Bệnh tay chân miệng vào mùa: Những điều cần lưu ý

Theo Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng Khoa Nhiễm - Thần kinh Bệnh viện Nhi Đồng 1 cho biết, hiện nay mỗi ngày, BV đã tiếp nhận và điều trị khoảng 50-60 bé bệnh tay chân miệng so với trước chỉ 20-30 trẻ.

Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh cho biết, bệnh tay chân miệng đang vào mùa cao điểm, dự kiến tăng cao trong 1-2 tháng tới. Những ngày qua bắt đầu xuất hiện rải rác các ca bệnh song tình trạng bệnh nhi nặng độ 3, một số trẻ phải thở máy.

Số liệu thống kê từ Trung tâm Y tế dự phòng TP HCM, hiện thành phố có khoảng 160 bệnh nhi tay chân miệng nhập viện mỗi tuần, tăng 20-30 ca so với các tuần trước.

Theo bác sĩ Khanh, đa số phụ huynh nhiều kinh nghiệm nên đã phát hiện trẻ bệnh rất sớm và đưa vào viện khám kịp thời. Bệnh biểu hiện với các bóng nước có kích thước 2-10 mm, trẻ có thể sốt nhẹ, quấy do đau miệng, bỏ ăn.

Hiện nay bệnh này chưa có thuốc đặc trị do vậy việc phòng bệnh cho trẻ là rất quan trọng. Phần lớn những trẻ chưa đi học mà bị mắc bệnh tay chân miệng là do người lớn mang bệnh về cho trẻ.

Bác sĩ Khanh khuyên người lớn và trẻ em nên có thói quen rửa tay. Riêng người lớn nên có thói quen rửa tay trước khi về nhà và trước khi chăm sóc trẻ.

Mỗi ngày, BV Nhi đồng 1 đã tiếp nhận và điều trị khoảng 50-60 bé bệnh tay chân miệng. Ảnh: Lê Phương

Dấu hiệu đặc trưng của bệnh tay chân miệng

Sốt, đau họng, đau miệng.

Loét miệng với vết loét đỏ hay phỏng nước ở niêm mạc miệng, lợi, lưỡi.

Phát ban dạng phỏng nước ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, gối, mông.

Bệnh có thể gây biến chứng nguy hiểm như viêm não - màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp và dẫn tới tử vong nếu không được phát hiện sớm và xử lý kịp thời.

Phân biệt bệnh tay chân miệng với các bệnh khác

Nhiều virus có thể gây các nốt đỏ và loét trong miệng - chứ không chỉ riêng những vi rút gây bệnh tay chân miệng. Tuy nhiên, bác sĩ có thể phân biệt bệnh tay chân miệng với các nhiễm virus khác bằng:

Tuổi của người bệnh - bệnh tay chân miệng hay gặp nhất ở trẻ dưới 10 tuổi.

Mô hình triệu chứng - các triệu chứng bắt đầu bằng sốt cao và đau họng; sau đó các vết loét phát triển trong miệng của trẻ, tiếp theo là các nốt phát ban ở bàn tay và bàn chân.

Biểu hiện của các nốt - những nốt này nhỏ hơn nốt thủy đậu và thường có màu sắc, kích thước và hình dạng khác biệt.

Có thể khẳng định (hoặc loại trừ) bệnh tay chân miệng bằng cách dùng tăm bông quệt vùng da, họng hoặc trực tràng của người bệnh và mang xét nghiệm. Đối với trẻ em có thể dùng mẫu phân.

Cách phòng bệnh

Cần thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng nhiều lần trong ngày (cả người lớn và trẻ em).

Thức ăn cho trẻ cần bảo đảm đủ chất dinh dưỡng; ăn chín, uống chín.

Vật dụng ăn uống phải được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng (tốt nhất là ngâm tráng nước sôi);

Sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hằng ngày; không mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi;

Không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như cốc, bát, đĩa, thìa, đồ chơi chưa được khử trùng.

Trẻ bị tay chân miệng cần tránh thức ăn cay, nóng; chỉ dùng thức ăn lỏng. Sữa pha xong nên để ngăn mát cho trẻ dễ uống.

Trẻ phải được thường xuyên theo dõi sức khỏe để kịp thời phát hiện, tổ chức cách ly, điều trị các trường hợp mắc bệnh, tránh lây bệnh cho các trẻ khác.

Trẻ bị bệnh phải được cách ly ít nhất là 10 ngày kể từ khi khởi bệnh, không cho trẻ có biểu hiện bệnh đến lớp và chơi với các trẻ khác.

Nguồn: VnExpress, Cục Y tế dự phòng

Hoàng Duy (Tổng hợp)

Nguồn Pháp Luật Plus: http://www.phapluatplus.vn/benh-tay-chan-mieng-vao-mua-nhung-dieu-can-luu-y-d50312.html