Bệnh sởi và thủy đậu đang lan nhanh

(CATP) Dù chưa vào mùa nhưng khoảng hai tuần qua, số trẻ đến khám thủy đậu và sởi tại các khoa nhi trên địa bàn TPHCM tăng vọt. Một trong nhiều nguyên nhân chính do sự lơ là, chủ quan của các phụ huynh về căn bệnh này khiến trẻ nhập viện trong tình trạng nặng, nguy cơ tử vong cao.

Thông thường, bệnh thủy đậu (dân gian thường gọi là trái rạ) sẽ xuất hiện 10 - 14 ngày sau khi tiếp xúc với nguồn bệnh. Bệnh khởi phát đột ngột với triệu chứng nổi mụn nước ở mặt, chi sau đó lan nhanh ra toàn thân chỉ trong 12 - 24 giờ. Mụn nước có đường kính từ 1 - 3mm, chứa dịch trong. Trường hợp nặng, mụn nước sẽ to hơn hoặc khi bị nhiễm trùng, mụn sẽ có màu đục do chứa mủ. Khi mắc bệnh, trẻ nhỏ thường kèm sốt nhẹ, biếng ăn; ở người lớn thì thường kèm sốt cao, đau đầu, đau cơ, nôn ói. Bệnh kéo dài từ 7 - 10 ngày nếu không có biến chứng, các nốt rạ sẽ khô dần, bong vảy, thâm da nơi nổi mụn nước, không để lại sẹo, nhưng nếu bị nhiễm thêm vi trùng mụn nước có thể để lại sẹo.

Theo dõi tích cực trẻ bị biến chứng

Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa Nhiễm (Bệnh viện Nhi Đồng 1): “Thông thường, mùa của bệnh thủy đậu thường là sau Tết khoảng tháng 2 kéo dài đến tháng 6. Trong đó, cao điểm là tháng 3 và tháng 4. Nhưng năm nay, bệnh đến sớm hơn”. Vừa qua, bệnh viện đã tiếp nhận trường hợp một bệnh nhi thủy đậu bị biến chứng nặng. Trẻ bệnh hơn một tuần nhưng gia đình không đưa đi khám, chỉ đến khi bé bị sốt cao suy hô hấp, khó thở... mới đưa vào cấp cứu trong tình trạng đã ngưng thở. Bệnh viện phải cho thở máy và áp dụng phác đồ điều trị kháng sinh liều cao.

Bác sĩ Khanh cũng cho biết thêm, người lớn nếu chưa từng bị thủy đậu cộng với không có miễn dịch từ chích ngừa, nếu tiếp xúc với người mắc bệnh thủy đậu thì khả năng sẽ mắc bệnh. Việc chăm sóc da cho người bị thủy đậu rất quan trọng. Biến chứng nhiều nhất của thủy đậu chính là nhiễm trùng nốt rạ, độ nặng có thể làm nhiễm trùng máu hoặc nhiễm trùng sâu sẽ để lại sẹo. Khi nốt rạ bị vỡ, cố gắng không để bệnh nhân gãi vào nhằm giảm khả năng bội nhiễm. Người lớn và trẻ nhỏ đều cần phải được tiêm ngừa vắc-xin để phòng tránh. Thủy đậu nếu chăm sóc tốt sẽ tự khỏi, bệnh nhân nào có sức đề kháng tốt thì các nốt rạ xuất hiện ít và ngược lại. Việc dân gian cho rằng cần trùm kín để các nốt phát ra nhiều mới mau lành bệnh, đã làm ủ ẩm vùng da có các nốt rạ khiến các mụn nước bị bưng bít, gây mủ và nhiễm trùng.

Theo Trung tâm Y tế dự phòng thành phố, bệnh sởi đang xuất hiện và có dấu hiệu bùng phát tại nhiều địa bàn. Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới, chỉ trong hai tháng 11 và 12-2013, bệnh viện đã tiếp nhận và điều trị cho 65 ca, tăng 100% so với cùng kỳ năm trước (không có ca nào), đa phần đều là trẻ em. Tại Bệnh viện Nhi Đồng 2 mỗi ngày tiếp nhận và điều trị khoảng 15 - 20 ca mắc bệnh sởi. Bệnh sởi hay còn gọi là ban đỏ là bệnh truyền nhiễm có tính lây truyền cao, chủ yếu qua đường hô hấp như nước bọt, hắt hơi, sổ mũi hoặc hít phải mầm bệnh từ môi trường. Trẻ em và người lớn đều có thể mắc sởi, đặc biệt là những người chưa được chủng ngừa. Bệnh có thể biến chứng nặng như viêm tai giữa, viêm phế quản, viêm phổi, viêm thanh quản... hoặc mù do khô loét giác mạc vì thiếu vitamin A. Thậm chí bệnh có thể dẫn đến viêm não, viêm cơ tim có thể tử vong nếu không được chăm sóc và điều trị đúng. Cũng như bệnh thủy đậu, bệnh sởi có thể phòng tránh nếu như được tiêm ngừa đầy đủ... Khi trẻ mắc bệnh, cần cách ly trẻ ở nhà, không nên đưa trẻ đến trường nhằm tránh lây lan.

Nguồn CA TP.HCM: http://www.congan.com.vn/?catid=942&id=511115&mod=detnews&p=