Bệnh viện FV thông tin về sự việc bệnh nhân 'tố' bác sĩ tắc trách

Ngày 27-6, Bệnh viện FV (Quận 7, TP.HCM) đã có thông tin chính thức khẳng định về nội dung một bệnh nhân lên mạng xã hội 'tố' bác sĩ Bệnh viện FV chẩn đoán và điều trị không đúng là không chính xác.

Theo đó, những ngày qua, trên mạng xã hội có một tài khoản có nickname C.N (là bệnh nhân) phản ánh, sáng ngày 19-6, người này đến Bệnh viện FV khám thì được bác sĩ chuẩn đoán không có thai, chỉ ứ dịch tử cung cho kê toa về uống. Nhưng đến tối, bệnh nhân quay lại bệnh viện này thì bác sĩ nói bị “băng huyết do sảy thai”.

Kết luận của HĐ chuyên môn được BV FV tóm lược trong thông cáo báo chí.

Kết luận của HĐ chuyên môn được BV FV tóm lược trong thông cáo báo chí.

Đặc biệt, bệnh nhân này còn chỉ ra rằng: Theo toa chỉ định của bác sĩ H, người này đã uống 2 viên Misoprostol Stada 200 mg và một viên Tranexamix acid 500mg dẫn đến sau đó chị đau bụng, tử cung co thắt dữ dội, đi vệ sinh ra một khối máu cục. Tiếp đó, máu bắt đầu ra âm ỉ.

23g cùng ngày, bệnh nhân được chồng đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện FV. Tại đây, bác sĩ chuẩn đoán bệnh nhân bị “băng huyết do sảy thai”, thử nghiệm nước tiểu cho kết quả có thai và tiến hành mổ cấp cứu.

Theo thông cáo báo chí của Bệnh viện FV: Khoảng 3 đến 4 tuần trước khi đến Bệnh viện FV (cuối tháng 5 hoặc đầu tháng 6), bệnh nhân đã dùng thuốc ngừa thai khẩn cấp sau khi quan hệ tình dục. Những tuần sau đó, bệnh nhân bị chảy máu bất thường. Sáng ngày 19-6, bệnh nhân quyết định đến Bệnh viện FV khám và được bác sĩ Khoa sản L.T.H. chỉ định làm 2 khảo sát sau:

Xét nghiệm thử thai nhanh bằng nước tiểu (que thử thai), kết quả âm tính (xét nghiệm thử thai nhanh bằng nước tiểu không có độ chính xác 100%).

Và siêu âm, được bác sĩ N.T.N., chuyên gia siêu âm thai, thực hiện, có sự hiện diện của bác sĩ H. Kết quả siêu âm cho thấy “không có túi thai” (dĩ nhiên không có phôi thai) mà có túi dịch, nhiều khả năng là máu đông.

Bác sĩ quyết định tháo lưu máu trong lòng tử cung, hoặc bằng phương pháp hút hoặc bằng thuốc Misoprostol, một loại prostaglandin, để tử cung co bóp tống máu ra ngoài. Bệnh nhân muốn dùng thuốc Misoprostol vì lo ngại phương pháp hút gây đau.

Bác sĩ H. đã kê toa Misoprostol. Sau đó, bệnh nhân đã được giải thích rõ rằng, nếu tình trạng chảy máu vừa phải thì không cần quay lại bệnh viện, nếu chảy máu nhiều thì bệnh nhân phải quay lại bệnh viện ngay. Misoprostol có tác dụng sau vài giờ. Bệnh nhân bắt đầu chảy máu nhiều vào tối muộn và quay lại bệnh viện lúc 11g30 đêm cùng ngày (19-6).

Lúc đó, xét nghiệm thử thai nhanh bằng nước tiểu có kết quả dương tính. Bệnh nhân đã được thăm khám bởi bác sĩ trực Khoa sản, bác sĩ N.T.T.M, và được điều trị bằng hút lòng tử cung cầm máu. Bệnh nhân ngưng xuất huyết sau đó và nằm viện vài ngày trước khi xuất viện.

Thực tế là khi bác sĩ H. thăm khám cho bệnh nhân vào buổi sáng, bác sĩ không thể nói với bệnh nhân là bệnh nhân có thai (bởi vì kết quả xét nghiệm thai nhanh qua nước tiểu là âm tính). Tuy nhiên, vì có tụ dịch máu trong tử cung nên bác sĩ phải quyết định điều trị tháo lưu máu – đó là quyết định đúng.

Nếu như xét nghiệm thai nhanh bằng nước tiểu được thực hiện vào buổi sáng cho kết quả là dương tính, thì bác sĩ đã có thể thông báo là bệnh nhân có thai và thai đã bị hư, nguyên nhân có thể do bệnh nhân đã dùng thuốc ngừa thai khẩn cấp vài tuần trước đó. Trong trường hợp này, bác sĩ cũng sẽ quyết định điều trị như vậy: Đây là một tình trạng thai đã hư gây tụ dịch máu trong lòng tử cung, vì vậy cần phải điều trị để tháo lưu máu.

Nói cách khác, cho dù kết quả thử thai là dương tính hay âm tính, việc điều trị vẫn không thay đổi, đây là một trường hợp thai đã hư và cần phải được chấm dứt.

Đồng thời, để đảm bảo tính khách quan, Bệnh viện đã thành lập và tổ chức họp Hội đồng chuyên môn cấp cơ sở, có sự tham gia của các thành viên độc lập là những chuyên gia đầu ngành, có uy tín, chuyên khoa phụ sản và chẩn đoán hình ảnh trong cộng đồng y khoa là Ban giám đốc Bệnh viện Từ Dũ.

Sau khi có kết luận của Hội đồng chuyên môn này, Bệnh viện FV gồm bác sĩ và Ban giám đốc đã liên lạc với chồng của bệnh nhân qua điện thoại tỏ thiện chí và khuyên bệnh nhân đến Bệnh viện FV để bệnh nhân tiếp tục được theo dõi và điều trị cho đến khi bình phục. Tuy nhiên FV chưa nhận được phản hồi từ phía bệnh nhân.

Đại diện Bệnh viện FV cho rằng, việc bác sĩ điều trị cho bệnh nhân này là đúng, nhưng khi trở về nhà bệnh nhân đăng trên trang cá nhân bóp méo, ảnh hưởng đến uy tín của bệnh viện.

“Tôi không còn lựa chọn nào khác là phải tiết lộ thông tin y khoa của bệnh nhân C. để bảo vệ quyền lợi của hàng nghìn bệnh nhân và nhân viên đang làm việc tại đây”, bác sĩ Jean – Marcel Guillon, Giám đốc Bệnh viện FV khẳng định.

Hiện Bệnh viện FV đang làm báo cáo gửi Sở Y tế TP.HCM và Bộ Y tế để báo cáo thông tin chính thức sự việc này.

Hà Kiều

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/benh-vien-fv-thong-tin-ve-su-viec-benh-nhan-to-bac-si-tac-trach-117834.html