Bệnh suy giãn tĩnh mạch: Tránh biến chứng nguy hiểm bằng cách nào?

Suy giãn tĩnh mạch là bệnh khá phổ biến, thường xảy ra ở cả nam giới và phụ nữ, chủ yếu là những người trên 30 tuổi, tuy nhiên tỷ lệ nữ mắc bệnh nhiều hơn nam. Theo PGS.TS Đinh Thị Thu Hương - Nguyên Phó Viện trưởng Viện Tim mạch Quốc gia, suy giãn tĩnh mạch tuy là bệnh lành tính nhưng có thể gặp nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được phát hiện, điều trị đúng cách.

 PGS.TS Đinh Thị Thu Hương - Nguyên Phó Viện trưởng Viện Tim mạch Quốc gia

PGS.TS Đinh Thị Thu Hương - Nguyên Phó Viện trưởng Viện Tim mạch Quốc gia

Bác sĩ có thể giải thích rõ hơn về bệnh suy giãn tĩnh mạch, dấu hiệu để phân biệt với các bệnh khác?

- Suy giãn tĩnh mạch là hệ thống tĩnh mạch bị suy giảm chức năng dẫn đến các mạch máu bị giãn ra và có hiện tượng ứ trệ tuần hoàn tĩnh mạch. Nữ giới bị nhiều hơn nam, ngoài ra yếu tố gia đình, lối sống, béo phì, thức khuya, các stress… cũng ảnh hưởng nhất định đến bệnh này. Các thầy thuốc thường chia triệu chứng bệnh thành dấu hiệu cơ năng (là các dấu hiệu bệnh nhân có thể tự cảm nhận được) và dấu hiệu thực thể. Một số dấu hiệu thực thể có thể quan sát được, đó là bệnh nhân thường có dấu hiệu căng tức, nặng ở chân, mùa hè bị nhiều hơn mùa đông, buổi sáng ngủ dậy chân nhẹ nhõm, nhưng càng về chiều càng nặng hơn.

Bệnh nhân có thể ngứa ở chân kèm theo các tổn thương chàm khiến nhiều bệnh nhân lại đi khám chàm ở chuyên khoa da liễu, bôi thuốc chữa ngứa, chống chàm nhưng không khỏi. Bên cạnh đó, người bệnh còn có cảm giác bồn chồn ở chân, hội chứng "chân không yên", hoặc rung rung chân, hoặc có các triệu chứng chuột rút vào ban đêm. Ngoài ra có thể quan sát trên chân có tĩnh mạch giãn ở mức độ nhẹ, các tĩnh mạch mạng nhện có màu xanh hoặc đỏ; lớn hơn là giãn to ngoằn ngoèo, sạm da, chàm hóa…
Bệnh này có nguy hiểm không và nếu không phát hiện và điều trị đúng, bệnh sẽ gây biến chứng gì, thưa bà?
- Bệnh suy giãn tĩnh mạch có nhiều giai đoạn, cấp độ, về lâm sàng chúng tôi chia các cấp độ theo dấu hiệu lâm sàng từ C0 đến C6 (từ nhẹ đến nặng), nặng nhất là cấp độ C6, bệnh nhân có rối loạn ở chân và không liền được sẹo. Nếu được phát hiện và điều trị ở giai đoạn sớm, bệnh có thể được giải quyết. Nhưng ở giai đoạn muộn, tĩnh mạch giãn nhiều, loét, phù, thay đổi sắc tố da, gây khó khăn trong điều trị.

