Bệnh viện Thể thao Việt Nam: Giải pháp cho chặng đường phát triển mới

Hơn 10 năm kể từ ngày được chính thức thành lập, Bệnh viện Thể thao Việt Nam (TTVN)  đã có những bước tiến vượt bậc về cơ sở vật chất, đội ngũ nhân lực, khoa học kỹ thuật,…

Tuy nhiên, đứng trước thực trạng hiện nay của ngành y tế nói chung và sự quá tải, chưa đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân nói chung và của các đối tượng thuộc Ngành Văn hóa, Thê thao và Du lịch quản lý nói riêng, tập thể Lãnh đạo Bệnh viện đã thống nhất hoạch định chiến lược, giải pháp để đưa Bệnh viện phát triển lên một tầm cao mới. Tiến sĩ, Bác sĩ Võ Tường Kha, Giám đốc Bệnh viện, đã chia sẻ với phóng viên Báo TTVN về mục tiêu và những giải pháp trước mắt cũng như lâu dàu để phát triển bệnh viện.

- Thưa ông, từ một Ban Y sinh học của Viện Khoa học TDTT, Bệnh viện TTVN đã có bước phát triển như thế nào cho đến thời điểm hiện nay?

- Bắt đầu thành lập (30/6/2006) đến nay, trải qua hơn 10 năm hình thành và phát triển, từ một Bệnh viện đa khoa hạng II gồm 5 phòng và 16 khoa, với trang thiết bị nghèo nàn, số lượng bác sĩ,  điều dưỡng chỉ vài chục người. Đến nay Bệnh viện TTVN đã trở thành một bệnh viện đầu ngành trong lĩnh vực khám, điều trị, phục hồi chức năng bệnh lý gân-cơ-xương-khớp-dây chằng- thần kinh ... cho vận động viên, huấn luyện viên, trọng tài, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ngành VHTT&DL và nhân dân với số cán bộ… lên tới 200 người. Nhiều tiến bộ y học, khoa học công nghệ mới được nghiên cứu, áp dụng thành công. Mặc dù hệ thống trang thiết bị còn khiêm tốn, chưa được đầu tư mới, song bệnh viện đã từng bước nâng cấp dần đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh không thua kém các bệnh viện khác trong khu vực. Các cán bộ Y tế cũng được tạo cơ hội nghiên cứu, giao lưu, đào tạo để có tay nghề vững, cập nhật kiến thức chuyên môn tiên tiến, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh phục vụ nhiệm vụ chính trị của Ngành VTTT&DL nói riêng và người dân nói chung.

Thứ trưởng Bộ VH, TT&DL Lê Khánh Hải đến thăm và làm việc với các bác sĩ tại Bệnh viện

- Tuy nhiên, thời gian qua, do sự thay đổi trong cơ chế cũng như chính sách phát triển y tế, trong đó đánh giá cao vai trò của xã hội hóa y tế, Lãnh đạo bệnh viện có đưa ra mục tiêu gì để đưa Bệnh viện TTVN phát triển, hòa nhập trong dòng chảy mới này?

- Bệnh viện đã thống nhất đưa ra mục tiêu mới trong phát triển Bệnh việẩttong thời gian tới. Đó là xây dựng Bệnh viện trở thành địa chỉ khám chữa bệnh có uy tín, có thương hiệu không những trong nước mà cả khu vực Đông Nam Á, hướng đến nâng tầm trở thành bệnh viện đa khoa hạng I với quy mô 300 giường bệnh, chuyên sâu về tư vấn, khám, điều trị, phục hồi chức năng bệnh lý gân-cơ-xương-khớp-dây chằng- thần kinh ... Mặt khác, Bệnh viện còn là địa chỉ tư vấn, tham mưu, khám, chữa bệnh nghề nghiệp cho các cán bộ, viên chức và người lao động thuộc Ngành VHTT&DL quản lý như văn, nghệ sỹ, diễn viên, hướng dẫn viên và nhân dân nói chung.

Chuyển giao công nghệ mổ nội soi tái tạo dây chằng chéo trước

- Để thực hiện được mục tiêu trên, Bệnh viện TTVN chắc đã đưa ra nhiều giải pháp, thưa ông?

- Chúng tôi đã đưa ra rất nhiều giải pháp, trong đó tập trung vào những vấn đề chính sau đây. Một là xây dựng và trình đề án về cơ cấu tổ chức, chức năng nhiệm vụ của Bệnh viện, phù hợp với việc nâng cấp quản lý mới của Bệnh viện là đơn vị sự nghiệp y tế trực thuộc Bộ VHTT&DL quản lý; Hai là tuyển chọn đủ nhân lực vào các vị trí việc làm theo mô hình nói trên, xin thêm chỉ tiêu biên chế tương ứng và chỉ tiêu giường bệnh theo chuẩn của Bộ Y tế. Ba là tiếp tục kiện toàn bộ máy quản lý, các khoa, phòng và các tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể đúng theo quy định của Nhà nước. Bốn là công nghệ thông tin hóa, chuẩn hóa bộ công cụ quản lý điều hành hoạt động của bệnh viện, hướng tới tiêu chuẩn ISO về quản lý hành chính, nhân sự, trang thiết bị cơ sở vật chất, chuyên môn..., tạo ra cơ chế tự kiểm tra, tự giám sát và có hình thức, chế tài cụ thể trong khen thưởng, xử phạt. Năm là đẩy mạnh việc nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật y tế, đặc biệt là y học thể thao, y học lao động phục vụ Ngành VHTT&DL, chú trọng nghiên cứu ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào tư vấn, khám, chữa bệnh nghề nghiệp cho toàn Ngành VHTT&DL. Sáu là đẩy mạnh công tác liên doanh, liên kết, xã hội hóa, tạo nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng và trang thiết bị để nâng cao năng lực hoạt động của bệnh viện. Tăng cường hợp tác với chuyên gia, bác sĩ giỏi, các đơn vị trong và ngoài nước để nâng cao năng lực chuyên môn. Có chiến luợc, cơ chế, thu hút, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ chuyên gia, chuyển giao khoa học công nghệ. Bảy là tăng cường công tác quảng cáo, truyền thông vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ và thế mạnh của bệnh viện. Tám là chủ động hạch toán thu chi, xây dựng cơ cấu giá dịch vụ tính đúng, tính đủ theo quy định của Nhà nước, theo nhu cầu của khách hàng, đáp ứng cung-cầu và tái đầu tư về cơ sở vật chất trang thiết bị, chất xám của đội ngũ làm việc. Đặc biệt xây dựng bổ sung danh mục dịch vụ y tế (giường bệnh, máy móc, trang thiết bị,…) và danh mục dịch vụ hỗ trợ khám, chữa bệnh (căng tin, siêu thị, nghỉ dưỡng, hồi phục…) để phục vụ, chăm sóc người bệnh.

VĐV điền kinh Nguyễn Trọng Hinh đang điều trị với trang thiết bị mới nhất của bệnh viện

- Rất cảm ơn ông và chúc Bệnh viện TTVN sẽ có bước tiến mới trong thời gian tới

Tuyết Hoa (thực hiện)

Nguồn Thể Thao VN: http://thethaovietnam.vn/the-thao/benh-vien-the-thao-viet-nam-giai-phap-cho-chang-duong-phat-trien-moi-365-252158.html