Bệnh viện K sẽ sớm ứng dụng phẫu thuật robot trong điều trị ung thư

Viện Ung thư châu Âu, viện đầu tiên trên thế giới sử dụng phẫu thuật robot sẽ chuyển giao kỹ thuật phẫu thuật robot cho các bác sĩ Việt Nam tại Bệnh viện K.

Ngày 24/10, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Y tế PGS.TS. Nguyễn Thị Kim Tiến tiếp GS. Peter Boyle, Chủ tịch Viện Nghiên cứu dự phòng quốc tế- iPRI (Lyon, Pháp), Giám đốc danh dự của Viện Ung thư châu Âu. Cùng đi với ông có GS.TS. Trần Văn Thuấn, Giám đốc Bệnh viện K, GS.Peter Boyle đến chào xã giao Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, thăm và làm việc tại Bộ Y tế trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại 3 nước Đông Dương của ông.

GS. Peter Boyle là đồng sáng lập và nguyên Viện trưởng Viện Ung thư châu Âu (IEO) ở Milan, Italia. Ông cũng từng là nguyên Giám đốc Cơ quan nghiên cứu ung thư quốc tế (IARC) của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Tại buổi tiếp, Giáo sư Peter Boyle đã báo cáo với Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến về tình hình hợp tác giữa Viện nghiên cứu dự phòng quốc tế Lyon với Việt Nam trong phòng chống ung thư.

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến chụp ảnh lưu niệm cùng GS. Peter Boyle, Chủ tịch Viện Nghiên cứu dự phòng quốc tế- iPRI (Lyon, Pháp), Giám đốc danh dự của Viện Ung thư châu Âu

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã chia sẻ với GS. Peter Boyle về chương trình phòng chống ung thư thông qua chiến lược quốc gia phòng chống ung thư, tim mạch, đái tháo đường (các bệnh không lây nhiễm) của Việt Nam. Bộ trưởng cũng cảm ơn các khuyến nghị của GS trong khuôn khổ hợp tác với Đông Dương trong phòng chống ung thư.

Bộ trưởng cho biết, Việt Nam đã có các bước tiến trong dự phòng ung thư, giảm nhẹ các yếu tố hàng đầu nguy cơ gây ung thư như giảm tỷ lệ hút thuốc lá thông qua Quỹ Phòng chống Thuốc lá. Việt Nam cũng đã đoạt giải thưởng quốc tế về kiểm soát thuốc lá của Bloomberg ở Nam Phi vào tháng 8 năm nay. Chế độ dinh dưỡng giảm béo, giảm đường trong Chương trình dinh dưỡng quốc gia; các chương trình tăng cường vận động tập thể dục, yoga, thiền, đi bộ nằm trong chiến lược phòng chống các bệnh không lây nhiễm quốc gia. Ngoài ra, Bộ trưởng cũng nhất trí với GS về việc chú trọng vào tầm soát và phát hiện sớm bệnh ung thư.

Chuyển giao kỹ thuật phẫu thuật robot từ Viện Ung thư châu Âu cho Bệnh viện K trong điều trị ung thư

GS. Peter Boyle đến Việt Nam từ năm 2010 và hỗ trợ Bệnh viện K trong việc xây dựng kế hoạch và tầm soát ung thư quốc gia. Cụ thể, giáo sư đã có các hoạt động như báo cáo tại Hội nghị quốc gia phòng chống ung thư trong đó tập trung vào nội dung dịch tễ học, sàng lọc phát hiện sớm ung thư. Hàng năm, giáo sư tổ chức Hội nghị Viện trưởng các Viện ung thư quốc tế tại Lyon, Pháp để trao đổi kinh nghiệm và tiến bộ đạt được trong dự phòng & kiểm soát ung thư. Ngoài sáng kiến về xuất bản ấn phẩm “Bản đồ ung thư Đông Dương”, tháng 4/2018 diễn ra lễ ký Biên bản ghi nhớ giữa iPRI, Viện Ung thư Quốc gia Việt Nam và Bệnh viện Mittaphab (Lào) về hỗ trợ đào tạo, hợp tác nghiên cứu giữa 3 viện nghiên cứu. Tháng 7/2018, GS đã đề xuất về hỗ trợ đào tạo & chuyển giao kỹ thuật phẫu thuật robot cho các bác sĩ Việt Nam tại Bệnh viện K. Viện Ung thư châu Âu là Viện đầu tiên trên thế giới sử dụng phẫu thuật robot, tại đây cũng có trường chuyên về đào tạo robot.