Giãn tĩnh mạch ở chi sẽ ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, bệnh nhân thấy đau, bứt rứt, khó chịu, phù, ngoài ra sẽ ảnh hưởng đến thẩm mỹ, biến đổi sắc tố da, khiến họ không tự tin, nhất là ở phụ nữ. Nếu biến chứng gây ra các vết loét khiến chi phí điều trị tốn kém, đôi khi loét gây nhiễm trùng dẫn đến cắt cụt chi. Một biến chứng nữa là suy giãn tĩnh mạch dẫn tới tắc tĩnh mạch, trước tiên tắc tĩnh mạch nông, sau đó, nếu suy van tĩnh mạch sâu dẫn tới tắc tĩnh mạch sâu, gây ra tắc mạch phổi, tỷ lệ tử vong cao.
Nhiều người thường có biểu hiện những đường gân nhỏ màu tím đỏ ở cổ chân, đậm ở giữa nhạt dần phía ngoài, đây có phải là triệu chứng của suy tĩnh mạch không và có cách gì để phòng bệnh?
- Với biểu hiện đó, thường là bị suy giãn tĩnh mạch mức độ nhẹ, nghĩa là giãn tĩnh mạch ở dạng lưới hoặc chân nhện, thường gặp ở người làm nghề đứng nhiều, ngồi nhiều, ít vận động. Giai đoạn này cần phải điều trị ngay, xử lý bệnh kịp thời để tránh những biến chứng xảy ra về sau. Để phòng tránh bệnh giãn tĩnh mạch chân nên tránh đứng lâu, tránh đứng nhiều một chỗ, không để tăng cân hoặc đã tăng cân, cần giảm béo. Tập luyện thể dục thường xuyên như đi xe đạp, bơi lội, yoga, đi bộ có thể giúp máu lưu thông ở chân và ngăn ngừa chứng suy giãn tĩnh mạch.
Bệnh suy giãn tĩnh mạch, có cần phẫu thuật không, thưa bà?
- Trong điều trị suy giãn tĩnh mạch có phẫu thuật nhưng chỉ áp dụng suy tĩnh mạch nông và ở mức độ nặng (loại bỏ tĩnh mạch suy nặng), bỏ nhánh tĩnh mạch suy. Chẩn đoán đúng rất quan trọng, vì khi đó sẽ đưa ra phương pháp điều trị đúng. Nếu bệnh ở mức độ nhẹ chưa cần phẫu thuật, cần đi tất, thay đổi lối sống, thuốc trợ tĩnh mạch. Nếu nặng hơn thì có thể tiêm xơ, nội nhiệt tĩnh mạch, laser... Nếu hệ thống tĩnh mạch tổn thương quá nặng thì mới điều trị phẫu thuật.
Xin cảm ơn bà!

Nghề giáo viên dễ bị suy giãn tĩnh mạch

Giáo viên là nghề đối diện với nguy cơ mắc bệnh suy giãn tĩnh mạch bởi các thầy, cô phải đứng nhiều trên bục giảng. Khi đó, đôi chân có trách nhiệm mang toàn bộ trọng lượng cơ thể, kết hợp với lực hút tự nhiên của trái đất, nó chống lại lưu lượng dòng máu trở về tim, theo thời gian sẽ làm suy yếu tĩnh mạch, dẫn đến mạch máu bị giãn ra.
Chúng biểu hiện các mạch máu bị sưng lên, xoắn ngoằn ngoèo, đôi khi kèm theo mạng nhện chằng chịt ở chân. Các triệu chứng bao gồm tức nặng ở chân, cảm giác kiến bò, bỏng rát, hoặc ngứa quanh tĩnh mạch, chuột rút, sưng phù từ bàn chân trở lên.
Theo Đại học Tim mạch Hoa Kỳ, giáo viên cũng giống như y tá, người tạo mẫu tóc hay một số ngành nghề khác, họ thường phải đứng nhiều hơn 5 giờ mỗi ngày, vì vậy 70% những người làm nghề này có nguy cơ mắc suy giãn tĩnh mạch.
Bác sĩ Trần Văn Phúc Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn

Nam Trần thực hiện

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/benh-suy-gian-tinh-mach-tranh-bien-chung-nguy-hiem-bang-cach-nao-314261.html