Bệnh viện mất an toàn, gia đình bệnh nhân như 'cá trên thớt'

Vụn vặt thì 'mua số' thứ tự khám bệnh, 'đường đi' khám nhanh, đỡ mất thời gian, bảo kê taxi, đánh bác sĩ, hành hung bệnh nhân; lớn thì buôn bán nội tạng, tinh trùng…

Dẫu biết rằng, dùng bao nhiêu ngôn từ xấu nhất trong từ điển Tiếng Việt cũng không đủ dành cho những kẻ lừa đảo, nhất là với những trường hợp “ra tay” ngay trên nỗi đau thấu trời của người khác.

Cũng có người nói rằng, chửi phường trộm cướp không khác gì nói cho mình nghe, bởi vì còn có thanh niên thiếu vài chục nghìn đồng chơi game sẵn sàng vung dao giết chết bà ngoại; anh em, cha con còn “búa rìu” với nhau huống hồ thiên hạ!

Trong ánh đèn led lấp lánh phả xuống phố từ những tòa nhà chọc trời, trong sự hào nhoáng có vẻ văn minh lịch sự của phố phường đang nuôi dấu bao nhiêu con người khô cằn lòng trắc ẩn?

Rất xin lỗi phải nhắc lại câu chuyện liên quan đến những nạn nhân trong vụ tại nạn giao thông xảy ra ở Điện Bàn (Quảng Nam). Không ai nghĩ trong nỗi đau bao trùm lại xuất hiện kẻ lừa đảo mạo danh người nhà nạn nhân nhận tiền ủng hộ sau đó bỏ trốn. Vụ việc vừa xảy ra tại bệnh viện Đà Nẵng.

An ninh trong bệnh viện đã nhiều lần "rung chuông"

Thật không hay cho ngành y tế nếu quy kết rằng, bệnh viện là nơi lý tưởng của các băng nhóm tội phạm, lừa đảo, nhưng không thể nói khẳng định đó là sai sự thật. An ninh bệnh viện nhiều lần "rung chuông" báo động, nhưng không biết tình hình được cải thiện đến đâu.

Vụn vặt thì “mua số” thứ tự khám bệnh, "đường đi" khám nhanh, đỡ mất thời gian, bảo kê taxi, đánh bác sĩ, hành hung bệnh nhân; lớn thì buôn bán nội tạng, tinh trùng…

Bệnh viện dường như là nơi không thể kiểm soát lượng người ra vào, ai cũng có thể là “người nhà bệnh nhân” đang nằm đâu đó trong hàng chục dãy nhà, hàng trăm phòng bệnh.

Bệnh viện là nơi không thể tốt hơn để mạo danh, lừa đảo, nhất là khi con người ta rơi vào trạng thái mệt mỏi, hoang mang. Quá xa xỉ nếu đặt vấn đề lương tâm đạo đức với kẻ trộm, cướp, giật bằng mọi thủ đoạn, chẳng khác nào đàn gảy tai trâu.

Vụ lừa đảo xảy ra ở một bệnh viện nổi tiếng miền Trung khiến tôi cứ ám ảnh mãi. Người mẹ già ở miền núi một tỉnh lẻ bán hết thóc lúa, gà lợn mang tiền vào bệnh viện chạy chữa cho đứa con trai bị tai nạn giao thông đang nguy kịch.

Tối hôm đó bà trải chiếu ngủ ngoài hành lang phòng bệnh, xung quanh rất nhiều người, không biết đâu thật đâu giả. Sáng sớm - tôi lúc đó là một bệnh nhân, nghe tiếng khóc gào huyên náo thật thảm thương. Bọc tiền đã biến đi đâu trong lúc ngủ!

Bà mẹ nghèo không một xu mua cháo, những ai biết chuyện đều ủng hộ chút tiền, sau vài hôm đứa con trai cũng mất. Đó không phải là trường hợp cá biệt.

Đối với những người từng dính quả lừa trong bệnh viện thì nơi này thật kinh khủng, những khẩu hiệu “từ mẫu”, “lương y” mất hút tận đâu trong khung cảnh búa xua người và người.

Bảo vệ an toàn cho gia đình bệnh nhân khó đến vậy sao? Khi mà các băng nhóm tội phạm ngang nhiên hoành hành, lực lượng bảo vệ không đủ nghiệp vụ để trị đạo chích, cần thiết phải có lực lượng công an chính quy ẩn mình.

Ngoài nỗi lo bệnh tật, tiền bạc, người nhà bệnh nhân còn đối mặt với nhiều nguy hiểm, có thể trở thành nạn nhân bất cứ lúc nào, nhất là những bệnh viện lớn.

An ninh bệnh viện không biết có trở thành chương trình nghị sự hàng năm của Bộ Y tế, hay vẫn cứ mãi chứng kiến đạo tặc xà xẻo vào nỗi đau của gia đình bệnh nhân?

Trương KhắcTrà

Nguồn DĐDN: http://enternews.vn/benh-vien-mat-an-toan-gia-dinh-benh-nhan-nhu-ca-tren-thot-133679.html