Bệnh truyền nhiễm thường gặp: Những kiến thức trẻ cần biết

Trẻ em thường rất dễ mắc các bệnh truyền nhiễm do sức đề kháng kém và hệ miễn dịch chưa hoàn thiện.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

PGS.TS.BS Tôn Nữ Vân Anh – Trung tâm Nhi (Bệnh viện T.Ư Huế) chia sẻ cách dạy trẻ phòng tránh hiệu quả một số bệnh truyền nhiễm thường gặp.

- Xin PGS cho biết, những bệnh truyền nhiễm nào thường gặp nhất ở trẻ em?

- Trước tiên, chúng ta cần phải biết thế nào là bệnh truyền nhiễm. Đây là nhóm bệnh lây truyền trong cộng đồng với các cách thức hay đường lây truyền khác nhau, là bệnh mà tác nhân có thể là vi khuẩn, ký sinh trùng hoặc virus. Khi bị nhiễm bệnh, cơ thể sẽ đáp ứng qua miễn dịch thể dịch hoặc trung gian tế bào tạo miễn dịch cho cơ thể.
Ở trẻ em, bệnh truyền nhiễm có thể lây truyền qua đường hô hấp (điển hình như virus SARS-CoV-2), bệnh lây qua da, niêm mạc, đường máu và đường tiêu hóa hoặc kết hợp.

Các loại bệnh truyền nhiễm thường gặp và phổ biến ở trẻ em là các bệnh lây qua đường hô hấp, tiêu hóa và da. Trong đó phải kể đến các bệnh: Tiêu chảy cấp, viêm phổi… Bệnh tiêu chảy cấp là loại bệnh thường gặp ở trẻ em lứa tuổi mầm non và những năm đầu cấp tiểu học. Bệnh gây tử vong cao do trẻ bị mất nước và các chất điện giải.

Với trẻ nhỏ, cha mẹ cần theo sát tình hình của con. Còn với trẻ từ cấp tiểu học, cha mẹ căn dặn con báo ngay với người lớn khi gặp các triệu chứng: Đi phân lỏng nhiều nước, số lần đi nhiều hơn 3 lần trong 24 giờ, thường kéo dài 1 tuần. Nôn thường xuất hiện đầu tiên trong trường hợp tiêu chảy do virus Rota hoặc tiêu chảy do tụ cầu. Nôn liên tục hoặc vài lần làm cho trẻ bị mất nước và chất điện giải.

Bệnh viêm phổi có thể xuất hiện khi trẻ đang bị một đợt ho hoặc cảm cúm. Lúc này cơ thể bé giảm sức đề kháng và niêm mạc đường hô hấp bị tổn thương là cơ hội tốt cho vi trùng xâm nhập. Sau vài ngày, vi khuẩn và virus có thể nhanh chóng sinh sôi nảy nở, tạo nên những túi phế nang chứa mủ và chất nhầy bị nhiễm khuẩn.

Những biểu hiện chính của bệnh viêm phổi: Ho vừa đến nặng – thường là ho nặng tiếng, nhưng không nhất thiết như vậy. Thở nhanh liên tục. Thở gắng sức: Cánh mũi phập phồng, thở rên, co kéo cơ liên sườn (phần mềm giữa các xương sườn lõm vào khi trẻ hít vào), co rút hõm ức, rút lõm lồng ngực. Dấu hiệu rút lõm lồng ngực khi trẻ hít vào. Sốt – sốt vừa đến sốt cao. Đau ngực – không chỉ trong lúc ho, mà cả giữa các cơn ho. Nôn – không chỉ sau những cơn ho mạnh mà cả giữa các cơn ho. Tím tái quanh môi và ở mặt – do thiếu oxy.

PGS.TS.BS Tôn Nữ Vân Anh. Ảnh: NVCC

- Trong việc bảo đảm sức khỏe thì “phòng” luôn hơn “chống”. Vậy, PGS có thể cho biết cha mẹ cần làm gì để bảo vệ con tốt nhất khỏi các nguy cơ nhiễm bệnh?

