Bệnh tay chân miệng gia tăng đột biến

Nguy cơ bùng phát dịch tay chân miệng là hiện hữu tại khu vực phía Nam nếu chính quyền, ngành y tế các cấp...

Ngày 3/10, PGS. Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh nhận định: Nguy cơ bùng phát dịch tay chân miệng là hiện hữu tại khu vực phía Nam nếu chính quyền, ngành y tế các cấp và cộng đồng không kiên trì thực hiện quyết liệt, liên tục, đồng bộ các biện pháp phòng bệnh.

Cụ thể, tính tới thời điểm hiện tại, phía Nam ghi nhận hơn 47.000 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng, trong đó hơn 18.000 trường hợp cần nhập viện. “So với cùng kỳ năm 2015-2017 chỉ ghi nhận 0-4 trường hợp tử vong thì năm nay đã ghi nhận 6 trường hợp tử vong. Đa số các bệnh nhân tay chân miệng tử vong trong năm nay không đến ngay cơ sở y tế khi xuất hiện các dấu hiệu của bệnh mà tự điều trị tại nhà. Khi trẻ có dấu hiệu chuyển bệnh nặng mới đưa đến các bệnh viện”, ông Lân cho biết.

Cũng theo ông Lân, hệ thống giám sát của Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh phát hiện có sự thay đổi thứ nhóm gene của virus gây bệnh tay chân miệng. Theo đó, giai đoạn 2012 - 2017 ghi nhận sự lưu hành ưu thế thứ nhóm gene B5 và tăng dần thứ nhóm gene C4 (của chủng virus EV71). “Sự dịch chuyển thứ nhóm gene khiến cộng đồng chưa có miễn dịch dễ xảy ra nhiều ca mắc hơn và làm gia tăng nguy cơ gây dịch, nhất là trong bối cảnh chủng C4 là chủng dễ gây biến chứng nặng đặc biệt ở trẻ em dưới 5 tuổi, cao gấp 1,7 lần so với các thứ nhóm gene khác của EV71”, vị viện trưởng phân tích.

Nhận định về mức độ nguy hại của virus EV71, ông Lân cho biết: “Nhiễm vius EV71 gây biến chứng thần kinh cao gấp 5,1 lần so với nhiễm các virus đường ruột khác gây bệnh tay chân miệng. Đa số các trường hợp tử vong đều phát hiện nhiễm virus EV71. Cụ thể, 93% trường hợp tử vong tại Trung Quốc năm 2008-2012, 82% trong vụ dịch tay chân miệng tại Việt Nam năm 2011 và 100% trong số các trường hợp tử vong trong năm nay có lấy mẫu xét nghiệm tác nhân gây bệnh”.

Theo chuyên gia, đến nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vaccine phòng ngừa nhiễm virus EV71 tại Việt Nam. Chính vì vậy, thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường và đưa trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh đến cơ sở y tế gần nhất là biện pháp vô cùng quan trọng nhằm phòng ngừa bệnh tay chân miệng và hạn chế các biến chứng gây tử vong của virus EV71.

Hoàng Ngân

Nguồn Giao Thông: http://www.baogiaothong.vn/benh-tay-chan-mieng-gia-tang-dot-bien-d274189.html