Bệnh thành tích không đến từ giáo viên

Lớp nào cũng lên lớp 100%, trường nào cũng tiên tiến, xuất sắc thì lấy đâu để khen tặng cho hết 'thành tích' của giáo viên. Cái gọi là 'bệnh thành tích' không phải khởi phát từ giáo viên, dẫu biết rằng thầy cô là nhân tố quyết định thành tích của ngành giáo dục.

Bài viết “Hãy trả em về đúng lớp” đăng trên SGGPO ngày 16-12 khiến tôi có nhiều suy tư về sự việc một số em học sinh từ lớp 3 đến lớp 5 trên địa bàn TPHCM đọc, viết rất kém. Cô giáo cho biết các em này học kém từ lớp 1 rồi nhưng “phải chấp nhận như vậy thôi, phải cho lên lớp, chấm 5 điểm cho lên luôn”.

Chúng ta thử xem trách nhiệm của giáo viên đến đâu? Là giáo viên công tác trong ngành hơn 15 năm, cũng là phụ huynh có con đang học tiểu học, tôi thấu hiểu nỗi vất vả, lo lắng của giáo viên với những học sinh “cá biệt”, chậm tiếp thu.

Thầy cô phải chăm chút cho học sinh đã đành, mà mấy ai biết thầy cô còn rất đắn đo về việc lên lớp của các em này. Bởi, nếu để một học sinh ở lại lớp là gia đình phải gánh chi phí học tập thêm một năm. Bản thân học sinh đó phải mang mặc cảm với bạn bè đồng trang lứa, mặc cảm với cái nhìn của người thân, hàng xóm.

Chưa kể những trường hợp bỏ học, bị đẩy vào những tệ nạn xã hội bủa vây. Giáo viên chúng tôi không cần xã hội ghi nhận thành tích, và cũng không muốn các em trở thành gánh nặng xã hội. Giáo dục không phải là vòng dây thép gai để phòng thủ. Giáo dục là vòng tay yêu thương để đón nhận tất cả sự khác biệt của cá thể đang muốn định hình trong một tập thể.

Đọc chậm, viết kém có phải là cái tội để mọi người lên án? Tính toán sai vài con số có trở thành “sản phẩm lỗi” của giáo dục? Phải chăng chúng ta đang quá khắt khe, đang lấy thang đo của người lớn để áp đặt lên quá trình phát triển và hình thành nhân cách của trẻ? Có nhiều phụ huynh không dành đủ thời gian để quan tâm việc học của con, nên đôi khi họ cho rằng cách dạy hiện nay phức tạp hơn ngày xưa.

Đúng thật, tôi có gặp vài bài toán lớp 3 mà tôi phải đi hỏi đồng nghiệp, hoặc mở các bài giảng trực tuyến để tham khảo. Nhưng tôi cho rằng việc này rất bình thường, xin đừng lăn tăn giỏi hay dở ở đây. Để hiểu con và để nói cho con hiểu, cha mẹ cần học ngôn ngữ của con. Nếu đủ yêu thương và quan tâm, cha mẹ sẽ tìm được cách giúp con học tốt.

Đâu phải chờ đến cuối năm mới đánh giá học sinh. Trong một năm học, thầy cô cũng vài lần gặp phụ huynh để trao đổi về việc học của các con. Nếu được giáo viên cho biết con em mình “học chậm”, không theo kịp các bạn trong lớp, những lúc ấy phụ huynh sẽ nghĩ gì?

Có vài phụ huynh sẽ đổ lỗi cho thầy cô dạy không tốt, hoặc cho rằng đây là một lời gợi ý để phải đi học thêm, nhưng cũng có phụ huynh sẵn sàng đón nhận để tìm giải pháp tốt cho con mình.

Hoặc nếu thầy cô thông báo: “Với sức học như vậy thì em không được lên lớp”, lúc đó phụ huynh có chấp nhận được điều này không ? Trong bài viết có đề cập đến chị A. (mẹ em N.V.A., ngụ quận 8), tâm sự: “Phía gia đình đâu có chịu cho bé lên lớp, nhưng trường không đồng ý, cứ bắt cho lên. Nhà trường cho lên lớp hoài để rồi rốt cuộc con tôi vẫn không biết chữ”.

Tôi cho rằng chị A. chỉ muốn nhà trường tìm một giải pháp nào đó để con chị có thể bắt kịp nhịp học của các bạn trong lớp, chứ chị A. đâu nỡ bắt con ở lại lớp để học lại.

Tôi không rõ việc đọc chậm, viết kém của cháu N.V.A là do khả năng tiếp thu của cháu, hay do cháu đang có hứng thú với một sở thích nào đó, hay do tình trạng chưa vào lớp 1 đã biết đọc chữ, hoặc cũng có thể giáo viên đang đứng lớp quản lý học sinh chưa tốt.

Nếu vấn đề ở khung chương trình quá nặng, hoặc vấn đề ở việc dạy học của thầy cô không hay thì “sản phẩm lỗi” sẽ phải xuất hiện ở nhiều hơn một em học sinh. Tôi xin dừng suy đoán để nghĩ đến một giải pháp, vẫn cho các em được lên lớp, nhưng yêu cầu các em phải tham gia các khóa hè để bổ sung kiến thức, với phần kinh phí do nhà trường và hội phụ huynh hỗ trợ.

Theo quy định mới nhất, sĩ số học sinh trong một lớp học không quá 45 học sinh. Thế nhưng hiện nay có những lớp có sĩ số từ 48 đến 50 học sinh. Ấy thế mà vẫn có hàng ngàn học sinh TPHCM có nguy cơ không được học lớp 1, vì các lý do liên quan đến thủ tục hành chính.

Bằng “nghiệp vụ sư phạm”, thầy cô đang phải gồng mình quản lý 45 đứa trẻ còn non nớt, còn trong bàn tay bảo bọc của gia đình, kể cả trong số đó có vài em có chưa “đạt chuẩn”. Các em còn quá nhỏ để xa vòng tay gia đình. Xin đừng đưa ra các quy định khắt khe để phủ nhận sự tồn tại của những cá thể, dù có khác biệt nhưng vẫn cần sự chăm sóc, giáo dục để phát triển.

Là những người làm giáo dục, chúng tôi quan tâm đến tương lai của các em, chứ không phải vì thành tích mà mỗi năm ai cũng được tuyên dương. Tôi, cũng như những đồng nghiệp của tôi, rất ít khi treo những tấm bằng khen nhận được.

Thầy cô là những con người thầm lặng, đưa đò sang sông mà có khi chẳng nhớ nổi tên “khách hàng”. Lớp nào cũng lên lớp 100%, trường nào cũng tiên tiến, xuất sắc thì lấy đâu để khen tặng cho hết “thành tích” của giáo viên. Cái gọi là “bệnh thành tích” không phải khởi phát từ giáo viên, dẫu biết rằng thầy cô là nhân tố quyết định thành tích của ngành giáo dục.

Báo SGGP Online mở Diễn đàn Chống bệnh thành tích trong giáo dục. Mọi thông tin xin gửi về địa chỉ email: sggponline@sggp.org.vn

LÂM VŨ CÔNG CHÍNH (giáo viên Trường THPT Nguyễn Du, quận 10, TPHCM)

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/benh-thanh-tich-khong-den-tu-giao-vien-704296.html