Bệnh viện K bác thông tin 'Đừng điều trị nếu bị ung thư'

Một số trang mạng không chính thống đang lan truyền nhau cách điều trị ung thư. Điều đáng nói, trong các thông tin đưa ra lại khuyên người bệnh: 'Đừng điều trị nếu bị ung thư'; 'Ung thư đừng vội phẫu thuật'...

Nhiều thầy lang quảng cáo thuốc lá chữa được ung thư. Ảnh NLĐ

Bài viết còn nói rõ các dẫn chứng từ đất nước Nhật Bản để lấy lòng tin của người bệnh. Chẳng hạn, với bệnh ung thư vú, thông tin lan truyền cho rằng “Không cần cắt bỏ ung thư vú mà tự khỏi”.

Thông tin điều trị ung thư lan truyền trên mạng

Tuy nhiên, PGS.TS Trần Văn Thuấn - Giám đốc BV K Trung ương khẳng định: Đây là những phát biểu không có cơ sở khoa học, đi ngược lại nền tri thức khoa học y học đã được nghiên cứu, tổng kết và kiểm chứng qua hàng trăm năm. Đây chính là mặt trái của thời đại bùng nổ thông tin khi các nguồn tin không đúng có thể dễ dàng được lan truyền gây ra nhiều hệ lụy tiêu cực vì không phải ai cũng có năng lực nhận định và kiểm chứng thông tin.

Trên thực tế, tại Việt Nam đã có không ít trường hợp nghe rỉ tai nhau bỏ điều trị ung thư theo phương pháp khoa học, tìm đến thầy lang dùng thuốc lá. Đến khi bệnh quá nặng mới tới bệnh viện thì đã quá muộn.

TS.BS Phạm Thị Việt Hương, khoa Nhi, BV K Trung ương từng tiếp nhận nhiều bệnh nhân đến viện trong tình trạng sức khỏe quá yếu do điều trị ung thư bằng theo thầy lang. Như trường hợp bệnh nhi Phạm Đạt Bảo L. sinh năm 2012, tại Hải Dương đang điều trị u nguyên bào thần kinh, với khối u 8cm đã di căn.

Các bác sĩ xác định đây là bệnh nhạy cảm với hóa trị, nếu truyền hóa chất vào là u có thể tan được. Thế nhưng, người nhà quyết định cho bé về chữa thuốc nam của thầy lang. Bệnh không đỡ, sức khỏe bé L. suy kiệt, khối u to lên. Sau 2 tháng, giờ u to đến nỗi chiếm hết ổ bụng, vượt quá đầu dò siêu âm không đo được kích thước. Bé L. trong tình trạng suy kiệt da bọc xương, không thở nổi, rất đáng thương, tiên lượng xấu.

Trở lại với thông tin trên mạng, PGS.TS Trần Văn Thuấn cho biết thêm, trong y học thực chứng thì những ý kiến cá nhân theo kinh nghiệm chủ quan của các bác sĩ, chuyên gia là có giá trị thấp nhất trong khoa học, vì không cung cấp một bằng chứng khách quan nào, mà chỉ là những ý kiến cá nhân. Ý kiến cá nhân không dựa trên dữ liệu khoa học thì thường mang tính chủ quan, cảm tính, kinh nghiệm chủ nghĩa.

Đó là chưa kể một số chuyên gia phát ngôn nhằm mục đích phục vụ, mưu cầu lợi ích cá nhân chứ không vì khoa học. Khi có chẩn đoán ung thư vú, người bệnh cần thông minh và sáng suốt, đến các cơ sở khám chữa bệnh ung thư chính thống và chuyên khoa. Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần kiểm tra xem đúng nguồn thông tin đó từ bác sĩ điều trị ung thư hay không?

Tỷ lệ chữa khỏi ung thư phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bên cạnh giai đoạn bệnh là yếu tố then chốt phải kể tới loại ung thư, độ ác tính của từng trường hợp, thể trạng người bệnh, bệnh phối hợp…

LH

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/suc-khoe/benh-vien-k-bac-thong-tin-dung-dieu-tri-neu-bi-ung-thu-570756.ldo