Bệnh viện 6.000 tỷ vắng bệnh nhân do chưa được nghiệm thu?

Lãnh đạo Bệnh viện ung bướu TP.HCM cho biết nhiều hạng mục của cơ sở 2 tại TP Thủ Đức vẫn không được nghiệm thu với lý do 'chưa đủ điều kiện đưa vào sử dụng'.

Trao đổi với Zing, ông Lê Anh Tuấn, Phó giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, cho biết cơ sở 2 tại TP Thủ Đức (quận 9 cũ) được xây dựng với mục tiêu trở thành trung tâm điều trị hiện đại ở miền Nam. Song hiện tại, cơ sở chưa đáp ứng được mục tiêu này.

"Chưa đáp ứng được kỳ vọng"

Bác sĩ Lê Anh Tuấn cho biết sau gần 6 tháng chính thức hoạt động, Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2 tiếp nhận trung bình khoảng 80 bệnh nhân đến khám mỗi ngày. Bệnh viện chưa triển khai điều trị nội trú.

Bên cạnh đó, bệnh viện đã triển khai 11 phòng khám (trong đó có 5 phòng khám bảo hiểm y tế) và thực hiện quy trình chuyển bệnh nhân về cơ sở 1 khi có chỉ định.

 Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2 tại TP Thủ Đức được xây dựng với quy mô gần 6.000 tỷ đồng. Ảnh: Duy Hiệu.

Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2 tại TP Thủ Đức được xây dựng với quy mô gần 6.000 tỷ đồng. Ảnh: Duy Hiệu.

Bệnh viện cũng thiết lập phòng tiểu phẫu với đầy đủ trang thiết bị, vật tư y tế cần thiết và phối hợp Bệnh viện TP Thủ Đức, Bệnh viện Lê Văn Việt (quận 9 cũ) và Trung tâm Cấp cứu 115 để ký hợp đồng hỗ trợ chuyên môn, xây dựng các quy trình xử trí người bệnh cấp cứu.

Trong khi đó, cơ sở 1 là Bệnh viện Ung bướu tại quận Bình Thạnh đón nhận trung bình gần 4.000 lượt người đến khám và 650-700 bệnh nhân nội trú.

Theo thiết kế, Bệnh Viện Ung bướu cơ sở 2 có đủ điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị để đáp ứng 4.000-5000 bệnh nhân đến khám và 1.000 người điều trị nội trú mỗi ngày.

"Hiện, cơ sở 2 chỉ tiếp nhận trung bình 80 bệnh nhân mỗi ngày là chưa đáp ứng được kỳ vọng giảm tải cho cơ sở 1", ông Lê Anh Tuấn nhận định.

Nguyên nhân?

Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2 quy mô 1.000 giường bệnh được thiết kế với đầy đủ khu khám, chữa bệnh ngoại trú, cận lâm sàng và chẩn đoán y khoa, hành chính, hệ thống hạ tầng kỹ thuật và các công trình phụ trợ.

Tổng diện tích sàn xây dựng là 112.582 m2 nhằm đáp ứng tốt hơn công tác khám, chữa bệnh, giảm quá tải cho bệnh nhân ung bướu trên địa bàn TP.HCM và các tỉnh phía Nam.

Khu vực tiếp nhận bệnh, chờ lấy thuốc..., tại bệnh viện rất vắng người. Ảnh: Duy Hiệu.

Tuy nhiên, đến nay, kết quả kiểm tra công tác nghiệm thu hoàn thành công trình xây dựng của Cục Giám định nhà nước về Chất lượng công trình xây dựng (Cục Giám định) vẫn còn giữ ý kiến "toàn bộ công trình, không bao gồm Hạng mục phòng khám Đa khoa tầng 1, tầng 2, tầng 3 thuộc khối nhà chính của công trình, vẫn chưa đủ điều kiện đưa vào sử dụng".

Theo bác sĩ Lê Anh Tuấn, hiện tại, Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2 vẫn giới hạn hoạt động ở khối phòng khám tầng 1, tầng 2, khoa Cấp cứu, nhà thuốc bệnh viện và một phần của các khoa khác như Xét nghiệm, Giải phẫu bệnh, Siêu âm, Chẩn đoán hình ảnh.

