Rút giấy phép nếu phát hiện găm hàng để trục lợi trong kinh doanh xăng dầu

Đứng trước tình trạng khan hiến nguồn cung xăng dầu trên thị trường hiện nay, gây ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế - xã hội, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên đã nắm bắt tình hình và khẳng định, có hiện tượng găm giữ hàng, trục lợi trong kinh doanh xăng dầu. Bộ Công thương sẽ thành lập đoàn thanh tra hoạt động xăng dầu và xử lý nghiêm vi phạm.

Có tiêu cực trong kinh doanh xăng dầu

Tại cuộc họp khần về hoạt động cung ứng xăng dầu chiều ngày 8/2/2022, sau khi lắng nghe ý kiến từ các địa phương, doanh nghiệp Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhận định, có 3 nguyên nhân dẫn đến tình trạng khan hiếm nguồn cung xăng dầu ở thời điểm này.

Trước hết là do tình trạng đứt gãy nguồn cung ở Nhà máy Nghi Sơn đang trong tình trạng khó khăn về tài chính. Bên cạnh đó, trên phạm vi cả nước đều đã xuất hiện những hiện tượng khá giống nhau, đóng cửa hàng, hoặc mở ít giờ, bán nhỏ giọt; tìm nhiều lý do để trì hoãn mở cửa hoặc bán với giá cao hơn, gây tâm lý bất an.

Nguyên nhân thứ ba, có hiện tượng găm hàng để trục lợi. Hiện tượng này diễn ra ở cả 3 loại hình doanh nghiệp: đầu mối, thương nhân phân phối và đặc biệt ở các cửa hàng bán lẻ. “Dứt khoát có hiện tượng này. Bởi theo báo cáo của các doanh nghiệp, tập đoàn, nguồn cung xăng dầu đến thời điểm này vẫn đảm bảo đủ” - Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, hiện tượng này hiện đang rải rác ở một số địa phương, nhưng nó sẽ trở nên phổ biến nếu chúng ta không có những chỉ đạo quyết liệt, kiên quyết để loại bỏ.

“Không được chủ quan dù đây mới chỉ là hiện tượng. Nếu không tập trung xử lý nghiêm, dứt điểm, đúng luật thì rất có thể sẽ trở thành phổ biến và khó khăn cho điều hành cung ứng xăng dầu, làm tổn hại nặng nề cho chương trình phục hồi kinh tế” - Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.

Nguyên nhân khan hiếm nguồn cung, có dấu hiệu găm giữ hàng chờ tăng giá được các chuyên gia kinh tế đưa ra là do giá xăng dầu nhập khẩu liên tục tăng, trong khi đó theo Nghị định 95/2021/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu thì giá xăng dầu sẽ được điều hành vào ngày 1,11 và 21 hàng tháng.

Tuy nhiên, do kỳ điều hành vừa qua rơi vào ngày mùng 1 tết, nên thời gian điều hành bị hoãn lại, nghĩa là giá xăng dầu trong nước đang bị kìm hãm tăng trong gần 20 ngày qua.

Lực lượng Quản lý thị trường Lạng Sơn kiểm tra hoạt động kinh doanh xăng dầu trên địa bàn quản lý. Ảnh: CTV

Ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) cho biết, những lý do trên không thực sự thỏa đáng, bởi với nhu cầu khoảng 1,8 -2 triệu m3 xăng dầu các loại/tháng, nguồn cung như trên cơ bản đáp ứng nhu cầu thị trường trong tháng 2/2022. Bên cạnh đó, Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn đã có kế hoạch sẽ chạy đủ 100% công suất từ 15/3/2022.

Trước đó, Bộ Công thương cho biết, từ ngày 28/1/2022 đến nay, lực lượng Quản lý thị trường trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao, tại một số địa phương (Đồng Nai, An Giang, Hậu Giang) có phát hiện một số đơn vị kinh doanh xăng dầu đóng cửa, tạm ngưng hoạt động do nhiều nguyên nhân (không có đủ nguồn cung xăng dầu, lượng tiêu thụ xăng dầu của người tiêu dùng tăng cao do nhu cầu đi lại, không có đủ nhân lực để kinh doanh tại các cửa hàng).

Thanh tra hoạt động kinh doanh xăng dầu trên toàn quốc

Để đảm bảo hoạt động cung ứng xăng dầu không bị đứt gãy, ngăn chặt tình trạng găm giữ hàng, chờ tăng giá, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên đã chỉ đạo thành lập Đoàn thanh tra cơ động, tiến hành thanh, kiểm tra các doanh nghiệp đầu mối, phân phối, các cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên cả nước.

Đồng thời, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng chỉ đạo các cơ quan quản lý nhà nước thuộc và trực thuộc ngành Công thương, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu (doanh nghiệp đầu mối, thương nhân phân phối, bán lẻ xăng dầu) tiếp tục thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ (đặc biệt là chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành tại cuộc họp chiều ngày 8/2) và yêu cầu các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh xăng dầu trên địa bàn cam kết chấp hành nghiêm chính sách điều hành; niêm yết, bán đúng giá; công khai nguồn cung. Đối với các doanh nghiệp đầu mối, thương nhân phân phối, phải lên kế hoạch nhập khẩu bảm đảm nguồn cung trong mọi tình huống.

Người đứng đầu Bộ Công thương cũng yêu cầu lực lượng quản lý thị trường các địa phương chủ trì, phối hợp với sở công thương và các cơ quan chức năng cùng cấp tiền hành kiểm tra thường xuyên, đột xuất với tần suất dày 1-2 ngày/lần để kịp thời phát hiện xử lý sai phạm. Kiên quyết xử lý theo đúng quy định, phạt kịch khung theo nghị định 95; có thể đề nghị lãnh đạo Bộ Công thương rút giấy phép kinh doanh.

Vụ Thị trường trong nước cùng Thanh tra Bộ Công thương thành lập Đoàn thanh tra để tổng kiểm tra rà soát các doanh nghiệp đầu mối có chức năng nhập khẩu xăng dầu, yêu cầu các doanh nghiệp hoạt động đúng với nội dung trên giấy phép và phải góp phần tích cực đảm bảo nguồn cung xăng dầu (tính cả nguồn trong nước và nhập khẩu), đáp ứng nhu cầu nền kinh tế. Trong quá trình kiểm tra, vừa thanh tra theo kế hoạch và có những cuộc thanh tra đột xuất trên phạm vi cả nước.

"Đối với các cơ sở kinh doanh kiên quyết đình chỉ, tạm đình chỉ, rút giấy phép nếu từ 6 tháng trở lên kể từ thời điểm kiểm tra trong tháng 2/2022 trở đi mà không nhập khẩu xăng dầu để cung ứng cho thị trường"- Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.

Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cũng chỉ đạo Vụ Thị trường trong nước, Cục Xuất nhập khẩu thường xuyên nắm chắc diễn biến thị trường xăng dầu thế giới, giữ mối liên hệ với cơ quan chức năng về giá (thuộc Bộ Tài chính và các bộ ngành khác) để tham mưu cho lãnh đạo Bộ Công thương - Tài chính và Chính phủ điều hành giá xăng dầu trong nước tiệm cận với biến động giá xăng dầu thế giới.

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/rut-giay-phep-neu-phat-hien-gam-hang-de-truc-loi-trong-kinh-doanh-xang-dau-100046.html