Bệnh viện đầu tiên niêm yết trên sàn có gì hấp dẫn?

CTCP Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên (TNH) dự kiến sẽ tăng trưởng tốt về kết quả kinh doanh từ năm 2020 khi các Bệnh viện Yên Bình đi vào hoạt động từ tháng 12/2019 và Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên giai đoạn 2 đi vào hoạt động trong tháng 8/2020.

Giải bài toán tăng trưởng nhờ 2 bệnh viện mới đi vào hoạt động

Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên là một bệnh viện ngoài công lập, bắt đầu hoạt động từ năm 2014, nhằm đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh chất lượng cao của nhân dân ở tỉnh Thái Nguyên và các tỉnh lân cận - khu vực có nhu cầu khám chữa bệnh cao và thường xuyên xảy ra tình trạng quá tải tại các bệnh viện công lập.

Quy mô ban đầu của bệnh viện quốc tế Thái Nguyên chỉ 150 giường bệnh, đến nay, hơn 200 giường bệnh với trang thiết bị y tế, máy móc hiện đại. Trong năm 2019, Bệnh viện đã khám điều trị ngoại trú cho 184.429 người bệnh, điều trị nội trú cho 17.095 người bệnh.

Đứng trước tình trạng quá tải cả về khám và chữa bệnh, TNH đã đầu tư mở rộng công suất phục vụ, hướng đến đáp ứng nhu cầu tăng lên ở các khu vực lân cận tỉnh Thái Nguyên, nhất là nhu cầu của người lao động tại các khu công nghiệp trong địa bàn tỉnh.

TNH đầu tư mở rộng công suất phục vụ trước tình trạng bệnh viện luôn quá tải

Cuối năm 2019, bệnh viện quốc tế Thái Nguyên giai đoạn 2 (tổng mức đầu tư 450 tỷ đồng) và bệnh viện Đa khoa Yên Bình (tổng mức đầu tư hơn 270 tỷ đồng) đi vào hoạt động, bước đầu đón bệnh nhân tới khám chữa bệnh. Cả 2 bệnh viện đều được trang bị thiết bị máy móc hiện đại, thế hệ mới.

180.000 công nhân và cán bộ của Samsung Thái Nguyên sẽ khám chữa bệnh và khám sức khỏe định kỳ tại đây theo hợp đồng ký kết

180.000 công nhân và cán bộ của Samsung Thái Nguyên sẽ khám chữa bệnh và khám sức khỏe định kỳ tại đây theo hợp đồng ký kết

Đáng chú ý, bệnh viện đa khoa Yên Bình quy mô 163 giường bệnh với hơn 4.000 dịch vụ kỹ thuật được Bộ Y tế cấp phép. Đặc biệt, bệnh viện không phân biệt nơi đăng ký ban đầu, không cần giấy chuyển viện, người bệnh được hưởng đầy đủ các chế độ của thẻ Bảo hiểm y tế (BHYT).

Bảng 1: các bệnh viện hiện hữu của TNH đến cuối tháng 6/2020 (nguồn TNH)

Giới đầu tư nhìn nhận, với lợi thế nằm ngay cạnh Khu công nghiệp Yên Bình (nơi nhà máy Samsung tọa lạc) Bệnh viện đa khoa Yên Bình đi vào hoạt động sẽ mang lại nguồn thu lớn, ổn định trong cơ cấu doanh thu, lợi nhuận của TNH.

Hiện TNH đã có trong tay nhờ hợp đồng chính thức với Samsung Thái Nguyên, nhà máy lớn nhất châu Á của Tập đoàn Samsung với 180.000 công nhân và cán bộ trong khu công nghiệp sẽ khám chữa bệnh và khám sức khỏe định kỳ tại đây.

Trong giai đoạn 2016-2019, doanh thu TNH không có nhiều biến động vì bệnh viện luôn ở trạng thái khai thác hết công suất, nhưng cơ cấu doanh thu có sự biến đổi rõ rệt với tỷ trọng doanh thu từ BHYT tăng lên gấp đôi, lên hơn 40 tỷ đồng, nguyên nhân chính là TNH là một trong những bệnh viện ngoài công lập đầu tiên được thông tuyến BHYT.

TNH là bệnh viện ngoài công lập đầu tiên được thông tuyến BHYT

Năm 2019, TNH đạt doanh thu thuần hơn 275 tỷ đồng, tăng 2% so với năm trước. Lợi nhuận sau thuế gần 89 tỷ năm 2019, tăng 9% do tiết giảm chi phí hoạt động. TNH chỉ chịu thuế thu nhập doanh nghiệp 5%. Chi phí tài chính có chiều hướng gia tăng khi TNH phải vay nợ để tài trợ cho hoạt động đầu tư cho 2 bệnh viện kể trên.

