Bệnh viện công-tư: Mô hình nào cho Việt Nam?

Bệnh viện tư ở Úc lập ra không phải để làm dịch vụ mà chỉ nhằm giảm tải gánh nặng cho ngân sách thông qua hình thức mua bảo hiểm tư.

Tiến sĩ, BS Y khoa tại Úc - Nguyễn Đình Nguyên cho biết, kể từ khi Việt Nam có chính sách mở cửa cho kinh tế tư nhân, thị trường dịch vụ y tế/sức khỏe tư nhân cũng theo đà nở rộ, đặc biệt là hệ thống bệnh viện tư.

Theo thống kê mới đây của Bộ y tế, trên toàn quốc có 171 bệnh viện tư và khoảng 30 nghìn phòng khám tư. Thế nhưng sự bất cập trong chính sách, điều lệ và quy định kiểu "con đẻ, con nuôi" đã làm cho các dịch vụ y tế tư ở Việt Nam gặp quá nhiều khó khăn so với đối tác cạnh tranh ở khu vực dịch vụ công.

Trước thông tin trên, bác sĩ Nguyễn Đình Nguyên đưa ra một số thông tin về dịch vụ y tế "công tư" của Úc để thấy sự khác biệt về khái niệm cũng như trong cách vận hành dịch vụ.

Dưới đây là bài phân tích cụ thể của bác sĩ Nguyễn Đình Nguyên:

Theo thống kê, cho tới 2013 trên toàn nước Úc có tất cả 746 bệnh viện công và 592 bệnh viện tư. Trong đó 65% số giường là thuộc bệnh viện công. Cũng cần biết có đến 70% số bệnh viện công ở Úc chỉ có dưới 50 giường, có nghĩa là bệnh viện tuyến lẻ.

Sự khác biệt lớn nhất giữa hệ thống "bệnh viện công, bệnh viện tư" của Úc với Việt Nam là ở khái niệm. Ở Việt Nam, có lẽ ai cũng hiểu khi nói đến "bệnh viện công" có nghĩa là bệnh viện nhà nước thành lập, còn bệnh viện tư là bệnh viện được xây dựng và vận hành qua quỹ tư nhân. Nhưng điều đó không đúng ở Úc.

Cả bệnh viện công và bệnh viện tư của Úc đều nhận ngân sách từ chính phủ liên bang, số ngân sách này hoàn toàn tương đương nhau với 36% ngân sách hoạt động của các bệnh viện công được cấp từ nguồn này, nhỉnh hơn 8% so với khối bệnh viện tư (28%).

Điều dễ hiểu là đa số kinh phí hoạt động của các bệnh viện công là nhận từ chính phủ tiểu bang (55%, so với 4% của khối bệnh viện tư), thì đa số kinh phí hoạt động của các bệnh viện tư là nhận từ các công ty bảo hiểm sức khỏe (44% so với 2% của khối bệnh viện công).

Do các cựu chiến binh Úc được nhận quyền lợi riêng từ quỹ cựu chiến binh- tương đương với bảo hiểm tư hoặc cao hơn, nên các bệnh viện tư nhận được nhiều hơn từ nguồn này (7% so với 3% ở bệnh viện công). Ngân sách thu vào được từ tiền túi của bệnh nhân rất khiêm tốn cho cả bệnh viện tư (11%) và bệnh viện công (3%).

Ngân sách hoạt động của các bệnh viện công tại Úc

Ngân sách hoạt động của các bệnh viện công tại Úc

Tóm lại, bệnh viện công ở Úc sử dụng 95% ngân sách của chính phủ cả tiểu bang và liên bang, nó đúng nghĩa là "nhà thương", là hệ thống chăm sóc sức khỏe miễn phí cho toàn dân không phân biệt giai cấp. Ở Úc không có bệnh viện dành riêng cho lãnh đạo hay quan chức.

Hệ thống "bệnh viện tư", gọi là tư vì 51% ngân sách từ nguồn bảo hiểm tư, nhưng cũng nhận đến 32% ngân sách của chính phủ cả liên bang và tiểu bang, được hình thành để phục vụ cho những bệnh nhân có mua bảo hiểm y tế tư (private health insurance). Ấy thế mà, một khi bệnh nhân đã vào bệnh viện tư thì đa phần (75%) các chi phí đó đã được trợ giá bởi chính phủ qua chương trình medicare, trừ khi bệnh nhân đó là người nước ngoài (xem hình).