"Bệnh viện vừa nhận được thông báo từ chủ đầu tư là Cục Giám định mới ban hành văn bản chấp thuận cho nghiệm thu và 'đưa vào sử dụng đối với tầng hầm 1, tầng hầm 2 của công trình cơ sở 2, Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM'. Chúng tôi đang xây dựng dự thảo đưa vào hoạt động xạ trị ngoại trú, dự kiến từ giữa tháng 5 và báo cáo với Sở Y tế TP.HCM vào đầu tuần sau", bác sĩ Tuấn nói.

Tuy nhiên, bác sĩ Tuấn không nói lý do cụ thể Cục Giám định chưa đồng ý cho đưa toàn bộ công trình vào sử dụng.

Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2 chưa đáp ứng được kỳ vọng giảm quá tải cho cơ sở trung tâm thành phố. Ảnh: Duy Hiệu.

Theo Phó giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, cơ sở 2 chưa thể đưa vào hoạt động một cách đồng bộ. Do đó, hiện tại, bệnh viện chưa có kế hoạch đẩy mạnh truyền thông đến người dân.

Dù vậy, khi được nhận bàn giao thêm hạng mục từ chủ đầu tư, bệnh viện sẽ triển khai ngay các hoạt động khám, điều trị tương ứng để phục vụ bệnh nhân. Đơn vị này đã lên lộ trình cụ thể để từng bước đưa cơ sở 2 đạt được kỳ vọng giảm tải cho bệnh viện ở trung tâm thành phố.

Cụ thể, về nguồn nhân lực, Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2 sẽ có 1.350 người, đạt chuẩn nhân lực của bệnh viện hạng 1, trong đó có 297 bác sĩ, 650 điều dưỡng, 40 dược sĩ, 120 kỹ thuật viên và các nhân viên hành chính hỗ trợ. Tất cả đều là người có thâm niên làm việc tại cơ sở 1 hoặc nhân viên được đào tạo chuyên môn cao.

Theo định hướng của UBND TP.HCM và Sở Y tế TP.HCM, Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2 sẽ là cơ sở chính khám, chẩn đoán và điều trị tất cả bệnh trong lĩnh vực ung bướu.

Cơ sở 1 sẽ phát triển thành 2 trung tâm chuyên sâu gồm Trung tâm khám và điều trị ban ngày trong lĩnh vực ung bướu và Trung tâm Tầm soát bệnh tật bằng công nghệ cao. Trong thời gian tới, bệnh viện sẽ có kế hoạch truyền thông để các bệnh nhân đến từ tỉnh và TP Thủ Đức đến khám, điều trị tại cơ sở 2. Các bệnh nhân điều trị nội trú và ngoại trú có địa chỉ ở tỉnh, TP Thủ Đức cũng được chuyển đến cơ sở 2.

Cơ sở 1 chủ yếu dành cho bệnh nhân đến từ các quận, huyện khác trong TP.HCM. Tuy nhiên, khi bệnh nhân có nguyện vọng được khám và điều trị không theo định hướng phân luồng, bệnh viện vẫn tiếp nhận theo nguyện vọng của họ.

"Chúng tôi tin tưởng với sự đồng bộ về hạ tầng giao thông, cơ sở vật chất khang trang, thiết bị y tế hiện đại, đồng bộ và đội ngũ nhân viên y tế tận tụy, chất lượng cao, Bệnh viện Ung bướu TP.HCM cơ sở 2 sẽ sớm hoạt động hiệu quả, đáp ứng được kỳ vọng chăm sóc khám, chữa bệnh chất lượng cao cho người dân", bác sĩ Tuấn nói.

Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2 có địa chỉ tại đường 400, ấp Cây Dầu, phường Tân Phú, TP Thủ Đức (TP.HCM). Dự án được khởi công xây dựng ngày 26/6/2016 và bắt đầu tiếp nhận bệnh nhân vào 12/10/2020. Bệnh viện có quy mô 1.000 giường với mục tiêu trở thành trung tâm điều trị hiện đại ở miền Nam.

Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2 có quy mô 1.000 giường, đạt tiêu chuẩn cao nhất về mật độ xây dựng của Bộ Y tế. Cơ sở được đầu tư hệ thống trang thiết bị y tế hiện đại, kỹ thuật cao, bao gồm thiết bị xạ trị, hệ thống máy gia tốc, y học hạt nhân, kiểm soát nhiễm khuẩn, máy chụp MRI, thiết bị chụp tia X, xét nghiệm tự động, sinh hóa - huyết học...

Bích Huệ

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/benh-vien-6000-ty-vang-benh-nhan-do-chua-duoc-nghiem-thu-post1207462.html