Bệnh tim mạch đang đe dọa người Việt: 25% dân số mắc bệnh

Được đánh giá là một trong bốn loại bệnh không lây nhiễm nhưng lại có số ca tử vong, người mắc bệnh ngày càng cao, các bệnh lý về tim mạch đang là mối đe dọa của người Việt Nam. Nguyên nhân của bệnh có thể do tuổi tác, di truyền, thế nhưng nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng chính lối sống vội vàng, căng thẳng cùng chế độ ăn uống thiếu khoa học đã khiến độ tuổi mắc bệnh lý về tim ngày càng trẻ hóa.

GS.TS Nguyễn Lân Việt - Chủ tịch Hội Tim mạch Việt Nam nhấn mạnh, các bệnh lý thì bệnh lý tim mạch có thể phòng ngừa được. Ảnh: TT

25% người Việt mắc bệnh tim mạch

Đầu tháng 10 vừa qua, Hội Tim mạch Việt Nam đã tổ chức hội nghị Tim mạch với sự tham dự của 2.000 đại biểu khách mời trong nước và quốc tế. Trao đổi thông tin tại hội nghị, các chuyên gia về tim mạch học Việt Nam cho biết, hiện nay, bệnh tim mạch đã và đang là một gánh nặng cho xã hội với tỉ lệ tử vong và tàn phế cao nhất. Bên cạnh đó, chi phí cho chăm sóc, điều trị bệnh tim mạch cũng là gánh nặng đáng kể với hàng trăm tỉ USD mỗi năm. Tổ chức Y tế thế giới ước tính, hàng năm có đến 17,5 triệu người tử vong do các bệnh liên quan đến tim mạch và số bệnh nhân tích lũy ngày một nhiều.

Theo nghiên cứu của Hội Tim mạch Việt Nam, hiện Việt Nam có 25% dân số mắc bệnh về tim mạch và tăng huyết áp. Đặc biệt, trong những năm gần đây, bệnh lý tăng huyết áp đang được trẻ hóa với rất nhiều đối tượng đang còn trong độ tuổi lao động. Tỉ lệ tăng huyết áp của những người từ 25 tuổi trở lên ở Việt Nam đã là 47%. Thế nhưng đến nay vẫn còn nhiều người thờ ơ, chủ quan với sức khỏe tim mạch của chính mình.

Trong khi đó, phân tích về các nguyên nhân gây bệnh, GS.TS Nguyễn Lân Việt - Chủ tịch Hội Tim mạch Việt Nam nhấn mạnh, các bệnh lý thì bệnh lý tim mạch có thể phòng ngừa được. Bởi ngoài những nguyên nhân mắc bệnh do tuổi cao, yếu tố di truyền, chủng tộc không thay đổi được thì nhiều nguyên nhân khác lại có thể kiểm soát.

“Ví dụ như chế độ ăn uống, ăn quá mặn thì chắn chắn sẽ tăng huyết áp, ăn quá nhiều thực phẩm có nhiều cholesterol thì sẽ dẫn đến nguy cơ bị xơ vữa động mạch, uống nhiều rượu bia, đặc biệt là hút thuốc lá, thuốc lào làm tổn thương nội mạc, gây xơ vữa và gây ra rất nhiều bệnh lý tim mạch” - ông Việt cho hay.

Đáng nói, từ khi Việt Nam có máy chụp mạch để can thiệp mạch vành thì ngành tim Việt Nam phát hiện hút thuốc lá, thuốc lào có mối tương quan chặt chẽ với các bệnh lý tim mạch, đặc biệt là bệnh động mạch vành. Đa số các bệnh nhân từ 40 - 45 tuổi nhập viện bị nhồi máu cơ tim thì có 90% bệnh nhân hút 2 gói thuốc lá/ngày. Như vậy bệnh lý về tim đã ảnh hưởng đến người trẻ do chính từ chế độ sinh hoạt của họ.

Một yếu tố khác là con người hiện đại đang mất đi thời gian nghỉ ngơi trong cuộc sống hối hả. Có những nhân viên văn phòng ngồi từ sáng tới tối trên máy vi tính, ít vận động, ít có thời gian để dành cho nghỉ ngơi. Bên cạnh đó, những căng thẳng trong cuộc sống, bức xúc trong công việc, gia đình rất ảnh hưởng đến sức khỏe.

