoàng Thị Lan Hương chia sẻ Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh cần tăng cường insulin cao; bổ sung một số xét nghiệm như xét nghiệm nước tiểu 10 thông số, siêu âm bụng... để phát hiện thêm các tổn thương khác nếu có đối với bệnh nhân. Ngoài ra, bệnh nhân vẫn chưa thể loại trừ được các bệnh lý lao phổi.

Việc điều trị cho bệnh nhân này được thực hiện qua 2 giai đoạn bao gồm giai đoạn tấn công sử dụng kháng sinh ceftazidim tiêm đường tĩnh mạch và giai đoạn điều trị duy trì với kháng sinh uống. Đặc biệt, sau khi bệnh nhân ra viện cần theo dõi, duy trì kháng sinh đồng thời tái khám định kỳ để tránh trường hợp tái phát bệnh.

Thời gian qua, khi bắt đầu triển khai công tác phòng, chống dịch, Bộ Y tế đã thành lập Trung tâm Quản lý, điều hành trực tuyến hỗ trợ chuyên môn chẩn đoán, điều trị COVID-19.

Qua Trung tâm, các chuyên gia đầu ngành trong cả nước đã đồng hành với tất cả các điểm cầu có bệnh nhân nhiễm COVID-19, cứu sống 100% ca bệnh trong giai đoạn 1.

Phát huy hiệu quả hoạt động của Trung tâm, hiện nay dịch COVID-19 đã cơ bản được kiểm soát, đặc biệt gần 60 giờ qua Việt Nam không ghi nhận ca mắc COVID-19 nào trong cộng đồng.

Giáo sư-Tiến sỹ Phạm Như Hiệp, Giám đốc Bệnh viện trung ương Huế, phát biểu tại buổi lễ. (Ảnh: Mai Trang/TTXVN)

Giáo sư-Tiến sỹ Phạm Như Hiệp, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế, cho biết trong giai đoạn dịch COVID-19 xuất hiện, đơn vị đã triển khai hoạt động đào tạo trực tuyến cho các nhân viên y tế trong khu vực.

Đến nay, việc đưa vào hoạt động Trung tâm tư vấn khám, chữa bệnh từ xa góp phần nâng cao năng lực chuyên môn của y tế tuyến dưới, tạo sự liên thông trong hệ thống y tế, hỗ trợ tạo điều kiện cho việc thực hiện chuyển tuyến đúng về chuyên môn và an toàn người bệnh.

Bên cạnh đó, người dân được hỗ trợ sử dụng dịch vụ y tế có chất lượng của tuyến trên ngay tại cơ sở y tế tuyến dưới, góp phần phòng chống, dịch, giảm quá tải bệnh viện tuyến trên, nâng cao hiệu quả khám chữa bệnh và sự hài lòng của bệnh nhân.

Khám chữa bệnh từ xa là một trong những nhóm giải pháp quan trọng khi dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp trên thế giới và nguy cơ cao ở Việt Nam.

Ngoài ra, hoạt động cũng góp phần thực hiện thành công Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ, hướng tới tầm nhìn trở thành quốc gia số ổn định và thịnh vượng, phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, rộng khắp./.

Mai Trang (TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/benh-vien-tw-hue-khai-truong-trung-tam-tu-van-kham-chua-benh-tu-xa/660784.vnp