Bệnh viện Trưng Vương: 11 bác sĩ không có chứng chỉ hành nghề vẫn phẫu thuật thẩm mỹ hơn 3.000 ca

Qua thanh tra, có 11 bác sĩ Khoa Bỏng - Tạo hình Thẩm mỹ thực hiện 3.010 ca phẫu thuật, thủ thuật tạo hình thẩm mỹ nhưng không có chứng chỉ hành nghề.

Thanh tra TP HCM vừa kết luận thanh tra về chấp hành pháp luật trong việc thu chi tài chính tại Khoa Bỏng - Tạo hình thẩm mỹ, Bệnh viện (BV) Trưng Vương (TP HCM), giai đoạn từ năm 2012 – 2018, qua đó, chỉ ra hàng loạt thiếu sót, sai phạm về hoạt động thu chi, quản lý tài chính và trong hoạt động chuyên môn.

Có 11 bác sĩ tại Khoa Bỏng - Tạo hình thẩm mỹ, BV Trưng Vương thực hiện 3.010 ca phẫu thuật, thủ thuật tạo hình thẩm mỹ không có chứng chỉ hành nghề.

Có 11 bác sĩ tại Khoa Bỏng - Tạo hình thẩm mỹ, BV Trưng Vương thực hiện 3.010 ca phẫu thuật, thủ thuật tạo hình thẩm mỹ không có chứng chỉ hành nghề.

Theo kết luận thanh tra, từ năm 2012 - 2018, có 11 bác sĩ tại Khoa Bỏng - Tạo hình thẩm mỹ, BV Trưng Vương thực hiện 3.010 ca phẫu thuật, thủ thuật tạo hình thẩm mỹ, nhưng tại thời điểm đó chứng chỉ hành nghề không có phạm vi hoạt động chuyên môn phẫu thuật thẩm mỹ. Trong đó, có một trường hợp là bác sĩ Võ Kế Đạt đến thời điểm thanh tra (năm 2020) vẫn chưa có chứng chỉ hành nghề phẫu thuật thẩm mỹ.

Trong việc thực hiện thu, chi tài chính từ năm 2012 - 2018, Khoa Bỏng - Tạo hình thẩm mỹ thu từ hoạt động thẩm mỹ và các hoạt động khám, chữa bệnh bỏng là hơn 71 tỷ đồng. Lợi dụng các trường hợp bệnh nhân phẫu thuật thẩm mỹ có sử dụng vật liệu nhân tạo, các bác sĩ mua vật liệu nhân tạo trực tiếp từ các công ty và lấy tiền chênh lệch giá. Có 4 bác sĩ thu lợi trái pháp luật gần 4 tỷ đồng từ việc thu tiền phẫu thuật, thủ thuật tạo hình thẩm mỹ có sử dụng vật liệu nhân tạo.

Riêng bác sĩ Nguyễn Ngọc Nhơn thực hiện 132 ca phẫu thuật, thủ thuật có sử dụng vật liệu nhân tạo, thu hơn 2,6 tỷ đồng, bác sĩ Võ Anh Minh thực hiện 115 ca, thu lợi hơn 2,8 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, qua kiểm tra hồ sơ bệnh án, ghi nhận các trường hợp bệnh nhân thực hiện kỹ thuật đặt túi ngực, đa số có dán tem nhãn hiệu vật liệu nhân tạo. Tuy nhiên, đối với các trường hợp độn mũi, cằm, tiêm chất làm đầy (xóa nếp nhăn) phần lớn hồ sơ bệnh án không dán tem nhãn hiệu, nguồn gốc xuất xứ là thực hiện không đúng về hồ sơ bệnh án theo quy định, tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe, thẩm mỹ bệnh nhân.

Ngoài ra, Khoa Bỏng - Tạo hình Thẩm mỹ cũng không xây dựng quy trình khám chữa bệnh nội trú, không lập kế hoạch phẫu thuật trong tuần trình Ban Giám đốc phê duyệt để thông báo kế hoạch phẫu thuật.

Thanh tra TP HCM chỉ rõ trách nhiệm thuộc về Giám đốc BV Trưng Vương, Trưởng phòng Tài chính kế toán, Trưởng phòng Trang thiết bị - Vật tư y tế, Trưởng Khoa Bỏng - Tạo hình thẩm mỹ và các cá nhân có liên quan theo từng thời kỳ phát sinh vụ việc.

Thanh tra TP HCM kiến nghị Chủ tịch UBND TP chỉ đạo Giám đốc Sở Y tế tăng cường công tác thanh kiểm tra các hoạt động khám chữa bệnh của các bệnh viện, đơn vị trực thuộc Sở Y tế có chuyên khoa tạo hình thẩm mỹ. Phối hợp thực hiện việc thu hồi khoản thu lợi trái pháp luật của các bác sĩ để xử lý theo quy định. Đồng thời, kiểm điểm trách nhiệm đối với các tập thể, cá nhân liên quan.

Giám đốc BV Trưng Vương tổ chức kiểm điểm tập thể, cá nhân thuộc thẩm quyền quản lý và có biện pháp chấn chỉnh, khắc phục các thiếu sót, vi phạm. Chịu trách nhiệm giải quyết khiếu nại, phản ánh của bệnh nhân được phẫu thuật, thủ thuật, tạo hình thẩm mỹ tại bệnh viện mà có sự cố, biến chứng xảy ra do nguyên nhân từ vật liệu nhân tạo đã cấy ghép vào cơ thể bệnh nhân từ năm 2012 - 2018.

Đối với cá nhân không chấp hành khắc phục hậu quả theo quyết định thu hồi tiền thu lợi trái pháp luật theo kết luận thanh tra trong thời gian 1 tháng kể từ ngày có kết luận chỉ đạo của UBND TP thì chuyển hồ sơ sang cơ quan CSĐT, Công an TP HCM để xem xét, xử lý theo quy định.

Ngọc Hiếu

Nguồn Pháp Luật Plus: https://www.phapluatplus.vn/giao-duc-suc-khoe/benh-vien-trung-vuong11-bac-si-khong-co-chung-chi-hanh-nghe-van-phau-thuat-tham-my-hon-3000-ca-d144789.html