Bệnh viện Phụ sản Cần Thơ thực hiện thành công ca sinh từ phương pháp TTTON

Sau quá trình điều trị bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm tại BV Phụ sản Cần Thơ, chị M. vỡ òa trong hạnh phúc khi cậu con trai bụ bẫm nặng 3,2 kg chào đời.

Ngày 15/12, ThS. BS. Nguyễn Phan Vinh - Phó Trưởng khoa Hiếm muộn, Bệnh viện Phụ sản TP. Cần Thơ cho biết, Bệnh viện vừa thực hiện thành công ca sinh từ Phương pháp TTTON (IVF). Đây được xem là một kỹ thuật y học điển hình trong số những kỹ thuật y khoa tiên tiến đem niềm vui được làm cha làm mẹ đến với những cặp vợ chồng gặp vấn đề về sức khỏe sinh sản.

Khoảnh khắc ấn tượng khi bé trai vừa chào đời, bài tay đưa lên như vẫy chào mọi người.

Khoảnh khắc ấn tượng khi bé trai vừa chào đời, bài tay đưa lên như vẫy chào mọi người.

Cặp vợ chồng may mắn này là chị M.(34 tuổi) và anh S. quê tại Vĩnh Long. Anh chị kết hôn vào năm 2012, cứ ngỡ rằng, lập gia đình khi cả hai đã có cơ ngơi, công việc ổn định và hứa hẹn nhiều thăng tiến thì cuộc sống sẽ rất hạnh phúc. Tuy nhiên, sau khi cưới nhau đã nhiều năm mà căn nhà vẫn vắng bóng tiếng cười của trẻ thơ nên anh chị đã tìm đã đến các bệnh viện lớn tại TP. HCM để khám và điều trị nhưng kết quả không như mong muốn.

Không nản lòng anh chị đã cùng động viên nhau ấp ủ lại hy vọng về tiếng cười trẻ thơ và lấy lại tinh thần, cùng nhau cố gắng. Sau đó, anh S. đã đưa vợ đến điều trị bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm tại khoa Hiếm muộn – Bệnh viện Phụ sản thành phố Cần Thơ.

Vợ chồng chị M. hạnh phúc bế cậu con trai bụ bẫm trên tay.

Đến khoảng 16 giờ 30 phút ngày 08/12, anh chị vỡ òa trong niềm vui khi nghe tiếng khóc chào đời của đứa con bao ngày trông ngóng. Bé trai có cân nặng 3200 gram là kết quả “ngọt ngào” của anh chị.

Ngắm nhìn cậu con trai bụ bẫm, anh S. gửi lời nhắn nhủ tới những gia đình có cùng hoàn cảnh hiếm muộn hãy tin tưởng vào tương lai, đừng bao giờ nản lòng, đừng bao giờ bỏ cuộc. Hy vọng qua công chuyện này, sẽ truyền cảm hứng và sức mạnh cho các cặp vợ chồng hiếm muộn sớm có con.

Phương pháp TTTON (IVF) là phương pháp lấy tinh trùng và trứng ra khỏi cơ thể người, sau đó được xử lý và nuôi cấy trong điều kiện phòng thí nghiệm tạo thành phôi. Phôi hình thành sẽ được chọn lọc để cấy trở lại vào buồng tử cung của người vợ. Phương pháp này sử dụng cho các trường hợp như tắc vòi trứng; lạc nội mạc tử cung; hiếm muộn chưa rõ nguyên nhân; tinh trùng yếu, ít, dị dạng; rối loạn rụng trứng,…

Có thể nói, trước đây để điều trị hiếm muộn hoặc thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm, người dân khu vực Đồng bằng sông Cửu Long phải tìm đến các bệnh viện ở TP.HCM. Kinh phí điều trị đi lại lên tới hàng trăm triệu nhưng không phải ca nào cũng thành công. Những cặp vợ chồng kinh tế khó khăn chẳng may bị vô sinh thì không bao giờ dám mơ đến việc điều trị.

Cảm thông với nỗi lòng của những cặp vợ chồng mong con, Khoa Hiếm Muộn - Bệnh viện Phụ Sản TP. Cần Thơ từ khi ra đời đã thực hiện tốt các kỹ hỗ trợ sinh sản góp phần giảm tải chi phí cao, lãng phí nhiều thời gian, sức khỏe, tiền bạc cho các gia đình có nhu cầu điều trị hiếm muộn trong thành phố và khu vực ĐBSCL. Cho đến nay, khoa Hiếm Muộn đã thực hiện thành công hầu hết các kỹ thuật do BV tuyến trung ương triển khai với tỷ lệ thành công khoảng 45% và tạo được nhiều tình cảm tốt đẹp, sự tin tưởng của các cặp vợ chồng từ nhiều tỉnh thành khác nhau đến khám và điều trị.

Video: Hệ thống Bò sạch tại Cần Thơ

Nguồn Gia Đình VN: http://www.giadinhvietnam.com/benh-vien-phu-san-can-tho-thuc-hien-thanh-cong-ca-sinh-tu-phuong-phap-ttton-d121670.html