Bệnh thành tích trong giáo dục ở một số nơi còn nặng nề

Ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cho biết, những đổi mới của giáo dục đào tạo cần tiếp tục triển khai căn cơ, bài bản theo đúng lộ trình.

Hội nghị góp ý dự thảo báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 29 (ban hành năm 2013) về đổi mới giáo dục diễn ra sáng 15/10 tại TP.HCM là dịp nhìn lại các vấn đề của ngành giáo dục.

Các đại biểu nhìn nhận Nghị quyết 29 đã được triển khai đồng bộ từ Trung ương tới địa phương. Ảnh: Thành Lê

Các đại biểu nhìn nhận Nghị quyết 29 đã được triển khai đồng bộ từ Trung ương tới địa phương. Ảnh: Thành Lê

Tham dự hội nghị, đại diện lãnh đạo một số tỉnh ủy, thành ủy, trường đại học, cao đẳng, một số chuyên gia về giáo dục khu vực phía Nam.

Các đại biểu nhất trí với cấu trúc và nội dung dự thảo báo cáo. Dự thảo đã bám sát 6 mục tiêu, 9 nhiệm vụ nêu trong Nghị quyết.

Nghị quyết 29 được nhìn nhận là đã triển khai đồng bộ từ Trung ương tới địa phương.

Sau 5 năm triển khai, ngành giáo dục thực hiện đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ các yếu tố cơ bản của giáo dục, đào tạo theo hướng coi trọng phát triển phẩm chất, năng lực của người học. Hình thức, phương pháp thi, kiểm tra và đánh giá kết quả giáo dục, đào tạo từng bước đổi mới. Xã hội học tập được quan tâm xây dựng, tạo điều kiện cho mọi người học tập suốt đời. Công tác quản lý giáo dục, đào tạo được đổi mới, coi trọng quản lý chất lượng, bước đầu thực hiện tốt chủ trương tăng quyền tự chủ và trách nhiệm xã hội ở một số cơ sở giáo dục, đào tạo. Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý được phát triển về số lượng và nâng cao trình độ đào tạo, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo trong giai đoạn hiện nay. Cơ chế, chính sách tài chính từng bước được hoàn thiện, nâng cao hiệu quả đầu tư, tiếp tục huy động sự tham gia đóng góp của toàn xã hội để phát triển giáo dục và đào tạo.

Kết luận hội nghị, ông Võ Văn Thưởng nhấn mạnh những thành tựu đổi mới giáo dục đào tạo trong 5 năm qua thể hiện sự quan tâm lớn của Đảng, Nhà nước.

Theo ông, trong điều kiện kinh tế còn khó khăn, hằng năm Nhà nước vẫn đảm bảo tỷ lệ chi ngân sách cho giáo dục đào tạo ở mức xấp xỉ 20%, tương đương 5% GDP. Các gia đình cũng dành khoản chi tương đối lớn đầu tư cho học hành của con em.

Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 29, giáo dục mầm non có sự chuyển biến tốt, cả nước đã phổ cập mầm non 5 tuổi. Giáo dục phổ thông đại trà và mũi nhọn đạt kết quả cao được thế giới công nhận. Xây dựng chương trình giáo dục phổ thông cơ bản đáp ứng yêu cầu. Nhận thức trong xã hội về giáo dục nghề nghiệp có chuyển biến tích cực theo hướng giáo dục nghề nghiệp được coi trọng hơn, tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp tốt hơn giai đoạn trước. Số trường đại học được quốc tế công nhận trong xếp hạng châu Á tăng, thí điểm tự chủ của 23 trường đại học, 3 trường cao đẳng bước đầu thành công.

Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng cho rằng dư luận còn nhiều băn khoăn về kỳ thi THPT quốc gia; bệnh thành tích trong giáo dục ở một số nơi còn nặng nề; chất lượng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục, cách đánh giá giáo dục đào tạo chưa đáp ứng yêu cầu…

Ông lưu ý những đổi mới của giáo dục đào tạo cần tiếp tục triển khai căn cơ, bài bản theo đúng lộ trình. Cả xã hội đều quan tâm đến giáo dục đào tạo. Do vậy, cần quan tâm nhiều hơn đến công tác truyền thông, tạo sự đồng thuận và niềm tin trong xã hội về thành công của sự nghiệp đổi mới giáo dục đào tạo.

Thành Lê

Nguồn VietnamNet: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/nguoi-thay/benh-thanh-tich-trong-giao-duc-o-mot-so-noi-con-nang-ne-483525.html