Theo đó, với việc 2 bệnh viện trên chính thức đi vào hoạt động, nâng tổng số giường lên khoảng 800, giải quyết được vấn đề tăng trưởng của TNH do bị hạn chế về công suất như các năm trước.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, công ty đạt doanh thu tăng 47% lên 93 tỷ đồng và lợi nhuận tăng 63% lên hơn 32 tỷ đồng.

Tham vọng lớn trở thành một trong những bệnh viện tư nhân lớn nhất Việt Nam

Để tiếp tục tăng khả năng phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh của người dân trên địa bàn Tỉnh và địa phương lân cận, giai đoạn năm 2021-2024, TNH dự kiến tiếp tục đầu tư Bệnh viện đa khoa Yên Bình Thái Nguyên giai đoạn thêm 150 giường bệnh, nâng tổng số giường bệnh của Bệnh viện lên thành 300 giường với tổng mức đầu tư là 498,5 tỷ đồng.

Tham vọng hơn, TNH dự kiến chuyển đổi bệnh viện Thái Nguyên 1 thành bệnh viện chuyên khoa Sản Nhi – trở thành bệnh viên chuyên sản nhi đầu tiên và duy nhất tại tỉnh Thái Nguyên tính đến hiện nay. Đồng thời, có kế hoạch đầu tư xây dựng một bệnh viện mới chuyên khoa Mắt. Và Xây dựng 1 bệnh viện đa khoa quy mô 700-1.000 giường ở phía Tây Hà Nội, tổng mức đầu tư 1.500-2.000 tỷ đồng.

Nguồn vốn dự kiến đến từ vốn tự có, đi vay hoặc phát hành riêng lẻ cho đối tác chiến lược.

TNH dự kiến chuyển đổi bệnh viện Thái Nguyên 1 thành bệnh viện chuyên khoa Sản Nhi

Trong giai đoạn 2016-2018, tổng tài sản không biến động nhiều, và chỉ tăng mạnh trong năm 2019 (tăng 70,9% so với năm 2018) khi TNH xây dựng Bệnh viện Đa khoa Yên Bình và giai đoạn 2 Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên, đạt mức 880 tỷ đồng tại thời điểm 31/12/2019. Tổng nợ vay ở mức 312 tỷ đồng (trong đó nợ vay dài hạn chiếm 80%) và vốn chủ sở hữu đạt 528 tỷ đồng. Tỷ lệ Nợ vay trên vốn chủ sở hữu ở mức 0,75 lần do tăng vay nợ để tài trợ cho hoạt động đầu tư xây mới 2 bệnh viện và mua sắm trang thiết bị y tế.

Quy mô TNH sẽ lớn mạnh hơn khi công ty thực hiện các kế hoạch đầu tư mở rộng trên, đi kèm đó là dư địa tăng trưởng tốt khi mà hiện nay, 3 cơ sở bệnh viện của TNH chỉ mới đáp ứng được khoảng 1/3 nhu cầu khám chữa bệnh quanh vùng.

Giá trị sổ sách tại thời điểm cuối năm 2019 là 12.730 đồng/cổ phiếu, EPS đạt 2.141 đồng/cổ phiếu. Với kế hoạch lợi nhuận sau thuế năm 2020 là 120 tỷ đồng, dự kiến EPS đạt gần 3.000 đồng.

Hiện chưa có mức giá chào sàn của TNH, nhưng được biết, có khá nhiều nhà đầu tư, trong đó có các quỹ đầu tư quan tâm tới “tân binh” này.

Trong tháng 8/2020, Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HOSE) đã nhận hồ sơ đăng ký niêm yết 41,5 triệu cổ phiếu CTCP Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên với mã chứng khoán TNH.

Như vậy, tính đến thời điểm hiện tại, TNH là bệnh viên đầu tiên dự định niêm yết trên sàn chứng khoán. Trước đó, có cổ phiếu TTD của bệnh viện tim Tâm Đức nhưng chỉ đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM.

Vốn điều lệ ban đầu là 28 tỷ đồng, trải qua nhiều lần tăng vốn, hiện vốn điều lệ là 415 tỷ đồng. Tại thời điểm 31/12/2019, TNH có 5 cổ đông lớn nắm giữ từ 5% vốn cổ phẩn trở lên. Ban lãnh đạo TNH nắm giữ 39,72% vốn cổ phẩn, trong đó, 19,21% vốn cổ phần được sở hữu bởi ông Hoàng Tuyên – Chủ tịch HĐQT. TNH không có cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài.

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/benh-vien-dau-tien-niem-yet-tren-san-co-gi-hap-dan-post250953.html