Bệnh thành tích và sản phẩm giả trong nhà trường

Việc một số học sinh lớp 6 trường THCS-THPT Tân Mỹ (huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp) mà đọc, viết vẫn khó khăn khiến dư luận băn khoăn. Phải chăng bệnh thành tích đã tạo nên những 'sản phẩm giả' của giáo dục?

Tuy nhiên, cũng thật đáng buồn vì “thương học trò” nên các thầy cô đã cho các em lên lớp, bất kể học trò có học được hay không. Thương học trò hay “tự thương mình” vì sợ lớp có học sinh lưu ban thì sẽ bị đánh giá, bị trừ thi đua. Nhiều người cho rằng, gốc rẽ việc này bắt nguồn từ “thảm họa” bệnh thành tích.

Có lẽ nhiều người đã quên vào năm 2016, ở Sóc Trăng, có trường hợp học sinh lớp 6 bị trả về lớp 1 vì chưa đọc thông viết thạo. Năm 2019, một trường THCS ở huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang dù đạt chuẩn quốc gia nhưng có đến 5 em học sinh từ lớp 6 lên lớp 7 đọc viết còn kém.

Nói như ông Nguyễn Quang Tùng, Hiệu trưởng Hệ thống giáo dục Lômônôxôp, thì hiện tượng này dù chỉ có ở một vài nơi, nhưng rất có thể nơi khác chưa bị lộ ra. Ông Tùng cho rằng, có 3 nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng này. Trước hết chính là bệnh thành tích trong giáo dục. Tiếp đó là sự vi phạm đạo đức nhà giáo của một số giáo viên và nhà quản lý giáo dục. Và còn có nguyên nhân từ việc chưa thực sự quyết liệt, triệt để trước hiện tượng “ngồi nhầm lớp” không phải xảy ra lần đầu tiên của các cấp quản lý giáo dục.

“Ngồi nhầm lớp” hay là “sản phẩm giả” của giáo dục, nói cách nào cũng được vì nó đều là hậu quả của những gì tệ hại, không thể chấp nhận. Ở đây, không nói đến các em được thầy cô cho “ngồi nhầm lớp” dẫu rằng học lực kém; quan trọng hơn phải “mổ xẻ” từ phía người thầy. Có người cho rằng, giáo viên chủ nhiệm phải chịu trách nhiệm hoàn toàn, vì không thể không biết các em đọc chưa thông viết chưa thạo. Đúng, nhưng không đủ. Vì rằng từ lớp 1 cho tới lớp 6 là cả một quá trình mang tính tiếp nối liên tục, một học sinh học lực kém mà “vượt qua tất cả các cửa” để năm nào cũng lên lớp thì còn phải nhìn nhận nguyên nhân khác.

Nếu như giáo viên chủ nhiệm (trong trường hợp có cả giáo viên bộ môn) cố tình “đẩy” các em lên, thì không lẽ Ban giám hiệu nhà trường không hề hay biết? Điều đó là vô lý. Họ biết cả đấy nhưng lờ đi. Đó có thể coi là hành động rất tệ trong môi trường giáo dục, vì làm hỏng học trò. Nếu như hết lớp 1, em đó chưa đọc, chưa viết được thì cho ở lại lớp 1 năm chắc chắn sẽ biết đọc biết viết để chuyển lên lớp 2. Còn bằng không, cứ “đẩy lên” thì kiến thức của các em đã bị hổng từ đầu sẽ tiếp tục hổng mà không có cách gì cứu vãn, trừ phi đưa trở lại lớp 1. Mất bao nhiêu thời gian.

Xã hội đã nhiều sản phẩm giả, dẹp mãi chưa hết thì học đường không nên “làm ra” những sản phẩm giả. Xin được nhắc lại một điều xưa cũ: Sản phẩm của nhà trường chính là con người. Vì thế càng không được phép.

Ngọc Mai

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/benh-thanh-tich-va-san-pham-gia-trong-nha-truong-559887.html