Bệnh tay chân miệng ở phía bắc chưa đáng lo ngại

PGS.TS Trần Minh Điển, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, từ đầu năm đến nay, bệnh viện ghi nhận hơn 600 trường hợp mắc chân tay miệng nhập viện. Tuy nhiên, các cháu vẫn ở trong giới hạn nhẹ như sốt nhẹ, hắt hơi sổ mũi và phát ban khoang miệng, lòng bàn tay, bàn chân.

Trước tình hình dịch tay chân miệng gia tăng cao tại các tỉnh phía nam, đặc biệt có sáu ca tử vong và nhiều ca nặng do nhiễm trùng thần kinh trung ương, Bộ Y tế đã ra công văn khẩn đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh.

Tại phía bắc, ghi nhận ở Bệnh viện Nhi Trung ương cho thấy, những ngày qua tỷ lệ các cháu phải nhập viện vì tay chân miệng thấp, hiện chỉ có khoảng 5 ca đang điều trị tại viện. Theo PGS.TS Trần Minh Điển, tại cộng đồng hiện có tỷ lệ lớn cháu mắc tay chân miệng nhưng ở trong giới hạn nhẹ, sốt nhẹ, hắt hơi sổ mũi và phát ban khoang miệng, lòng bàn tay, bàn chân.

“Với kiến thức gia đình hiện nay biết được triệu chứng các cháu mắc tay chân miệng nên đều đưa đi khám sớm; các bác sĩ cũng có kinh nghiệm hơn trong phân loại nhóm bệnh, biến chứng của tình trạng bệnh để điều trị. Do đó, tại Hà Nội có nhiều cháu bị mắc nhưng sự kiểm soát đang được triển khai tốt, virus nặng chưa xâm nhập tại khu vực Hà Nội”, BS Điển cho hay.

Hiện nay, tỷ lệ mắc tay chân miệng virus EV không nhiều, đặc biệt là tuýp EV71 đầu năm đến nay chỉ có hơn 10 trường hợp được điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Các ca bệnh này cũng không có biến chứng nặng nề so với những năm trước kia tại bệnh viện.

BS Điển khuyến cáo, hầu hết con trong độ tuổi nhỏ đều có thể mắc tay chân miệng. Khi con mắc tay chân miệng, phải đưa đi khám và bác sĩ sẽ phân loại xem con bị mắc ở mức nào. Bố mẹ cần phải cho con ở nhà trong môi trường sạch, bề mặt được dọn dẹp sạch sẽ nhất. Phải cô lập các chất xúc tiết như phân, nước tiểu, mũi dãi, chất nôn để bảo đảm không lây nhiễm sang em bé khác.

Bệnh tay chân miệng nếu không được chẩn đoán sớm để phân loại, điều trị thì sẽ có nhiều biến chứng nặng nề. Biến chứng nặng nhất là gây là tình trạng sốc, trụy tuần hoàn, suy hô hấp, hoặc tử vong. Biến chứng thứ hai của tay chân miệng chung là viêm não, viêm màng não, sẽ gây ra nguy cơ có những di chứng sau này.

LAM NGỌC

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/suckhoe/item/37813702-benh-tay-chan-mieng-o-phia-bac-chua-dang-lo-ngai.html