Bệnh về đường hô hấp tăng đột biến

Những ngày qua, số lượng bệnh nhân phải nhập viện điều trị nội trú các bệnh liên quan đến đường hô hấp cũng như điều trị ngoại trú tại các bệnh viện, phòng khám trong tỉnh tăng đột biến.

Bác sĩ Phòng khám Phụ sản - nhi Sài Gòn khám bệnh cho bệnh nhi bị bệnh đường hô hấp. Ảnh: H.Dung

Bác sĩ Phòng khám Phụ sản - nhi Sài Gòn khám bệnh cho bệnh nhi bị bệnh đường hô hấp. Ảnh: H.Dung

Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bạch Thái Bình cho hay, trẻ nhỏ và người lớn tuổi là những người dễ có nguy cơ mắc bệnh nhất. Nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách, bệnh có thể sẽ trở nặng, phải điều trị lâu dài, ảnh hưởng đến sức khỏe, sinh hoạt của người dân.

* Hàng trăm người khám, nhập viện mỗi ngày

BS CKII Phạm Thị Thu Thủy, Trưởng khoa Hô hấp Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai cho biết, trong khoảng 2 tuần nay, mỗi ngày khoa tiếp nhận, điều trị cho hơn 100 bệnh nhi bị các bệnh liên quan đến đường hô hấp như: viêm phổi, viêm phế quản, viêm tiểu phế quản. Các bệnh nhân chủ yếu từ 1-5 tuổi, có những bệnh nhân mới chỉ một, vài tháng tuổi cũng đã mắc bệnh. Ngoài ra, còn có hàng trăm bệnh nhân khác khám và điều trị ngoại trú, tăng gấp 5, 6 lần so với những tháng trước.

“Những bệnh nhân nào có dấu hiệu bệnh nặng chúng tôi mới chỉ định nhập viện để điều trị vì số lượng giường bệnh có hạn. Những bệnh nhân nào bị bệnh nhẹ, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc để phụ huynh về nhà chăm sóc, cho trẻ uống thuốc, theo dõi trẻ tại nhà và tái khám theo lời hẹn của bác sĩ” - BS Thủy nói.

Chị Nguyễn Thị Huyền (ngụ P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa) cho biết, con chị gần 4 tuổi, bị ho, sốt đã hơn 1 tuần nay. Sau khi điều trị ở nhà 2 ngày không đỡ, vợ chồng chị đã đưa con vào bệnh viện để điều trị. Để chăm sóc con, chị Huyền và chồng phải thay phiên nhau xin nghỉ làm để túc trực tại bệnh viện.

Trong khi đó, tại Phòng khám Phụ sản - nhi Sài Gòn (P.Tân Mai, TP.Biên Hòa), mới 8 giờ sáng đã có rất đông phụ huynh đưa con, em đến khám bệnh.

Chị Lê Thị Mỹ Dung (ngụ P.Phước Tân, TP.Biên Hòa) chia sẻ, con chị là bé L.B.T., 4 tuổi, bị sốt, ho, sổ mũi 2 ngày liên tục, cho uống thuốc hạ sốt chỉ hạ một chút rồi sốt lại. Lo ngại tình trạng bệnh của con, chị đã xin nghỉ làm vài ngày ở công ty để đưa con đi khám. Tuy nhiên, do lượng bệnh đến khám đông nên mẹ con chị phải chờ rất lâu mới đến lượt.

Cũng đưa cháu đi khám bệnh, bà Nguyễn Thị Thúy Hà (P.Tân Hiệp, TP.Biên Hòa) cho hay, không chỉ riêng cháu bà 32 tháng tuổi bị viêm họng, ho, sốt mà vợ chồng bà năm nay gần 70 tuổi cũng bị cảm cúm mấy ngày nay.

BS Chìu Kín Hầu, Phòng khám Phụ sản - nhi Sài Gòn cho biết, từ đầu tháng 10 đến nay, số bệnh nhân đến khám tại phòng khám tăng mạnh. Cao điểm có những ngày lên tới 500-700 ca, trong đó hầu hết là các bệnh liên quan đến đường hô hấp.

* Phòng bệnh mùa đông - xuân

BS CKII Bạch Thái Bình, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh lý giải, thời điểm này đã bắt đầu bước vào mùa đông - xuân. Thời tiết thay đổi, mưa nhiều khiến các bệnh đường hô hấp tăng mạnh, biểu hiện chính là ho, sốt, sổ mũi.

Để tránh mắc bệnh, người dân nên chú ý đến chế độ sinh hoạt hằng ngày cho phù hợp, đặc biệt là đối với trẻ nhỏ và người già - những người có hệ miễn dịch kém. Vào ban đêm, đầu sáng, cần chú ý giữ ấm cơ thể, tránh bị nhiễm lạnh như mở máy lạnh nhiệt độ quá thấp, nên mặc quần áo đủ ấm cho trẻ khi đi ngủ vì trẻ thường không thích đắp chăn.

Đối với bệnh cúm và viêm phổi virus, hiện đã có vaccine phòng bệnh, cả người lớn và trẻ em cần tăng cường tiêm chủng để phòng, chống bệnh.

Cũng theo BS Bạch Thái Bình, hiện nay dịch bệnh Covid-19 đã được kiểm soát tốt nhưng ngành Y tế vẫn luôn trong tư thế chủ động, không chủ quan. Những bệnh nhân nào đang điều trị nội trú tại các bệnh viện có biểu hiện ho, sốt, đau họng đều được nhân viên y tế lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm SARS-CoV-2.

Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc phòng, chống dịch bệnh Covid-19 và các bệnh mùa đông - xuân mới đây, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên lưu ý ngành Y tế các địa phương cần tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh, đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu và thực hiện phòng, chống dịch bệnh hiệu quả.

“Hiện đang là thời điểm đỉnh của dịch bệnh sốt xuất huyết và tay chân miệng. Ngoài ra, các bệnh sởi, rubella, bạch hầu, tiêu chảy cũng đang vào mùa. Do đó, các tỉnh, thành cần chủ động phân tích, đánh giá tình hình dịch bệnh tại địa phương để triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh hiệu quả. Trong đó, đặc biệt cần củng cố các đội phòng, chống dịch bệnh cơ động, sẵn sàng lên đường làm nhiệm vụ, có đầy đủ trang thiết bị phòng hộ, thuốc men; tổ chức các tổ tuyên truyền với phương châm đi từng ngõ, gõ từng nhà để nâng cao ý thức phòng bệnh của người dân” - ông Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh.

Hiện nay, Phòng khám đa khoa và tiêm chủng của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đang có 5 loại vaccine phòng bệnh cúm do các nước Hà Lan, Pháp, Việt Nam và Hàn Quốc sản xuất. Giá thành cho mỗi mũi tiêm vaccine phòng bệnh cúm từ 175-248 ngàn đồng.

Hạnh Dung

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/xahoi/202010/benh-ve-duong-ho-hap-tang-dot-bien-3027603/