PGS Phạm Mạnh Hùng chia sẻ thêm, thống kê của Hội Tim mạch cũng cho thấy, cứ 3 ca tử vong tại bệnh viện thì có 1 ca chết do các bệnh về tim. Hiện nay mỗi năm chúng ta có 600.000 ca tử vong thì có 200.000 ca tử vong do bệnh tim mạch. Đó là những con số đáng báo động mà người Việt cần phải chú ý ngay từ bây giờ.

Nỗ lực của ngành tim mạch học Việt Nam

Đứng trước thách thức về việc người Việt đang ngày càng mắc các bệnh lý tim mạch ở độ tuổi trẻ hơn và nhiều hơn, các chuyên gia đã đưa ra những khuyến cáo. GS.TS Nguyễn Lân Việt chia sẻ, ngoài lối sống lành mạnh, người dân của chúng ta cần có thói quen khám sức khỏe định kỳ. “Đây là điều rất thiếu sót bởi không phải chỉ nhiều người thông qua khám sức khỏe, thực hiện các xét nghiệm cơ bản đã phát hiện rất nhiều bệnh và được điều trị sớm bởi không phải bệnh nào cũng có dấu hiệu lâm sàng” - ông Việt cho hay.

Đặc biệt, hiện nay đa phần các Trung tâm y tế tại Việt Nam đã được trang bị trang thiết bị rất tốt, cập nhật những tiến bộ của thế giới đưa vào ứng dụng trong điều trị cho người dân của mình. Nếu trước đây nhồi máu cơ tim chỉ cho uống thuốc giảm đau, thở ôxy thì nay đã có thiết bị y tế hiện đại cấp cứu khoảng 30 phút sau có thể cứu sống bệnh nhân ngay.

“Với gần 90 trung tâm y tế đã có thể thực hiện nhiều thủ thuật khó, can thiệp, điều trị các bệnh về tim mạch trên cả nước, ngành Tim mạch học Việt Nam đang đứng đầu khu vực và vươn tầm ra thế giới. Về lĩnh vực tim mạch Việt Nam, chúng ta đã cập nhật gần như tất cả các chuẩn đoán, phương pháp điều trị mà các nước trên thế giới đã thực hiện được như các bệnh lý về van tim, mạch vành, có trường hợp tim bẩm sinh, rối loạn nhịp tim... Thậm chí xưa nay chúng ta đi ra các nước để học tập thì hiện nay, nhiều bác sĩ tim mạch Việt Nam đã được mời qua các nước trong khu vực để chuyển giao các kỹ thuật. Tổ chức Y tế Thế giới cũng đã mời các bác sĩ chúng ta qua giảng dạy” – ông Việt chia sẻ.

Bên cạnh vấn đề điều trị, ông Việt chia sẻ, năm 1986 khi đi sang Pháp học về siêu âm tim thì ngạc nhiên rằng có tới 90% nữ y tá tại Pháp hút thuốc và tỉ lệ ung thư của họ rất cao. “Thế nhưng đến nay khi qua lại Pháp, người ta đã có lệnh cấm hút thuốc ở tất cả các nơi công cộng. Tôi cho rằng đây là bài học mà Việt Nam cần phải làm ngay. Biện pháp của họ là đánh động vào kinh tế, trên bao thuốc lá có in những dấu hiệu độc hại, những căn bệnh người dân có thể mắc khi sử dụng thuốc lá. Chính phủ đánh vào thuế, giá buôn bán thuốc lá cao, tiền bao thuốc lá cao... Đó là những điểm mà chúng ta có thể học từ nước bạn. Đặc biệt hơn, với mức thu nhập của người dân hiện nay của nước ta còn thấp, việc động viên khuyến khích người dân tham gia bảo hiểm y tế là điều rất cần thiết bởi các chi phí cho điều trị bệnh tim mạch khá cao” - ông Việt khuyến nghị.

Thùy Trang

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/lao-dong-cuoi-tuan/benh-tim-mach-dang-de-doa-nguoi-viet-25-dan-so-mac-benh-635767.ldo