Bệnh từ rượu và bài thuốc giải rượu của y học cổ truyền

Lạm dụng rượu, bia là không tốt, tuy nhiên trong một số trường hợp khó tránh phải việc phải sử dụng chúng. Để hạn chế những tác dụng có hại của rượu các chuyên gia y tế luôn khuyến cáo hạn chế sử dụng vì không có mức uống rượu là an toàn.

Việc uống nhiều rượu bia sẽ tổn hại đến sức khỏe, làm tăng nguy cơ mắc phải những căn bệnh nguy hiểm.

Theo y học hiện đại, chất ethanol trong bia, rượu làm giãn mạch ngoại biên (đỏ mặt, đỏ da), làm tăng nhịp tim, làm cơ thể phát nhiệt mạnh; tác dụng lên hệ thần kinh gây hưng phấn; kích thích tiêu hóa, làm tăng dịch vị; rượu làm rối loạn các phản xạ co thắt mao mạch khiến hạ huyết áp, rượu ngấm trực tiếp vào máu trên toàn bộ máy tiêu hóa. Ở ruột, ethanol bị các vi khuẩn chuyển thành acetaldehyt, chúng tiêu hủy các dưỡng bào kiểm soát tính thấm của thành ruột, nên lạm dụng đồ uống có cồn sẽ làm tổn thương thành ruột. Rượu ngấm vào máu được chuyển hóa ở gan tạo thành acetaldehyt, chất gây nên các cơn đau nhức đầu, làm chết nhiều tế bào thần kinh, làm giảm tinh trùng, giảm tình dục và gây bệnh về gan.

Với phụ nữ có thai, rượu ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi, dễ sinh con có khuyết tật và thiểu năng trí tuệ. Các chất độc sinh ra trong quá trình sản xuất rượu (aldehyt, furfurol, methanol...) cũng được chuyển hóa ở gan, nên người thường xuyên uống rượu bia không rõ nguồn gốc xuất xứ dễ bị các bệnh về gan (suy gan, xơ gan).

Theo y học cổ truyền (YHCT), rượu có vị cam khổ tân ôn, có độc; vào tâm, can, phế, vị. Có tác dụng thông kinh, khai vị, trợ tiêu hóa, khu phong tán hàn thấp tý. Chữa chấn thương ngoại khoa sưng nề đau nhức, đau vùng ngực bụng do phong hàn lãnh thống, các trường hợp co cứng cơ (kinh giật, chuột rút, đau quặn cấp...). Liều dùng thấp (20-50ml) làm gia vị và khai vị. Uống ít để khai vị, làm tăng mùi thơm ngon của thức ăn (kích thích tiêu hóa), loại bỏ vị tanh hôi. Một số loại thực phẩm, thảo dược được ngâm trong rượu 2 - 3 tuần, sau đó lọc lấy “rượu thuốc” để chữa bệnh (rượu ngũ gia bì, rượu phong thấp, rượu rắn, rượu sâm quy...).

Cát hoa (hoa sắn dây) là vị thuốc trong bài Cát hoa giải trình thang trị uống rượu quá nhiều gây nôn mửa đờm nghịch, tâm thần phiền loạn,...

Cát hoa (hoa sắn dây) là vị thuốc trong bài Cát hoa giải trình thang trị uống rượu quá nhiều gây nôn mửa đờm nghịch, tâm thần phiền loạn,...

Y dược học cổ truyền xác định rượu có độc, cần lưu ý

Chất lượng rượu: do sản xuất thủ công nên phần lớn các loại rượu này chưa loại bỏ các chất độc hại sinh ra trong quá trình lên men và chưng cất, nhất là chất độc: aldehyt, furfurol, methanol... gây độc thần kinh dẫn đến tử vong. Chỉ uống loại rượu đã kiểm định chất lượng.

Liều lượng rượu: cơ thể mỗi người đều có men hóa giải rượu chứa trong gan, chúng chuyển ethanol thành acetaldehyt, thành CO2 và nước. Số lượng men này ở mỗi người một khác (do gene di truyền), người có nhiều men hóa giải rượu được coi là tửu lượng cao, người có ít thì tửu lượng thấp. Vì vậy với cùng lượng rượu như nhau, có người uống thì say, có người không say. Chỉ nên uống từ 20-50ml để khai vị và chữa bệnh.

