Bệnh thủy đậu và cách phòng ngừa

Bệnh thủy đậu là một bệnh do một loại virus mang tên Varicella Zoster Virus gây ra và chiếm trên 90% số đối tượng chưa tiêm phòng vacxin có khả năng mắc bệnh.

Bệnh rất dễ lây và thường có các triệu chứng chóng mặt, sốt nhẹ, khắp người nổi mụn. Khi đã mắc thủy đậu, cần cách ly ít nhất 5 - 7 ngày, dịch thường xảy ra trong gia đình và trường học. Thủy đậu là một bệnh rất dễ lây truyền. Khi một người mang vi khuẩn thủy đậu nói, hắt hơi, chảy nước mũi hoặc ho... thì các vi khuẩn đó theo nước bọt, nước mũi bắn ra ngoài lẫn trong bụi. Người khác hít phải bụi đó sẽ lây bệnh ngay. Bệnh có thể rải rác hoặc bùng phát thành các vụ dịch nhỏ ở nhưng nơi đông dân cư, điều kiện vệ sinh kém.

Triệu chứng bệnh: Biểu hiện ban đầu của bệnh là sốt, mệt mỏi, chán ăn, đau mỏi người trong một vài ngày, sau đó, sẽ thấy phát ban và xuất hiện những nốt phỏng nước trên da, mới đầu ban đỏ, sau nổi mụn nước, bọng nước mọc ở toàn thân rồi dần dần lan lên mặt, nếu không biết cách chăm sóc thì sẽ làm cho bệnh lây lan nhanh hơn ngoài ra còn để lại sẹo rất xấu gây ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống. Thông thường, từ lúc nhiễm phải vi khuẩn, đến lúc phát ra bệnh - được gọi là thời gian ủ bệnh là khoảng 2 -3 tuần.

Những mụn nước này thường mọc ở thân người, lan lên mặt và tay chân thậm chí cả trong họng, miệng, đường tiêu hóa. Mụn nước lúc đầu chứa một chất dịch trong, sau đó dịch đó trở nên đục như mủ rồi đóng vẩy. Các vẩy đó sẽ rụng dần và nếu không có biến chứng gì thì sẽ không để lại sẹo.

Đặc điểm của các mụn nước đó là chúng mọc làm nhiều đợt khác nhau. Do đó, cùng trên một vùng da, có thể thấy nhiều dạng khác nhau: hoặc ban đỏ, hoặc mụn nước trong, mụn nước đục, mụn đóng vẩy... trong cùng 1 thời gian. Bệnh có thể khỏi sau 1-2 tuần. Cũng do thời gian tiến triển của bệnh tương đối ngắn, nên một số người đã cho thủy đậu là một bệnh nhẹ, hoàn toàn không nguy hiểm.

Biến chứng bệnh: Vi khuẩn xâm nhập vào các mụn thủy đậu, làm sưng to lên, gây ngứa; người bệnh khó chịu và gãi sẽ làm các mụn thủy đậu bị vỡ và từ đó để lại những vết sẹo rất xấu. Trong một số trường hợp khác, các vi khuẩn nói trên, từ các mụn thủy đậu lại xâm nhập ồ ạt vào máu, gây ra nhiều bệnh ở cơ quan khác, như viêm thận, viêm gan... Riêng chứng bệnh "nhiễm khuẩn huyết" do thủy đậu gây ra rất nguy hiểm.

Chứng viêm phổi do thủy đậu, ít khi xảy ra hơn nhưng rất nặng và rất khó điều trị. Chứng viêm não do thủy đậu cũng vẫn xảy ra, không hiếm: sau thủy đậu người bệnh bỗng trở nên vật vã, quờ quạng chân tay, nhiều khi kèm theo co giật, hôn mê. Những trường hợp này có thể gây chết người nhanh chóng, và một số người bệnh tuy qua khỏi được vẫn mang di chứng thần kinh lâu dài: bị điếc, bị khờ, bị động kinh...

Điều trị bệnh: Bệnh thường nhẹ và tự khỏi nên có thể để bệnh nhân tại nhà để chăm sóc. Việc điều trị chủ yếu là điều trị triệu chứng, nên cần chú ý: 1) Để người bệnh nằm trong phòng riêng, thoáng khí., có ánh sáng mặt trời. 2) Vệ sinh mũi họng hằng ngày cho bệnh nhân bằng dung dịch nước muối sinh lý 9%o. 3) Thay quần áo và tắm rửa hằng ngày cho người bệnh bằng nước ấm trong phòng tắm. 4) Cho ăn các thức ăn mềm, lỏng, dễ tiêu, uống nhiều nước nhất là nước hoa quả. 5) Nếu bệnh nhân có ngứa nhiều, khó chịu nên đưa đến khám tại các cơ sở y tế. Trường hợp bệnh nhân sốt cao, có thể dùng các thuốc hạ sốt giảm đau thông thường theo hướng dẫn của thầy thuốc. 6) Dùng dung dịch xanh Milan để chấm lên các nốt phỏng nước đã vỡ. Dùng kháng sinh trong trường hợp nốt rạ bị nhiễm trùng: nốt rạ có mũ, tấy đỏ vùng da xung quanh... 7) Nên tránh những quan điểm và việc làm không đúng như: Kiêng gió, kiêng nước, để người bệnh ở trong phòng quá kín, cho mặc quần áo quá dày, không tắm rửa vệ sinh hằng ngày khiến người bệnh ngứa ngáy khó chịu, sẽ gãi gây trầy xước các nốt phỏng nước dễ dẫn đến biến chứng nhiễm trùng da, nhiễm trùng máu. Sử dụng các loại lá cây… đắp lên nốt rạ của người bệnh. Không được dùng những loại thuốc uống hoặc thuốc bôi ngoài da khi không có chỉ định của thầy thuốc. Dùng thuốc Aspirin để hạ sốt.

Phòng ngừa bệnh: Cách ly người bệnh, thời gian cách ly: từ lúc bắt đầu phát hiện bệnh (phát ban) cho đến khi các nốt phỏng nước khô vảy hoàn toàn (người bệnh phải nghỉ ngơi khoảng từ 7 – 10 ngày). Để người bệnh ở trong một phòng riêng, có cửa sổ, thoáng mát, có đủ ánh nắng mặt trời...

Duy Phong

Nguồn Tuyên Giáo: http://www.tuyengiao.vn/xa-hoi/benh-thuy-dau-va-cach-phong-ngua-116039