Đây cũng là một hình thức hỗ trợ để khuyến khích người dân mua bảo hiểm tư, đóng góp thêm một phần để giảm bớt gánh nặng cho chính phủ chứ không phải do bệnh nhân chi trả tất cả. Lợi thế của bệnh nhân có bảo hiểm bệnh viện tư là đối với những bệnh mổ theo chương trình (elective surgery), nếu chờ mổ ở bệnh viện công sẽ rất lâu, còn đăng ký vào bệnh viện tư sẽ được mổ nhanh hơn và được quyền lựa chọn bác sĩ điều trị, và bác sĩ điều trị là bác sĩ chính.

Như vậy "bệnh viện tư" ở Úc có nghĩa là bệnh viện thành lập để phục vụ cho những bệnh nhân có mua bảo hiểm tư (private health insurance) để phân biệt với những bệnh nhân chỉ dùng "bảo hiểm mặc định" của nhà nước (medicare) chứ không dính dáng gì đến việc đầu tư của các tổ chức tư nhân cả.

Ngân sách hoạt động của các bệnh viện tư tại Úc

Cũng nên biết rằng mọi người dân Úc kể cả thường trú nhân (permanent resident) đều được cấp thẻ chăm sóc sức khỏe (medicare), được miễn phí khi vào bệnh viện công và được giảm tiền khi đi khám bác sĩ, nhưng medicare không chi trả cho các chuyên khoa lẻ thí dụ như mắt, tai-mũi-họng, răng-hàm-mặt, các chuyên khoa cận lâm sàng như vật lý trị liệu, dinh dưỡng (nếu nằm trong diện bệnh mãn tính thì được hỗ trợ toàn phần hoặc một phần) v..v... Người dân ai có nhu cầu sử dụng thì mua bảo hiểm tư, cộng thêm muốn có nhu cầu nằm bệnh viện tư thì phải mua thêm chứ không bắt buộc.

Câu hỏi có thể đặt ra là vậy đối với một người dân Úc không mua bảo hiểm tư có được quyền yêu cầu vào nằm chữa trị ở bệnh viên tư hay không? Về mặt lý thuyết câu trả lời là có thể, nhưng thực tế thì không. Lý do là chi phí điều trị ở Úc rất đắt đỏ nếu không mua bảo hiểm. Mặc dù chỉ gọi là 25% thôi, nhưng có lẽ bạn sẽ ngất xỉu khi nhận được hóa đơn thanh toán. Cho nên câu hỏi đầu tiên để được sử dụng bệnh viện tư là "quý ông/bà có bảo hiểm tư không?".

Lệ phí chi trả khi nhập viện ở Úc

Về cơ cấu nhân viên, có sự khác biệt lớn giữa hai hệ thống công và tư ở Úc. Bệnh viện công có 13% bác sĩ ăn lương toàn thời so với 2% ở các bệnh viện tư. Đa phần cả hai nhóm bệnh viện là y tá toàn thời (45% ở bệnh viện công và 56% ở bệnh viện tư).

Có sự khác biệt lớn về đội ngũ bác sĩ ở hai nhóm bệnh viện này. Tất cả các bác sĩ sau khi ra trường đều có cơ hội được làm việc ở bệnh viện công, nhưng chỉ có những ai là bác sĩ chuyên khoa thực thụ (consultant) thì mới được làm việc ở bệnh viện tư. Do đó cũng chỉ có chính các consultant ở các bệnh viện công mới là người làm việc bán thời ở các bệnh viện tư mà thôi.

Như vậy có thể nói hệ thống bệnh viện tư ở Úc lập ra không phải để làm dịch vụ kiếm lời mà chỉ mà một hệ thống dịch vụ y tế nhằm giảm tải gánh nặng cho ngân sách nhà nước thông qua hình thức mua bảo hiểm tư. Người bệnh một khi đã mua bảo hiểm tư thì được quyền đòi hỏi sự chữa trị ở các bệnh viện tư và họ chỉ phải chi trả thêm một phần rất nhỏ mà thôi, đại đa số chi phí đó đều được chính phủ chi trả.

BS Nguyễn Đình Nguyên - Tiến sĩ Y khoa tại Úc

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/dien-dan-tri-thuc/benh-vien-cong-tu-mo-hinh-nao-cho-viet-nam-3404002/