Bệnh viện Bỏng quốc gia ghép da thành công cho 3 bệnh nhân bị tai nạn lao động

Ngày 11-12, Thiếu tướng, PGS, TS Nguyễn Gia Tiến, Giám đốc Bệnh viện Bỏng quốc gia (Học viện Quân y) cho biết, bệnh viện vừa ghép da thành công cho 3 bệnh nhân bị tai nạn lao động.

Được biết, bệnh nhân Lẩu Mí G, 12 tuổi, quê quán ở Pải Lủng, Mèo Vạc (Hà Giang) bị tai nạn lao động tại Trung Quốc và được trả về gia đình. Gia đình bệnh nhân Lẩu Mí G hoàn cảnh khó khăn, không có kinh phí điều trị nên để bệnh nhân nằm ở nhà 7 ngày. Một nhóm từ thiện biết tin đã đưa bệnh nhân Lẩu Mí G đến bệnh viện tỉnh khám và được chuyển xuống Bệnh viện Bỏng quốc gia cấp cứu trong tình trạng rất nặng: Suy hô hấp, thiếu máu mức độ nặng, nhiễm trùng vết thương với diện tích tổn thương 26%. Tại khoa Hồi sức cấp cứu (Bệnh viện Bỏng quốc gia), bệnh nhân đã được hồi sức tích cực, thở máy, truyền máu, truyền huyết tương. Ngay sau đó, bệnh nhân Lẩu Mí G đã được các y, bác sĩ phẫu thuật cắt lọc hoại tử, ghép da tự thân và đồng loại. Sau 3 lần phẫu thuật, sức khỏe của của bệnh nhân đã dần hồi phục.

Các y, bác sĩ Khoa Hồi sức Cấp cứu khám bệnh, chăm sóc cho bệnh nhân vừa được ghép da.

Bệnh nhân thứ 2 là Lê Ngọc D (20 tuổi), quê quán tại Âu Lạc, TP Yên Bái (tỉnh Yên Bái), bị tai nạn lao động, vào cấp cứu tại Bệnh viện Bỏng quốc gia giờ thứ 5 trong tình trạng sốc chấn thương (do đau đớn và mất máu); tổn thương mất da diện tích 17% ngực, bụng, 2 tay, chân phải. Ngay sau khi nhập viện, bệnh nhân đã được hồi sức tuần hoàn, hồi sức hô hấp, đặt ống nội khí quản, thở máy hỗ trợ, truyền máu, truyền huyết tương, giảm đau, an thần liên tục. Sau 3 giờ hồi sức chống sốc và làm các xét nghiệm cấp cứu, bệnh nhân đã được đưa lên phòng mổ để tiến hành phẫu thuật cắt lọc và ghép da. Sau 5 giờ phẫu thuật, các y, bác sĩ Khoa Hồi sức cấp cứu (Bệnh viện Bỏng quốc gia) đã ghép thành công toàn bộ phần da bị lóc rời ra khỏi cơ thể của bệnh nhân. Một ngày sau mổ, bệnh nhân Lê Ngọc D thoát sốc, toàn trạng ổn định. Sau 7 ngày ghép da, tỷ lệ da ghép bám sống là 60%. Bệnh nhân đã được phẫu thuật lần 2, tiến hành cắt bỏ da hoại tử rồi ghép da tự thân mảnh mỏng để che phủ. Hiện tại, toàn trạng bệnh nhân tạm ổn định.

