Bệnh viện Giao thông Vận tải: Cổ đông thoái lui, thua lỗ kéo dài

Cổ đông chiến lược đồng loạt thoái lui; đà thua lỗ lớn kéo dài là các vấn đề vượt quá tầm kiểm soát của những người vốn chỉ quen với tấm áo blouse trắng.

2 năm 1 kỳ đại hội

Cho đến thời điểm này, kế hoạch tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2018 của Công ty cổ phần Bệnh viện Giao thông Vận tải (GTVT) vẫn chưa thể chốt lịch bất chấp sự thúc giục của Bộ GTVT.

Giữa tháng 7, Bộ GTVT đã phát công văn hỏa tốc, yêu cầu người đại diện phần vốn nhà nước tại Công ty khẩn trương triển khai các thủ tục triệu tập, tổ chức cùng các tài liệu liên quan sẽ được biểu quyết tại Đại hội, trình Bộ này xem xét, trước khi thông báo họp Đại hội.

Bệnh viện Giao thông Vận tải nằm tại vị trí "đất vàng" - ngõ 84 Phố Chùa Láng, Láng Thượng, Đống Đa, Hà Nội

Bệnh viện Giao thông Vận tải nằm tại vị trí "đất vàng" - ngõ 84 Phố Chùa Láng, Láng Thượng, Đống Đa, Hà Nội

Đây đã là lần thứ 2 trong năm 2018 và lần thứ 7 tính từ khi Bệnh viện GTVT hoạt động theo mô hình công ty cổ phần (từ tháng 1/2016), Bộ GTVT phải thúc người đại diện phần vốn Nhà nước và HĐQT Công ty cổ phần tổ chức các Đại hội cổ đông thường niên.

Hồi cuối tháng 3/2018, Bộ GTVT cũng đã phải chỉ đạo người đại diện phần vốn nhà nước tại Công ty khẩn trương thực hiện ngay việc tăng vốn điều lệ, giao dịch cổ phiếu trên sàn giao dịch chứng khoán upCoM và tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên.

“Trường hợp HĐQT, Ban Kiểm soát không triệu tập Đại hội đồng cổ đông theo quy định, người đại diện phần vốn nhà nước thực hiện quyền của mình theo quy định tại điểm c khoản 4 Điều 21 Điều lệ tổ chức và hoạt động của Công ty”, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công chỉ đạo.

Trên thực tế, nếu thống nhất được ngày Đại hội đồng cổ đông thường niên 2018, nhóm Người đại diện phần vốn Nhà nước do TS. bác sỹ Trần Trung đứng đầu, hiện đang nắm giữ chức vụ Tổng giám đốc Bệnh viện sẽ phải trình các cổ đông thông qua chủ trương tăng vốn điều lệ theo phương án điều chỉnh tăng phần vốn Nhà nước tương ứng với giá trị còn lại của Dự án ODA xây dựng tòa nhà Bệnh viện (ngoại trừ phần giá trị đã được tính vào kết quả xác định giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa) và sẽ thực hiện trước các đợt tăng vốn điều lệ khác của Công ty cổ phần.

Tính toán của Bộ GTVT, vốn điều lệ của Công ty cổ phần sẽ tăng từ 168 tỷ đồng lên 391,4 tỷ đồng, trong đó phần vốn của Nhà nước là khoảng 278,4 tỷ đồng, tức là sẽ tăng từ mức 30% hiện nay lên 71,12% vốn điều lệ sau khi hạch toán các chi phí.

Nhà đầu tư "tháo chạy"

Tại Quyết định 1129/2015/QĐ-TTg quy định, vốn điều lệ sẽ được điều chỉnh tăng phần vốn nhà nước tương ứng giá trị quyết toán dự án ODA tòa nhà Bệnh viện, đồng thời, sẽ tiếp tục bán phần vốn nhà nước để duy trì tỷ lệ vốn điều lệ mà Nhà nước nắm giữ tại Công ty cổ phần Bệnh viện GTVT là 30%”.

Việc tỷ lệ nắm giữ của Nhà nước tại Công ty cổ phần Bệnh viện GTVT là 70% vốn điều lệ, thay vì 30% như khi thông báo bán đấu giá khiến nhiều nhà đầu tư muốn rút lui.

Tuy nhiên, vì một số lý do khách quan, việc thoái vốn cho nhà đầu tư chiến lược đã không được thể thực hiện đúng lộ trình cam kết. Trong Thông báo số 157/TB-VPCP ngày 3/5/2018 về thực hiện phương án thí điểm cổ phần hóa Bệnh viện GTVT Trung ương, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Bộ GTVT chỉ đạo Người đại diện phần vốn nhà nước tại Công ty cổ phần Bệnh viện GTVT thực hiện giữ nguyên tỷ lệ vốn nhà nước tại Công ty sau khi điều chỉnh tăng vốn điều lệ tương ứng với phần tăng vốn nhà nước được xác định sau khi quyết toán Dự án ODA tòa nhà Bệnh viện.

Như vậy, tỷ lệ nắm giữ vốn điều lệ của nhóm cổ đông còn lại, bao gồm cả cổ đông chiến lược là Tập đoàn T&T sau khi tiến hành tăng vốn điều lệ sẽ giảm xuống chỉ còn chưa đầy 30%.

Ông Nguyễn Chí Th. - cổ đông sở hữu 1.325.200 cổ phần đã trở thành nhà đầu tư mới nhất xin rút vốn tại Công ty với lý do, “cam kết Nhà nước luôn chỉ giữ 30% vốn điều lệ không được thực hiện đúng như hồ sơ thông báo đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng”. Nhà đầu tư này đề nghị cơ quan Nhà nước mua lại toàn bộ số cổ phần mà nhà đầu tư sở hữu với giá trúng đấu giá là 17.200 đồng/cổ phần, tương ứng với 23,2544 tỷ đồng và thanh toán tiền lãi phát sinh theo lãi suất tiền gửi không kỳ hạn của ngân hàng.

Tháng 6/2018, cũng với lý do tương tự, cổ đông chiến lược được lựa chọn là Tập đoàn T&T đã kiến nghị Nhà nước mua lại toàn bộ 5.040.000 cổ phần bán cho cổ đông chiến lược với giá đã mua là 11.000 đồng/cổ phần, tương đương 55,44 tỷ đồng, theo hợp đồng mua bán cổ phần ký kết ngày 6/10/2015.

Tập đoàn T&T cũng muốn Nhà nước mua lại toàn bộ 3.600.000 cổ phần chào bán lần đầu của Bệnh viện GTVT tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội mà nhà đầu tư này trúng đấu giá với giá 26.000 đồng/cổ phần.

Tổng giá trị của 2 lô cổ phần nói trên mà T&T muốn Nhà nước mua lại khoảng 149 tỷ đồng. Số tiền này chưa tính khoản lãi phát sinh mà các cơ quan quản lý nhà nước sẽ phải trả cho T&T tính từ ngày nhà đầu tư thanh toán cho bên bán cho đến ngày họ nhận được số tiền hoàn trả.

Việc các nhà đầu tư liên tục trong trạng thái bất ổn và hiện đã lên kế hoạch rút vốn đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của Công ty cổ phần Bệnh viện GTVT.

Kết quả kinh doanh của Công ty hiện khá bi đát. Năm 2016 lỗ 26,6 tỷ đồng; năm 2017 lỗ 32 tỷ đồng và dự báo chưa thể sáng sủa trong thời gian tới với các vấn đề hiện nay.

Anh Minh

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/benh-vien-giao-thong-van-tai-co-dong-thoai-lui-thua-lo-keo-dai-d85498.html