Bệnh viện Bưu điện: Trung tâm Hỗ trợ sinh sản - nơi chắp cánh ước mơ làm cha mẹ

Chỉ mới hơn 7 năm thành lập, Trung tâm Hỗ trợ sinh sản - Bệnh viện Bưu điện đã giúp hàng ngàn người bệnh vô sinh, hiếm muộn có được con yêu. Không chỉ nổi tiếng là một cơ sở y tế điều trị vô sinh, hiếm muộn uy tín trong nước, danh tiếng của Trung tâm còn lan xa trong khu vực, là địa chỉ tin cậy để nhiều bệnh nhân trong và ngoài nước yên tâm tìm đến.

Liên quan đến căn bệnh vô sinh hiếm muộn, trao đổi với Phóng viên PhapluatNet, Bác sĩ Nguyễn Thị Nhã – Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh sản Bệnh viện Bưu điện đã chia sẻ về nguyên nhân của những kết quả mà Trung tâm đạt được trong thời gian qua.

Bác sĩ Nguyễn Thị Nhã - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Bưu điện tư vấn cho bệnh nhân.

Bác sĩ Nguyễn Thị Nhã - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Bưu điện tư vấn cho bệnh nhân.

Phóng viên: Thưa Bác sĩ Nguyễn Thị Nhã, mới chỉ hơn 7 năm thành lập nhưng hiện nay, Trung tâm Hỗ trợ sinh sản của Bệnh viện Bưu điện đã được rất đông bệnh nhân vô sinh, hiếm muộn trong và ngoài nước biết tiếng, tin tưởng lựa chọn đồng hành trên con đường đi tìm con yêu. Theo BS, điều gì đã làm nên uy tín và thương hiệu của Trung tâm?

BS Nguyễn Thị Nhã: Theo tôi, điều làm nên uy tín và thương hiệu của Trung tâm Hỗ trợ sinh sản – Bệnh viện Bưu điện chính là chất lượng khám, điều trị và cái Tâm của người thầy thuốc. Ngoài chất lượng khám, điều trị luôn được đặt lên hàng đầu, tôi cho rằng Tâm, Đức của người thầy thuốc sẽ tiếp thêm rất nhiều niềm tin và nghị lực cho người bệnh bởi vô sinh, hiếm muộn là căn bệnh đặc thù, hành trình tìm con của các bệnh nhân này chưa bao giờ dễ dàng. Người bệnh không chỉ chịu áp lực về mặt kinh tế mà tâm lý của họ cũng chụ nhiều áp lực nặng nề.

Trong quá trình làm việc tại Trung tâm Hỗ trợ sinh sản Bệnh viện Bưu điện, tôi đã gặp vô số những câu chuyện rơi nước mắt liên quan đến căn bệnh vô sinh, hiếm muộn. Đó là chuyện của một bệnh nhân tên là Nguyễn Thị T. ở Thanh Hóa, chị ấy đến với chúng tôi trong tình trạng bị trầm cảm nặng, từng muốn kết thúc cuộc sống của mình bởi áp lực “vô sinh”. Chị T. kể, ở nhà hay ra đường chị đều nghe thấy những lời chì chiết cay độc từ người mẹ chồng, lời xầm xì to nhỏ của hàng xóm, láng giềng mỗi khi chị ngang qua. “Cây khô không lộc, gái độc không con!”, mọi tội lỗi, gièm pha đều đổ lên chị vì ở miền quê nơi chị T sinh sống còn nghèo và lạc hậu, chẳng ai nghĩ có loại bệnh tên gọi vô sinh, hiếm muộn. Mẹ chồng chị T khăng khăng do “ kiếp trước chị ăn ở thế nào?”. Nhà bà độc đinh, nỗi mong cháu đích tôn khiến bà càng thêm cay nghiệt. 2 năm, 3 năm rồi 5 năm trôi qua, nhìn bụng con dâu lép kèm kẹp, bà nhất quyết bắt con trai phải bỏ vợ để lấy vợ khác.

Chị T. tưởng mình đã tới bước đường cùng, nhưng may mắn đã mỉm cười với chị khi thực hiện phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) tại Trung tâm Hỗ trợ sinh sản - Bệnh viện Bưu điện và thành công ngay trong lần chuyển phôi đầu tiên. Mãi cho đến khi đón cháu đích tôn chào đời, mẹ chồng chị Nguyễn Thị T. mới ân hận vì biết nguyên nhân hiếm muộn không phải do con dâu mà là do chất lượng tinh trùng của con trai bà rất kém.

Tôi không thể nhớ hết, Trung tâm của chúng tôi đã mang lại con yêu, niềm vui và tiếng cười hạnh phúc cho bao nhiêu cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn. Chỉ biết rằng, con số ấy đã lên tới hàng ngàn. Và để có được kết quả đó, theo tôi người thầy thuốc phải có cái Tâm, làm mọi việc bằng chính cái Tâm của mình, đặt mình vào người bệnh để thấu hiểu, cảm thông và chia sẻ. Bởi trong số những người đến bệnh viện và các cơ sở y tế để được khám, tư vấn, điều trị, chăm sóc sức khỏe thì có lẽ người mắc vô sinh, hiếm muộn là những người có nhiều nỗi niềm và tâm tư nhất. Không chỉ lo lắng, buồn tủi khi biết mình mắc bệnh, những áp lực về kinh tế, tâm lý càng khiến họ thêm trăn trở, thậm chí là tuyệt vọng khi năm này qua năm khác tìm kiếm, thăm khám, điều trị đủ cách mà vẫn không thể có được mụn con.

