Bệnh viện công sẽ nở rộ phòng dịch vụ

Theo Bộ Y tế, mặc dù có quy định giá tối đa dịch vụ giường bệnh tại cơ sở y tế công lập là 4 triệu đồng/giường/phòng/ngày nhưng không có nghĩa các bệnh viện công muốn thổi giá bao nhiêu cũng được

Trước những thông tin gây tranh cãi về mức giá dịch vụ theo yêu cầu tại các cơ sở y tế công lập, chiều 12-8, Bộ Y tế đã cung cấp thông tin đến báo chí xung quanh những điểm mới tại dự thảo Thông tư Hướng dẫn xây dựng giá dịch vụ chăm sóc sức khỏe, khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu tại các cơ sở y tế công lập.

Bảo đảm "tiền nào của ấy"

Sau hơn 3 năm xây dựng, dự thảo Thông tư Hướng dẫn xây dựng giá dịch vụ chăm sóc sức khỏe, khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu tại các cơ sở y tế công lập sắp được Bộ Y tế ký ban hành và dự kiến sẽ có hiệu lực thi hành vào quý III/2019.

Theo dự thảo này, giá giường dịch vụ điều trị nội trú theo yêu cầu tối đa có thể lên đến 4 triệu đồng/ngày/giường/phòng với bệnh viện (BV) hạng đặc biệt như BV Việt Đức, Bạch Mai, Chợ Rẫy, 108, Trung ương Huế..., có khu tiếp khách riêng. Cùng hạng BV này, nếu loại 2 giường/phòng, giá sẽ là 2,5 triệu đồng. Loại 3 giường/phòng có giá 1,5 triệu đồng/giường, còn loại 4 giường/phòng, giá còn 1,3 triệu đồng/giường. Tại Hà Nội, TP HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, giá giường tối đa là 3 triệu đồng/giường. Số tiền giảm từ 1,7 triệu - 1,2 triệu - 900.000 đồng cho các loại phòng 2 giường - 3 giường - 4 giường/phòng. Ở các tỉnh còn lại, giá giường tối đa là 2 triệu đồng (loại 1 giường/phòng); số tiền giảm dần từ 1,2 triệu - 800.000 - 600.000 đồng cho các loại phòng 2 giường - 3 giường - 4 giường/phòng.

Dự thảo cũng quy định dịch vụ khám bệnh theo yêu cầu chưa bao gồm các dịch vụ chiếu, chụp, chẩn đoán, xét nghiệm và các thủ thuật, mức khám chữa bệnh (KCB) tại BV hạng đặc biệt và hạng I tối đa 500.000 đồng/lần khám; các cơ sở y tế khác giá tối đa 400.000 đồng/lần khám. Riêng trường hợp mời các chuyên gia trong nước, ngoài nước đến khám, tư vấn sức khỏe, đơn vị được thu theo giá thỏa thuận giữa cơ sở y tế và người sử dụng dịch vụ.

Phòng tiếp khách riêng trong phòng VIP giá 3 triệu đồng tại Bệnh viện Hùng Vương Ảnh: ANH THƯ

Phòng tiếp khách riêng trong phòng VIP giá 3 triệu đồng tại Bệnh viện Hùng Vương Ảnh: ANH THƯ

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế nghiên cứu, tham khảo các nội dung liên quan giá giường bệnh theo yêu cầu theo dự thảo mới, để thực hiện tốt hơn công tác quản lý nhà nước được giao.

Nói về dự thảo này, ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ Y tế), cho biết thông tư ban hành chỉ đưa ra khung giá tối đa chứ không ấn định một mức giá. Giá dịch vụ yêu cầu phải được xây dựng trên cơ sở chất lượng dịch vụ và điều kiện kinh tế - xã hội tại địa phương, theo phương pháp xây dựng giá do Bộ Tài chính hướng dẫn. Mức giá này có so sánh mặt bằng giá thị trường của dịch vụ, bảo đảm mức giá "tiền nào của nấy" chứ không phải các BV cứ "thổi giá" lên bao nhiêu cũng được. Nếu so sánh giá phòng bệnh với phòng khách sạn thì rất khập khiễng, bởi mục đích sử dụng khác nhau. Phòng bệnh không chỉ là nơi điều trị mà còn bao gồm các dịch vụ đi kèm từ chăm sóc y tế, dinh dưỡng...

Cởi trói cho bệnh viện công

Giải thích về việc ban hành quy định về giá dịch vụ yêu cầu tại BV công tại thời điểm này, ông Nguyễn Nam Liên cho biết nhiều BV tư có điều kiện cơ sở vật chất tốt nhưng trình độ bác sĩ chưa cao, vì thế những người bệnh có điều kiện kinh tế lựa chọn nằm ở BV tư nhưng mời bác sĩ BV công có trình độ chuyên môn cao đến chẩn đoán, điều trị. Dự thảo này sẽ cởi trói cho BV công, tạo điều kiện nâng cao cơ sở vật chất, tận dụng nguồn nhân lực chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu của người bệnh. Mặt khác, do dịch vụ ở BV công còn hạn chế nên nhiều người đã lựa chọn ra nước ngoài điều trị. Mỗi năm cả trăm ngàn người ra nước ngoài chữa bệnh, tốn khoảng 45.000 tỉ đồng.

Đại diện Bộ Y tế cũng khẳng định giá dịch vụ chăm sóc sức khỏe, KCB theo yêu cầu chỉ áp dụng với người có nhu cầu và tự nguyện. Người có thẻ BHYT đi KCB theo quy định của pháp luật về BHYT; người không có thẻ BHYT nhưng không đăng ký tự nguyện sử dụng các dịch vụ KCB theo yêu cầu, sẽ vẫn thực hiện theo mức giá do Bộ Y tế và mức giá do UBND cấp tỉnh quy định.

Khi BV công sử dụng tài sản công để làm dịch vụ theo yêu cầu thì đơn vị phải hoàn thành KCB BHYT. Nếu BV nào để bệnh nhân phải nằm ghép mà vẫn mở rộng phòng yêu cầu vượt tỉ lệ quy định về sử dụng tài sản công, Bộ Y tế sẽ không chấp nhận. Phương châm của Bộ Y tế là khuyến khích các BV xã hội hóa, hợp tác công - tư để xây dựng các BV khách sạn phục vụ nhu cầu của bệnh nhân có điều kiện chi trả.

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/benh-vien-cong-se-no-ro-phong-dich-vu-20190812221649575.htm