Say rượu và ngộ độc rượu

Say rượu: là hiện tượng ngộ độc ethanol, gây nhiễm độc thần kinh với các cấp độ khác nhau: đỏ mặt, nói nhiều, có thể nôn mửa (độ 1); suy nghĩ kém chính xác, thiếu tự chủ trong hành vi và lời nói (độ 2); nói lè nhè, cảm xúc thất thường, dễ kích động, hay gây gổ và liều mạng (độ 3); ngừng thở nếu không cấp cứu kịp thời sẽ chết (độ 4).

Ngộ độc rượu: uống rượu có lẫn methenol hay các chất khác ngoài ethanol gây chóng mặt, buồn nôn, nôn, ăn vào nôn ra nhiều, đau bụng, lú lẫn, yếu cơ, mắt mờ hoặc nhìn thấy trắng mờ, rối loạn về cảm giác màu sắc. Nếu thấy các triệu chứng trên ở người đã uống rượu thì phải đưa ngay đến cơ sở y tế để cấp cứu kịp thời.

Bài thuốc giải say rượu

Uống nhiều rượu bia trong một thời gian ngắn sẽ gây ra trạng thái lơ mơ, đau đầu, buồn nôn và nôn, run rẩy hoặc ngất xỉu, ngừng thở. Nếu uống nhiều rượu bia trong một thời gian dài sẽ dễ bị cảm mạo, đau đầu, hay quên, đau mắt; viêm xoang, viêm họng, hôi miệng; hoàng đản (vàng da do rượu); tiêu chảy, đại tiện ra huyết, lỵ tật, trĩ lậu; tiêu khát; chứng trúng phong, nuy chứng... Sau đây là 2 bài thuốc giải rượu.

Bài 1 - Cát hoa giải trình thang: mộc hương 3g, nhân sâm 9g, trư linh 9g, trạch tả 12g, bạch truật 12g, bạch đậu khấu 3g, sa nhân 3g, quất bì 9g, phục linh 9g, thần khúc 12g, can khương 12g, thanh bì 18g, cát hoa (hoa sắn dây) 30g. Tán bột, mỗi lần uống 10g, uống với nước canh nóng cho ra mồ hôi. Công dụng: kiện tỳ, lý khí, hóa thấp tỉnh rượu. Trị uống rượu quá nhiều, nôn mửa đờm nghịch, tâm thần phiền loạn, hung cách bĩ tắc, múa tay dậm chân, ăn uống giảm sút, tiểu tiện khó.

Bài 2 - Tửu tích hoàn: hoàng liên 30g, bán hạ khúc 24g, sa nhân 15g, ô mai nhục 30g, chỉ thực 15g, hạnh nhân 10g, ba đậu sương 3g. Tán bột, làm hoàn. Mỗi lần uống 10g. Công dụng: thanh nhiệt, lý khí, tiêu tích đạo trệ. Chữa uống rượu nhiều gây tích trệ, mặt vàng sạm, bụng căng trướng, thỉnh thoảng nôn ra đờm nước, đại tiện khó, miệng khát, rêu lưỡi dày nhờn, mạch hoạt hoặc bệnh dạ dày, ruột, gan nhiễm mỡ do uống rượu.

Những cấm kỵ khi uống rượu

Theo YHCT, người âm hư, thấp nhiệt (viêm nhiễm cấp tính) và phụ nữ có thai không được uống rượu; hạn chế dùng với người mất máu nhiều (chấn thương, vừa mới hiến máu, cho máu); không ép nhau uống rượu; phụ nữ trong độ tuổi sinh sản không nên uống rượu; nam giới sau khi uống rượu nên kiêng sinh hoạt tình dục; khi uống rượu thì không hút thuốc lá, không dùng đồ uống có caffein; không uống rượu khi đang dùng thuốc có tương kỵ với rượu; sau khi uống rượu không được lái xe, vận hành máy móc, dễ gây tai nạn; nếu bị nhức đầu do uống rượu, cấm dùng paracetamol hoặc aspirin.

TS. Nguyễn Đức Quang

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/benh-tu-ruou-va-bai-thuoc-giai-ruou-n190087.html