- Có một số bệnh truyền nhiễm có thể điều trị bằng thuốc đặc hiệu như kháng sinh trong viêm phổi, lị, viêm màng não mủ. Tuy nhiên, rất nhiều loại bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn như bạch hầu, ho gà... do virus, bại liệt, viêm gan... rất khó khăn trong việc điều trị và khi trẻ mắc bệnh để lại nhiều di chứng thậm chí tử vong. Do đó, trong vấn đề chăm sóc sức khỏe nói chung tốt nhất là phòng bệnh hơn là chống bệnh.

Trước tiên, cha mẹ cần cho trẻ tiêm chủng đầy đủ theo chương trình tiêm chủng mở rộng và những vắc-xin đang được khuyến cáo của Bộ Y tế.

Cùng với đó, bố mẹ nên hướng dẫn trẻ cách tự chăm sóc bản thân như tránh tiếp xúc những nguy cơ lây bệnh đối với bản thân trẻ và lây lan cho cộng đồng như: Che miệng khi ho, đeo khẩu trang khi bị bệnh, giảm tiếp xúc với người bệnh, rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh để tránh các bệnh lây truyền đường tiêu hóa. Vệ sinh cơ thể, tắm rửa sạch hàng ngày để tránh bệnh lây truyền qua da. Không được đi chân trần, ăn thực phẩm không hợp vệ sinh để tránh nhiễm ký sinh trùng giun đũa, giun móc...

- Theo PGS, tuổi nào bắt đầu dạy trẻ cách nhận biết và phòng tránh các bệnh truyền nhiễm thường gặp?

- Khoảng 1 tuổi trẻ biết đi, sau 18 tháng thì đã hiểu được lời nói có yêu cầu, 2 tuổi là não bộ cơ bản đã nhận thức được. Do đó, ở tuổi đến trường mầm non, từ nhà trẻ, muộn nhất là mẫu giáo, chúng ta có thể giáo dục trẻ những hành vi tốt nhằm giúp trẻ dự phòng bệnh truyền nhiễm cho bản thân trẻ và cộng đồng.

- Nhiều cha mẹ băn khoăn về cách truyền đạt kiến thức này tới trẻ phù hợp và hiệu quả với từng lứa tuổi?

- Có thể dạy trẻ nhận biết và phòng tránh một số bệnh truyền nhiễm thường gặp bằng cách kể chuyện có hình ảnh minh họa, cho trẻ xem clip hoặc phim hoạt hình về chủ đề liên quan để trẻ tự rút ra bài học về tự bảo vệ an toàn cho bản thân. Cha mẹ nên thường xuyên cảnh báo và chia sẻ với trẻ về lợi ích của việc giữ vệ sinh, tác hại khi nhiễm bệnh bằng ngôn ngữ gần gũi, dễ hiểu để trẻ dễ nhớ, dễ áp dụng. Có thể đặt ra các tình huống giả định để kiểm tra kỹ năng và phản xạ của trẻ trong việc áp dụng các “kiến thức” nhận biết và phòng bệnh.

- Covid–19 là một loại bệnh mới. Đây có phải là bệnh truyền nhiễm không và phụ huynh nên trang bị kiến thức gì để nâng cao ý thức phòng dịch cho trẻ khi tới trường và nơi công cộng, thưa PGS?

- Covid–19 là bệnh truyền nhiễm vì nó lây lan mạnh trong cộng đồng qua đường hô hấp. Hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vắc-xin phòng bệnh vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm lâm sàng. Dịch bệnh hiện đang ảnh hưởng đến hầu khắp các quốc gia trên thế giới, nhiều địa phương ở nước ta trẻ cũng đang phải tạm dừng đến trường để phòng, chống dịch. Bởi vậy, phụ huynh nên chú trọng hướng dẫn trẻ cách phòng chống, tự bảo vệ bản thân và cộng đồng như: Hạn chế đến nơi tập trung đông người; Đeo khẩu trang khi phải đến nơi công cộng; Rửa tay thường xuyên; Nâng cao thể lực bằng cách bổ sung chất dinh dưỡng; Tiêm vắc–xin khi có thể.

- Trân trọng cảm ơn PGS!

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/gia-dinh/benh-truyen-nhiem-thuong-gap-nhung-kien-thuc-tre-can-biet-bMKeDQsGg.html