Phóng viên: Cái Tâm và chất lượng khám, điều trị phải được đặt lên hàng đầu, ngoài ra trong một lĩnh vực khó như hỗ trợ sinh sản, còn cần thêm các yếu tố nào khác để mang lại thành công cao cho người bệnh, thưa bác sĩ?

BS Nguyễn Thị Nhã: Làm việc bằng Tâm, chúng tôi sẽ luôn mong muốn làm những gì tốt nhất cho người bệnh. Bản thân mỗi cán bộ, nhân viên trong Trung tâm Hỗ trợ sinh sản của chúng tôi đều ý thức rất rõ, từng lời nói, hành động, từng thao tác của mình sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến người bệnh. Vì vậy, chúng tôi rất coi trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thường xuyên cử cán bộ, nhân viên đi học, nghiên cứu, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ trong và ngoài nước.

Hiện Trung tâm Hỗ trợ sinh sản của Bệnh viện Bưu điện đã làm được hầu hết các kỹ thuật Hỗ trợ sinh sản hiện có như: Bơm tinh trùng vào buồng tử cung (IUI), thụ tinh trong ống nghiệm (IVF), tiêm tinh trùng vào bào tương trứng (ICSI), lấy tinh trùng từ mào tinh (PESA), lấy tinh trùng từ vi phẫu tinh hoàn (MICRO TESE), đông phôi theo phương pháp thủy tinh hóa, hỗ trợ phôi thoát màng, chuyển phôi đông lạnh... Đặc biệt, Trung tâm còn thực hiện thành công nhiều ca thụ tinh trong ống nghiệm khó như: người bệnh lớn tuổi, người bệnh có tinh trùng bất động 100%… làm nên tiếng vang và là niềm hi vọng cho các gia đình vô sinh, hiếm muộn.

Tại IVF Bưu điện, thực hiện thành công kỹ thuật Micro – TESEmang đến cơ hội làm cha cho nhiều bệnh nhân vô sinh nam không có tinh trùng.

Nhận thức rõ thái độ, ý thức phục vụ của các bác sĩ, nhân viên y tế chính là chỗ dựa vững chắc về mặt tinh thần cho từng người bệnh, giúp họ dễ dàng vượt qua khó khăn cùng những mặc cảm, tự ti, kiên trì điều trị tiến đến đích hạnh phúc, mỗi nhân viên của Trung tâm luôn sẵn sàng sẻ chia, hỗ trợ, giúp đỡ người bệnh tận tình, chu đáo nhất . Bên cạnh nâng cao chất lượng chuyên môn, chúng tôi còn thường xuyên đổi mới, cải tiến công tác quản trị, ứng dụng cập nhật công nghệ thông tin vào công tác tiếp đón, khám và điều trị bệnh. Chúng tôi nhận thấy, tạo điều kiện để người bệnh được phục vụ, chăm sóc một cách tốt nhất sẽ giúp họ yên tâm, tin tưởng và hài lòng. Đây cũng chính là một trong các yếu tố quan trọng góp phần làm nên tỷ lệ thành công trong điều trị ngày càng cao tại Trung tâm.

Phóng viên: Bác sĩ có thể nói rõ hơn về kết quả điều trị hiện nay của Trung tâm cũng như mục tiêu hướng tới để có thể tiếp tục giữ gìn, phát huy và lan tỏa thương hiệu của Trung tâm Hỗ trợ sinh sản – Bệnh viện Bưu điện?

BS Nguyễn Thị Nhã: Hiện nay, tỷ lệ thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) thành công của Trung tâm Hỗ trợ sinh sản - Bệnh viện Bưu điện đạt từ 60-67%, tỷ lệ có thai lâm sàng (có tim thai) đạt từ 52 -55% và thai diễn tiến (có thai trên 12 tuần) là 47-50%.

Hàng ngàn cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn đã tìm được con yêu tại IVF Bưu điện.

Tuy nhiên, theo thống kê của Bộ Y tế, nước ta vẫn còn tới 7,7% trong tổng số các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh sản (tương đương hơn 1 triệu cặp vợ chồng) đang gặp phải các vấn đề vô sinh hiếm muộn. Tiếp tục kiên trì mục tiêu: Nỗ lực vì người bệnh, không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả điều trị, tạo cho người bệnh tâm lý thoải mái, yên tâm khi đến với Trung tâm. Chúng tôi hy vọng với những cải tiến vượt trội trong điều trị vô sinh, hiếm muộn và kỹ thuật hỗ trợ sinh sản chuyên sâu cùng sự đồng hành, sẻ chia của tập thể cán bộ, thầy thuốc, nhân viên y tế Trung tâm Hỗ trợ sinh sản và Bệnh viện Bưu điện, ước mơ có con của nhiều cặp vợ chồng sẽ sớm thành hiện thực.

Phóng viên: Vâng, xin cảm ơn Bác sĩ!

PV

Nguồn Pháp Luật Net: https://phapluatnet.nguoiduatin.vn/doi-song/benh-vien-buu-dien:-trung-tam-ho-tro-sinh-san---noi-chap-canh-uoc-mo-lam-cha-me-52632.html