Trường hợp thứ 3 là bệnh nhân Nguyễn Vũ B (48 tuổi), quê quán tại Phương Viên, Hạ Hòa, Phú Thọ. Bệnh nhân nhập Bệnh viện Bỏng quốc gia ngày 1-12-2018 trong tình trạng sốc đa chấn thương, chấn thương ngực kín, gãy xương sườn V, VI, VII, VIII, IX bên phải, dập phổi phải, tràn máu, tràn khí khoang màng phổi phải, vết thương thấu bụng, mất da diện rộng diện tích 30% ở vị trí thân trước, tứ chi, sinh dục, tai phải. Tại Khoa Hồi sức cấp cứu (Bệnh viện Bỏng quốc gia), bệnh nhân Nguyễn Vũ B đã được hồi sức chống sốc, đặt ống nội khí quản, dẫn lưu khoang màng phổi phải, thở máy, giảm đau, an thần, truyền dịch, truyền máu, làm các xét nghiệm cấp cứu chuẩn bị cho mổ cấp cứu. Sau 30 phút hồi sức, bệnh nhân đã được đưa lên phòng mổ tiến hành ghép da, khâu vết thương ổ bụng. Sau 6 giờ phẫu thuật, bệnh nhân tiếp tục được duy trì thở máy, hồi sức tích cực. 2 ngày sau mổ, bệnh nhân được rút dẫn lưu khoang màng phổi và rút máy thở. Bệnh nhân tỉnh dần và được tiến hành ghép da bổ sung lần 2 sau một tuần. Hiện tại vết thương được che phủ 80%, còn 20% sẽ được phẫu thuật ghép da vào cuối tuần tới.

Thiếu tướng, PGS, TS Nguyễn Gia Tiến, Giám đốc Bệnh viện Bỏng quốc gia cho biết, hiện nay tình trạng mất da trên diện rộng do tai nạn lao động thường xảy ra tại Việt Nam. Trong trường hợp như vậy thì cách xử trí ngay tại hiện trường rất quan trọng, giúp cho việc xử trí điều trị ở tuyến sau tốt hơn rất nhiều. Đối với người dân, ngay sau khi xảy ra tai nạn mất da, thì mảnh da đó phải được cho vào túi linon bọc kín, đá phải được cho vào một túi nilon khác cho vào một thùng xốp chuyển cùng bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu và xử trí kịp thời.

Đối với các cơ sở y tế khi tiếp nhận phải hiểu mất da trên diện rộng kèm theo biến chứng mất máu rất nhiều, có thể xảy ra sốc mất máu. Chính vì thế mà các cơ sở y tế phải kiểm tra các chức năng sống của người bệnh như rối loạn hô hấp, rối loạn tim mạch và nhiều rối loạn khác để xử trí kịp thời.

Thiếu tướng, PGS, TS Nguyễn Gia Tiến cũng cho biết, thời gian vàng để bảo quản mảnh da là 6 tiếng tính từ khi xảy ra tai nạn. Chính vì vậy, khi người dân bị tai nạn mất da trên diện rộng, các cơ sở y tế tuyến đầu nên chuyển bệnh nhân cùng với mảnh da về cơ sở chuyên khoa kịp thời để xử lý kỹ thuật ghép da cho người bệnh. Thiếu tướng, PGS, TS Nguyễn Gia Tiến cũng khuyến cáo người dân khi bị tai nạn, không được rửa các mảnh da bị rời, kể cả các mảnh da dính các dị vật, bùn đất, mùn cưa… mà nên cho vào túi nilon chuyển về các cơ sở y tế chuyên khoa để được xử lý kịp thời. Bởi nếu không làm như vậy thì mảnh da đó có thể hỏng, muộn hơn 6 giờ vàng thì khả năng sống của mảnh da rất kém.

Các bác sĩ Bệnh viện Bỏng Quốc gia cũng khuyến cáo các công nhân nên sử dụng các loại đồ bảo hộ lao động để bảo vệ mình, đặc biệt là cần tập trung cao khi làm việc trên những máy móc có khả năng gây sát thương cao nếu bị cuốn vào.

Tin, ảnh: VƯƠNG THÚY

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/xa-hoi/y-te/benh-vien-bong-quoc-gia-ghep-da-thanh-cong-cho-3-benh-nhan-bi-tai-nan-lao-dong-557794