GS. Peter Boyle sẽ thăm Lào và Campuchia cùng với lãnh đạo Bệnh viện K, Viện Ung thư Quốc gia, đặc biệt là Bệnh viện Mittaphab, Bệnh viện Calmette, Trung tâm Ung thư Quốc gia Lào và Bộ Y tế Campuchia trong thời gian 25-26/10/2018.

Dự kiến, Bệnh viện K và Viện Ung thư châu Âu sẽ ký kết biên bản hợp tác đào tạo về phẫu thuật robot, xạ trị vào tháng 12 này ở Milan, Italia.

GS. Peter Boyle, Chủ tịch Viện Nghiên cứu dự phòng quốc tế- iPRI (Lyon, Pháp), Giám đốc danh dự của Viện Ung thư châu Âu

Giáo sư Peter Boyle là Giám đốc đầu tiên của Đại học Strathclyde - Viện Y tế Công cộng Toàn cầu tại iPRI, đặt cơ sở tại ở Lyon và Glasgow.

Ông đã lãnh đạo dự án EUROCAN + PLUS đã phát triển các ưu tiên cho việc phối hợp nghiên cứu ung thư ở châu Âu và là Tổng biên tập của World Cancer Report 2008vàState of Oncology 2013nhằm nhấn mạnh sự gia tăng của cuộc khủng hoảng ung thư toàn cầu. Các ấn phẩm gần đây State of Oncology in Africa 2015và bộ phim Cancer is … Attacking Africa, nhấn mạnh sự cần thiết phải hành động phòng chốngcác bệnh mãn tính ở các nước có thu nhập thấp. Ông cũng chịu trách nhiệm trong việc đưa ra các Khuyến nghị Phòng chống Ung thư Châu Âu.

IEO (Viện Ung thư châu Âu) là một trong những bệnh viện uy tín nhất thế giới và là trung tâm ung thư toàn diện phát triển nhanh nhất ở châu Âu. IEO tích hợp các lĩnh vực khác nhau liên quan đến phòng chống ung thư như dự phòng, chẩn đoán, điều trị, đào tạo, nghiên cứu cơ bản và ứng dụng.

Với một cơ sở vật chất rộng lớn đặt tại Milan, Ý, Viện IEO tập hợp hơn 1500 chuyên gia với cam kết vừa nghiên cứu khoa học, vừa chăm sóc bệnh nhân; đồng thời tạo một môi trường tích hợp cả điều trị, nghiên cứu và giảng dạy. Các nhà nghiên cứu lâm sàng hàng đầu thế giới làm việc trên nhiều lĩnh vực khác nhau để chuyển các kết quả nghiên cứu thành những phác đồ chẩn đoán và điều trị mới cho bệnh nhân. Một chủ đề nghiên cứu chính là liên kết kiến thức về các gen gây ung thư cho việc khám phá và thử nghiệm các liệu pháp mới, liên quan đến cả thuốc dạng phân tử nhỏ và phương pháp miễn dịch. Các chủ đề chính khác liên quan đến việc phát triển các chiến lược y học cá thể bằng cách sử dụng các nghiên cứu di truyền, dịch tễ học và dân số để xác định nguy cơ và điều trị lý tưởng cho từng bệnh nhân.

Nguồn SK&ĐS

Nguồn TBDN: http://tbdn.com.vn//benh-vien-k-se-som-ung-dung-phau-thuat-robot-trong-dieu-tri-ung-thu_n42286.html