Bệnh viện đưa vụ nhầm con ra tòa: Không thể phủi tay

Luật sư đã phân tích về các tình huống trước việc Bệnh viện Đa khoa huyện Ba Vì đưa vụ việc trao nhầm con ra tòa, giải quyết theo pháp luật.

Liên quan đến vụ việc trao nhầm con tại Ba Vì 6 năm qua, phía Bệnh viện (BV) Đa khoa huyện Ba Vì (Hà Nội) cho rằng quỹ đền bù rủi ro của BV khó đáp ứng được yêu cầu của gia đình hai bên nên chưa thống nhất việc bồi thường.

Đồng thời, BV đã có công văn gửi TAND huyện Ba Vì xem xét giải quyết vụ việc theo pháp luật.

"Bệnh viện đã nhận lỗi"

Trao đổi với PV trước thông tin này, Luật sư Bùi Trường - công ty luật Phạm Vũ - Đoàn luật sư Thành phố Hà Nội đánh giá, đây là một vụ việc được dư luận hết sức quan tâm và không ai mong muốn.

LS Trường cho rằng, cần phải xác định rõ 2 nữ y tá chỉ là vô tình chứ không phải cố ý làm việc thất đức này. Nhưng dù vô tình hay cố ý thì luật pháp đều quy định rất rõ việc xử lý trong tổ chức, còn nếu có dấu hiệu cố ý tráo đổi thì sẽ xử lý về hình sự.

"Phải trong hoàn cảnh đó mới hiểu nỗi khổ của họ. Vợ chồng phải ly hôn, ảnh hưởng tâm lý, đau buồn không làm ăn được, tiền đi đi lại lại giải quyết sự việc, tiền xét nghiệm ADN,...Thiệt hại ở đây có thể căn cứ theo những điều thực tế đó.

Theo quan điểm của tôi, để bồi thường cho 2 gia đình này thì tiền tỷ cũng không lại được. Tuy nhiên, tất cả phải theo quy định, chứ không phải muốn đòi hỏi bao nhiêu cũng được.

Bệnh viện Đa khoa Ba Vì đưa sự việc ra tòa

Bệnh viện Đa khoa Ba Vì đưa sự việc ra tòa

Trong trường hợp này, BV có thể xuống động viên tinh thần, xin lỗi 2 gia đình để tìm được biện pháp hòa giải với nhau. Sau đó tất nhiền phải bồi thường 1 khoản nào đó, ít nhất mỗi gia đình khoảng 200 triệu đồng. Trước mắt BV phải lo được những khoản đó chứ không thể nói rằng không đủ khả năng chi trả.

Còn thực sự nếu xét theo luật thì rất khó, vì luật yêu cầu làm rõ thiệt hại thực tế là những thiệt hại gì", LS Trường thẳng thắn đưa ra ý kiến.

Trước một số ý kiến lo ngại về việc nếu đưa vụ việc ra tòa, không chứng minh được thiệt hại thực tế, hai gia đình bị trao nhầm con có thể khó nhận được khoản bồi thường, LS Trường gạt đi: "Không thể nói thế được, nói như vậy là phủi tay".

"Bây giờ phải xác định lỗi trong vụ việc. BV đã đứng ra nhận lỗi, cả hai nữ hộ sinh cũng thừa nhận. Theo luật dân sự, lỗi của ai thì xử lý người đấy, chứ không có chuyện phủi trách nhiệm đi được.

Không phải là không bồi thường được, chỉ vấn đề là bồi thường bao nhiêu thôi. Trong quy định có 2 loại bồi thường là thiệt hại là thực tế xảy ra và thiệt hại không thể tính thực tế, không đong đếm được", vị luật sư nhấn mạnh.

LS Trường phân tích thêm, hiện nay hai gia đình đang chịu nhiều bức xúc, bất bình thì BV có thể chủ động làm việc tìm tiếng nói chung nhất định, không nhất thiết phải dẫn ra tòa. Như vậy thì hay hơn rất nhiều. Còn để đến việc ra tòa thì khi tranh chấp sẽ khiến cả 2 bên rất mệt mỏi.

Khó xác định con số bồi thường chính xác

Cùng trao đổi về sự việc, LS Trần Thu Nam - Văn phòng luật sư Tín Việt và Cộng sự (Đoàn luật sư thành phố Hà Nội) xác định, trong vụ việc này rất khó để xác định con số bồi thường chính xác kể cả khi đưa ra Tòa.

LS Nam cho biết, theo quy định của bộ luật dân sự năm 2015, thì một số trường hợp phải bồi thường tổn thất về tinh thần, trong đó việc xúc phạm danh dự, nhân phẩm, nhân thân,...không có quy định về việc bồi thường trao nhầm con.

"Điều 598 có quy định việc bồi thường do người thi hành công vụ gây ra. Nhưng y tá ở đây có được coi là người thi hành công vụ hay không? Thứ 2 đó là việc xác định tổn thất ở đây là tổn thất gì? Tổn hại ở đây là tổn hại về tinh thần thôi còn không có nhiều thiệt hại về vật chất.

Trong câu chuyện này việc đánh giá về thiệt hại là cực kỳ khó, bởi vì đây là trường hợp cực kỳ hy hữu. Luật cũng không thể lường trước được câu chuyện như vậy", vị LS đánh giá.

LS Nam tiếp tục phân tích: "Cái khó là đánh giá thiệt hại và căn cứ vào điều luật nào để bồi thường. Hơn nữa, việc này còn liên quan đến cả nhân thân, vấn đề khai sinh, chuyển đổi họ tên. Bởi, mỗi bé lại khai sinh theo tên, họ của bố mẹ hiện tại. Vậy có thay đổi được giấy khai sinh không?"

Theo LS Thu Nam, hiện tại để đưa ra được mức giá bồi thường bao nhiêu là rất khó, không tìm được quy định nào cụ thể.

"Trong trường hợp này kể cả là tiền của công, BV muốn đền bù cho 2 gia đình nhưng vấn đề là đền bù cho bao nhiêu là đúng? Mà luật lại không quy định. Nếu đền bù sai thì lại phải chịu trách nhiệm.

Thậm chí khi sự việc được đưa ra Tòa, Tòa cũng khó xác định được con số bồi thường cụ thể vì phải xác định được thiệt hại. Thiệt hại về vật chất ở đây hầu như không có, chỉ có thiệt hại về tinh thần", LS Nam nói.

Để xử lý vụ việc này, LS Nam cho rằng không nên đẩy tình huống vào thế quá phức tạp. Vì nó còn liên quan đến phạm trù đạo đức, tình cảm. Hơn nữa đây cũng là 1 tai nạn nghề nghiệp của 2 nữ hộ sinh vì bản thân họ không cố ý.

Bệnh viện nên công khai xin lỗi, nhận trách nhiệm. Còn trong vụ việc này nên giải quyết bằng tình cảm, không nên đưa ra Tòa", vị LS đưa quan điểm cá nhân.

Hoàng Trang

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/benh-vien-dua-vu-nham-con-ra-toa-khong-the-phui-tay-3361830/