Bệnh viện Bà Rịa mổ thành công ca ung thư thanh quản đầu tiên

Sau 4 tiếng phẫu thuật, hiện sức khỏe bệnh nhân đã ổn định, được đưa xuống phòng hồi sức hậu phẫu.

Theo tin từ Pháp luật TP.HCM, ngày 2/10, tại bệnh viện Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, các bác sĩ khoa Tai Mũi Họng của bệnh viện cùng với sự hỗ trợ của các bác sĩ đến từ bệnh viện Chợ Rẫy, TP.HCM đã tiến hành mổ thành công cho một bệnh nhân bị ung thư thanh quản.

Đây là trường hợp bệnh nhân ung thư thanh quản đầu tiên bệnh viện Bà Rịa tiến hành mổ trực tiếp tại bệnh viện.

Theo bác sĩ Nguyễn Tuấn Anh Quân, CK II, khoa Tai Mũi Họng, bệnh viện Bà Rịa, bệnh nhân tên Mông Hùng (53 tuổi, nghề nghiệp làm nông, ngụ phường 12, TP.Vũng Tàu). Bệnh nhân bị khàn tiếng hơn một năm sau đó đi khám tại bệnh viện Bà Rịa thì được chuẩn đoán ung thư thanh quản.

Sau khi hội chẩn, bệnh viện quyết định tiến hành mổ cho bệnh nhân tại bệnh viện Bà Rịa. Ngoài bác sĩ Anh Quân còn có sự hỗ trợ, chuyển giao của hai bác sĩ BV Chợ Rẫy, trong đó có bác sĩ Hoàng Bá Dũng, bác sĩ CN II, trưởng khoa Tai Mũi Họng.

Các bác sĩ đã tiến hành đại phẫu tai mũi họng, một kỹ thuật cũng khá phức tạp để cắt thanh quản toàn phần, nạo vét hạch cổ hai bên cho bệnh nhân. Ca mổ tiến hành trong bốn tiếng. Sau mổ sức khỏe bệnh nhân ổn định, được đưa xuống phòng hồi sức hậu phẫu.

Bệnh nhân nằm tại phòng hồi sức sau ca phẫu thuật. Ảnh: Pháp luật TP.HCM

Bệnh nhân nằm tại phòng hồi sức sau ca phẫu thuật. Ảnh: Pháp luật TP.HCM

Theo báo Sức khỏe & Đời sống, ung thư thanh quản là một trong các bệnh lý ung thư vòm mũi họng có thể phẫu thuật cắt bỏ được triệt để và có thể phục hồi phát âm tốt, người bệnh sống sau 5 năm phát hiện bệnh trên 70%.

Vì lý do tiên lượng nặng nề của bệnh ung thư thanh quản giai đoạn muộn nên việc phát hiện sớm có liên quan chặt chẽ đến tiên lượng sống chết của bệnh nhân, nên cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa bệnh nhân và nhân viên y tế. Người bệnh khi thấy xuất hiện các triệu chứng sau cần đi khám:

Triệu chứng xuất hiện đầu tiên là rối loạn giọng nói: giọng khàn, cứng, dai dẳng kéo dài và tăng dần. Các biện pháp điều trị nội khoa không đỡ, cứ tăng dần tới mức độ nói rất khàn, rè, nói mệt và kèm các dấu hiệu khác nữa.

Các dấu hiện xuất hiện muộn trên bệnh ung thư thanh quản có thể kể đến là ho khan, rồi ho khạc đờm nhầy lẫn máu; đau vùng cổ, trước thanh quản, có thể đau lan lên tai; khó chịu ở họng, cảm giác như có dị vật; khó thở thanh quản: khi khối u lan rộng che lấp lòng thanh quản; rối loạn về nuốt: có khi khối u lan ra ngoài thanh quản đến hạ họng gây ra nuốt vướng, nghẹn, đau, nuốt tắc.

Để chẩn đoán ung thư thanh quản, bệnh nhân nhất thiết phải đến khám bác sĩ tai mũi họng. Các bác sĩ sẽ tiến hành khám nội soi, chụp phim cắt lớp vi tính (CT- Scan), khi cần sẽ sinh thiết khối u để đưa ra chẩn đoán quyết định dựa trên kết quả giải phẫu bệnh lý.

Thành công của điều trị ung thư thanh quản phụ thuộc vào giai đoạn của khối u. Ở giai đoạn sớm các bác sĩ có thể sử dụng phẫu thuật cắt dây thanh, vẫn có thể bảo tồn giọng nói. Khi đến giai đoạn muộn, phải cắt thanh quản bán phần, hoặc cắt thanh quản toàn phần, kèm theo phẫu thuật nạo vét hạch cổ.

Sau phẫu thuật, bệnh nhân cần được tia xạ hậu phẫu và điều trị hóa chất phối hợp, kèm theo nâng cao thể trạng và tình trạng miễn dịch chung.

Để phục hồi giọng nói sau cắt bỏ thanh quản toàn phần có 3 phương pháp: lắp van phát âm khí thực quản, tập nói giọng thực quản và dùng dụng cụ thanh quản điện.

Vũ Đậu (T/h)

Nguồn ĐS&PL: https://doisongphapluat.com/doi-song/benh-vien-ba-ria-mo-thanh-cong-ca-ung-thu-thanh-quan-dau-tien-a295365.html